Ngoài điểm cầu tại trụ sở Chính phủ, còn có các điểm cầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trụ sở Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn vì nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đó đây đã xuất hiện tâm lý chủ quan, nơi lỏng không chỉ trong xã hội mà cả trong cơ quan nhà nước. Chúng ta đã có bài học Đà Nẵng và không để bài học đấy trở thành vô nghĩa.
Ảnh: VGP |
Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác.
Phó Thủ tướng nêu ba bài học chung nhất đã được tất cả các nước trên thế giới đúc kết trong phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Việc phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính chất quyết định. Giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch.
Một số kinh nghiệm lớn được rút ra trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam thời gian qua là có hệ thống chính trị chỉ đạo xuyên suốt, sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành, đoàn thể chính trị-xã hội… Nhân dân ủng hộ, tham gia và có nhiều nghĩa cử cảm động. Chúng ta có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, thường xuyên trong nghiên cứu, phân lập virus, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, phác đồ điều trị…
Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Bằng công nghệ thông tin, các lực lượng phòng, chống dịch đã được kết nối chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, giữa các ngành để truy vết, theo dấu ca nhiễm, hỗ trợ điều trị từ xa.
Quan trọng nhất là lực lượng quân đội, tiếp đó là lực lượng công an đã tham gia phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu cùng với lực lượng y tế. Đây là điểm độc đáo trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam, tới đây phải tiếp tục phát huy.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới chúng ta phải làm tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể.
Dịch không trừ một ai, một địa phương nào. Không chỉ riêng Đà Nẵng mà tỉnh nào cũng có thể xuất hiện dịch. Tuy nhiên, bài học rút ra từ Đà Nẵng là dù chúng ta đã cảnh báo phải giữ tuyệt đối an toàn các cơ sở y tế, đặc biệt là các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, có nhiều bệnh nhân nặng, có bệnh nền dài ngày nhưng dịch đã lây nhiễm sau khoảng 2 tuần mới phát hiện ra. Hoàn toàn nhiều nơi có thể bị như thế nếu chúng ta không siết lại kỷ cương.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng ngay hệ thống giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, trụ sở cơ quan nhà nước, địa điểm công cộng, vui chơi, giải trí…
Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát lại các hướng dẫn, phối hợp với bộ ngành liên quan để xây dựng các bộ tiêu chí chi tiết, cụ thể, khả thi để từng trường học, bệnh viện, siêu thị, khách sạn… có thể thực hiện được, cập nhật trực tuyến theo thời gian thực. Các bộ ngành, địa phương phải kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta phải có giải pháp rất cụ thể, thực hiện thật nghiêm, giữ tuyệt đối an toàn, không để dịch bùng phát. Đây là nhiệm vụ chính trị. Hai nguy cơ lây nhiễm lớn nhất hiện nay là người nhập cảnh vào Việt Nam và mầm bệnh lưu hành trong cộng đồng.
Báo cáo từ các địa phương, kết quả giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế, Bộ Công an cho thấy, thời gian qua có thực tế đối tượng nhập cảnh hợp pháp (trong đó có chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam từ vùng dịch) chưa được quản lý chặt chẽ sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung, trong khi thực tế có người phát bệnh ở ngày thứ 20 sau khi nhập cảnh.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, ít nhất trong vòng 28 ngày, bao gồm 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày giám sát y tế.
Người nhập cảnh phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cập nhật tình hình sức khoẻ cá nhân ít nhất 1 lần/ngày. “Chính quyền địa phương tuyệt đối không để người nước ngoài nhập cảnh không thuộc đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, không phải là lao động của DN có nhu cầu”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Từng địa phương phải nắm được từng ngày có bao nhiêu người nhập cảnh trên địa bàn, cập nhập thông tin sức khỏe, lưu trú… liên tục. Các khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ người cách ly phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, cập nhật thông tin hàng ngày về thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đối với việc phát hiện, phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, Phó Thủ tướng cho rằng vai trò của người dân rất quan trọng.