Học sinh lớp 1 chưa biết chữ, sao phải học 9 môn hơn 20 đầu sách?

07/10/2020 06:35
Nguyễn Nguyên
GDVN- Học sinh chưa biết chữ thì có cần thiết phải học 9-10 môn học với hơn 20 đầu sách giáo khoa và sách bổ trợ ngay từ khi bước vào lớp 1 hay không?

Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì học sinh không được học chữ trước khi vào lớp 1. Mục tiêu của chương trình lớp 1 cũng chỉ yêu cầu học sinh khi học xong lớp học này chỉ cần biết đọc, biết viết.

Điều này cũng được thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục 2018- Chủ biên sách Tiếng Việt (Cánh Diều) khẳng định trong mấy ngày gần đây.

Vậy, học sinh chưa biết chữ thì có cần thiết phải học 9-10 môn học với hơn 20 đầu sách giáo khoa và sách bổ trợ ngay từ khi bước vào lớp 1 hay không?

Liệu tất cả những cuốn sách giáo khoa ở học kỳ I của lớp 1 có thực sự cần thiết hay chỉ cần một số cuốn mà thôi?

Học sinh lớp 1 đang có quá nhiều sách giáo khoa và bổ trợ (Ảnh: Thùy Linh)

Học sinh lớp 1 đang có quá nhiều sách giáo khoa và bổ trợ (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo viên không thể nào dạy hết các môn học ngay từ đầu lớp 1

Học sinh lớp 1 hiện nay thường có 5 giáo viên dạy, đó là giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Tiếng Anh (tự chọn). Những môn này thường được dạy theo số tiết quy định của ngành giáo dục vì có giáo viên riêng cho từng môn.

Riêng với giáo viên chủ nhiệm sẽ dạy tất cả những môn còn lại, đó là: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm,Tự nhiên và Xã hội.

Chính vì 1 giáo viên dạy nhiều môn cùng lúc mà học sinh mới bước vào lớp 1 nên đa phần giáo viên chủ nhiệm phải hướng cho học sinh học chữ trước. Vì vậy, chỉ có môn Tiếng Việt và môn Toán là được tập trung nhiều nhất.

Các môn Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm,Tự nhiên và Xã hội thì gần như phải đành bỏ mặc. Vậy nên, các cuốn sách giáo khoa này thường rất mới và cuốn vở cũng rất ít khi được học sinh ghi chép.

Chuyện này không phải chỉ với lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới mà chương trình lâu nay cũng đã vậy rồi.

Bởi, học sinh mới học âm, học vần, ghép từ thì học các môn học khác cũng không thể nào hiệu quả được vì nhiều trang sách có rất nhiều chữ. Học sinh lúc này làm sao có thể đọc được những yêu cầu trong sách giáo khoa?

Không tin, lãnh đạo Bộ, Sở, Phòng và phụ huynh cứ kiểm tra sách giáo khoa, vở ghi chép các môn Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm,Tự nhiên và Xã hội sẽ rõ hơn về vấn đề này.

Ấy vậy mà, các môn này không chỉ có sách giáo khoa mà năm nay còn có thêm cả sách bổ trợ (sách bài tập) thì không biết học sinh có cơ hội ngó ngàng đến các cuốn sách này hay không.

Bởi, gần một tháng qua thì chỉ riêng môn Tiếng Việt, dù đã tăng thêm tiết so với chương trình cũ nhưng vẫn liên tục có những giáo viên, phụ huynh cho rằng nội dung kiến thức quá nặng.

Nặng đến nỗi mà ngày 5/10 vừa qua thì Bộ phải ra công văn chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch để giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Nhưng, nếu không có sự trợ giúp của phụ huynh, không có sự rèn luyện thêm ở nhà thì có lẽ giáo viên sẽ rất vất vả.

Mỗi tiết học có 35 phút với vô vàn yêu cầu trong sách giáo khoa mà lớp học bình thường đã có trên 30 học sinh thì rõ ràng là Bộ đang làm khó giáo viên lớp 1.

Dù ai cũng biết rằng không giao bài tập về nhà cho học trò là phù hợp nhưng nó sẽ khó phù hợp với lượng kiến thức mà chương trình, sách giáo khoa đã đề ra cho cả thầy và trò.

Lãng phí từ việc phụ huynh phải mua quá nhiều sách giáo khoa, sách bổ trợ

Đáng lẽ ra, ở học kỳ 1 của lớp 1 thì học sinh chỉ cần học môn Tiếng Việt, Toán và một số môn năng khiếu vì thực tế là học sinh chưa biết chữ, không được phép học chữ trước.

Ít môn, thì giáo viên sẽ tập trung việc dạy chữ cho học trò nhằm giúp các em mau biết đọc, biết viết. Khi biết đọc, biết viết rồi thì mới nên học các môn khác.

Vì thế, không dạy các môn khác thì không đúng yêu cầu, sai quy định mà dạy tất cả các môn thì học sinh sẽ khó hoàn thành mục tiêu biết đọc, biết viết mà học sinh lớp 1 thì yêu cầu này mới là cao nhất.

Vậy nên, giáo viên phải đầu tư trọng tâm một số môn học chính còn các môn khác có lẽ là lực bất tòng tâm.

Nhưng, Bộ đã chủ trương đưa 9-10 môn học vào ngay đầu học kỳ 1 của lớp 1. Các nhà xuất bản còn tham vọng đưa thêm hơn 10 cuốn sách bổ trợ đi kèm, thành ra học trò vừa qua mẫu giáo bước vào lớp 1 đã có tới hơn 20 đầu sách giáo khoa và sách bổ trợ.

Dù các nhà biên soạn chương trình, các tác giả sách giáo khoa có lý giải như thế nào đi chăng nữa thì ai cũng biết thực tế giảng dạy khó hơn nhiều và không thể nào dạy hết được tất cả các bài học ở các môn học.

Vì thế, việc học sinh lớp 1 có quá nhiều sách giáo khoa, sách bổ trợ đã trở nên lãng phí. Có lẽ, những nhà thiết kế đã khoác cho các em học sinh chiếc áo quá rộng, quá thừa và quá sức cho học trò lớp 1.

Nguyễn Nguyên