Lạm thu và nhắc nhở, phê bình, rút kinh nghiệm

28/09/2020 06:21
AN NGUYÊN - THÀNH AN
GDVN- Trước bức xúc của phụ huynh, chính quyền địa phương đã yêu cầu nhà trường phải hoàn trả lại số tiền đã thu, đồng thời phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách xử lý trách nhiệm cá nhân tại các trường để xảy ra lạm thu hiện nay là chưa thoả đáng và chưa đủ sức răn đe.

Yêu cầu trả lại tiền đã lạm thu

Liên quan đến những phản ánh của phụ huynh về các khoản thu không đúng quy định xảy ra tại Trường tiểu học Lê Lợi (thành phố Huế) thì ông Trương Đình Hạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế đã có công văn phản hồi dư luận, báo chí.

Nhiều khoản thu tại Trường tiểu học Lê Lợi không đúng quy định nhưng chỉ mới dừng lại ở mức "phê bình, nhắc nhở". Ảnh: TA

Nhiều khoản thu tại Trường tiểu học Lê Lợi không đúng quy định nhưng chỉ mới dừng lại ở mức "phê bình, nhắc nhở". Ảnh: TA

Trong đó, ông Hạnh cho biết, chính quyền địa phương đã có công văn nhắc nhở, phê bình trường tiểu học Lê Lợi chưa thực hiện nghiêm túc công văn của thành phố về việc thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021.

Đồng thời, yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường không được thu tiền quỹ an ninh trật tự trong năm học 2020-2021 (50.000 đồng/học sinh/năm).

Những phụ huynh nào đã nộp tiền, yêu cầu hoàn trả cho phụ huynh. Đồng thời, nhà trường cần làm việc với lãnh đạo phường, Công an phường để được hỗ trợ tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trước cổng trường vào giờ cao điểm và thực hiện tốt mô hình “xếp hàng đón con”.

Chính quyền địa phương cũng yêu cầu không được tiếp tục thu tiền để thực hiện quỹ điều hòa dự phòng đối với học sinh khối 1 năm học 2020-2021(500.000 đồng/học sinh/5 năm học).

Những phụ huynh nào đã nộp tiền, yêu cầu hoàn trả cho phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thực hiện việc huy động kinh phí để thay thế máy điều hòa do hư hỏng không sữa chữa được hoặc cháy khi đã có dự toán chi tiết.

Có sự thống nhất của Ban Giám hiệu nhà trường và thực hiện việc huy động xã hội hóa theo đúng quy định.

Ngoài ra, trong công văn gửi trường tiểu học Lê Lợi, chính quyền địa phương cũng chỉ ra những thiếu sót, sai phạm của nhà trường về nguồn tăng cường cơ sở vật chất bán trú.

Yêu cầu Hiệu trưởng rà soát lại các nội dung chi, chỉ thực hiện những nội dung chi cần thiết phục vụ cho công tác bán trú của trường. Cân đối lại để giảm tiền đối với phụ huynh.

Các nguồn thu thỏa thuận với phụ huynh, yêu cầu nhà trường thực hiện nguyên tắc thu đủ, chi đủ theo quy định, không để số dư cuối năm quá lớn chuyển năm sau.

Trường hợp cuối năm số dư còn lớn không sử dụng hết, nhà trường cần tính toán lại và hoàn trả cho phụ huynh.

Cũng với cách xử lý trên thì vụ việc thu sai nhiều khoản thu tại Trường mẫu giáo Ea Wy (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) thì cơ quan chức năng đã yêu cầu Hiệu trưởng phải hoàn trả lại số tiền đã thu của người dân.

Chủ yếu vẫn là rút kinh nghiệm

Sai phạm trong thu-chi tài chính đầu năm học đã được chính quyền địa phương xác minh, làm rõ và yêu cầu hoàn trả lại tiền nhưng còn cách xử lý các cá nhân sai phạm thì thế nào?

Hầu hết các vụ việc đều dừng lại ở việc nhắc nhở, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và hoàn trả lại tiền cho phụ huynh. Kể cả có những trường có sai phạm từ năm nay sang năm khác về thu - chi nhưng mức xử lý cá nhân vẫn là “nhắc nhở, phê bình”.

Trong các năm học trước, tại trường tiểu học Lê Lợi (thành phố Huế) thì phụ huynh có con học trái tuyến vào lớp 1 phải “ủng hộ” tiền xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường từ 3-5 triệu đồng và được thu trên cơ sở “tự nguyện”.

Liên quan đến khoản thu tự nguyện hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, chính quyền thành phố Huế xác định, từ năm học 2014-2015 đến 31/12/2019, nhà trường đã huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng công trình nói trên, kể cả tiền lãi gửi ngân hàng với số tiền: 2,28 tỷ đồng.

Với số tiền trên, trường tiểu học Lê Lợi đã có văn bản xin chủ trương dùng nguồn tiền này để xây dựng, nâng cấp khối nhà bếp và thư viện của trường và được đồng ý.

Tổng dự toán công trình là 2,84 tỷ đồng. Sau khi cân đối tổng dự toán công trình so với kinh phí đã huy động được (2,84 - 2,28) thì kinh phí cần phải huy động tiếp là: 561,816 triệu đồng đồng.

Số kinh phí này được nhà trường huy động trong nguồn tăng cường cơ sở vật chất bán trú năm học 2020-2021 là không phù hợp thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Dù chỉ rõ nhiều sai phạm như vậy nhưng trong công văn của Ủy ban nhân dân thành phố Huế thì mức xử lý sai phạm này là: “nhắc nhở, phê bình”.

(Còn nữa).

AN NGUYÊN - THÀNH AN