9 vấn đề làm nên thành tích vượt bậc của Đại học Tôn Đức Thắng

10/10/2020 07:02
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quán
GDVN- Đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của Trường trước hết là thầy Hiệu trưởng. Thầy là người có năng lực, có tài, có tâm huyết, được đào tạo ở trong và ngoài nước.

LTS: Tiến sĩ Nguyên Văn Quán hiện đang là chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo – Khoa môi trường và Bảo hộ lao động của Đại học Tôn Đức Thắng, nguyên trưởng khoa Môi trường và bảo hộ lao động, nguyên Phó viện trưởng viện nghiên cứu bảo hộ lao động, Phân viện trưởng phân viện Bảo hộ lao động miền Nam và từng là Giám đốc Trung tâm an toàn lao động và công nghệ môi trường có bài viết gửi tới tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam để chia sẻ một số thành tựu về tự chủ của ngôi trường mang tên Bác Tôn mà ông đã có cơ hội gắn bó rất lâu năm.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Tôi đã tham gia làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngay từ khi thành lập năm 1997. Chứng kiến sự chuyển đổi của Trường từ trường đại học công nghệ dân lập chuyển sang bán công rồi chuyển sang công lập cho đến ngày hôm nay nên tôi hiểu được sự trưởng thành của ngôi trường này như thế nào?

Như Khổng Tử đã nói: “Nghe thì tôi quên, thấy thì tôi nhớ, làm thì tôi hiểu”, còn đối với tôi hơn 23 năm liên tục gắn bó làm việc ở trường Đại học Tôn Đức Thắng thì nghe nhiều làm sao quên được, thấy nhiều lại càng nhớ, càng yêu ngôi trường, còn làm nhiều và vất vả thì càng hiểu và thấy có ý nghĩa hơn.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: TDT)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: TDT)

Trước tiên, tôi phải nói để có được Trường Đại học Tôn Đức Thắng như ngày hôm nay đó là sự đóng góp to lớn cùng nhau vượt qua mọi khó khăn của Thầy hiệu trưởng và các thầy cô, các cán bộ nhân viên, các bậc phụ huynh, doanh nghiệp, các cựu sinh viên, các học viên và toàn thể các bạn sinh viên yêu quý.

Đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của Trường trước hết là thầy Hiệu trưởng. Thầy là người có năng lực, có tài, có tâm huyết, được đào tạo ở trong và ngoài nước.

Thầy từng là giảng viên, là phó hiệu trưởng giai đoạn dân lập, bán công và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường trong giai đoạn công lập.

Khi nhận nhiệm vụ hiệu trưởng trường đại học Tôn Đức Thắng, thầy Lê Vinh Danh đã từng bước lãnh đạo nhà trường sau 12 năm đạt được thành tích đáng trân trọng như ngày hôm nay.

Thật vậy, với một trường có xuất phát điểm rất thấp, phải tự chủ từ đầu (thực ra là tự lo toàn diện), thầy đã đề ra kế hoạch 30 năm trường phấn đấu vào TOP 60 Châu Á và nay đã được xếp hạng TOP 800 thế giới thật đáng tự hào.

Để có được những thành tích đó có nhiều nguyên nhân mà thể hiện rõ nhất ở 9 vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất: ngay từ đầu thầy Hiệu trưởng đã chọn hướng đi cho trường là trở thành đại học nghiên cứu. Thầy đã trình bày cho tập thể giảng viên, viên chức hiểu rằng giảng dạy không thể thiếu nghiên cứu, nó bổ sung và hỗ trợ nhau cùng phát triển và đó là xu hướng tất yếu của các đại học trên thế giới.

Lúc đầu nhiều giảng viên, viên chức không tin có thể thực hiện được mục tiêu phát triển thành trường đại học nghiên cứu, nhưng sau khi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 thì chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công. Vì vậy, mọi hoạt động của trường đều hướng tới mục tiêu này.

Vấn đề thứ 2: Hiệu trưởng đề nghị thực hiện là mọi hoạt động và mọi nỗ lực chỉ hướng tới giáo dục, đào tạo làm sao để đạt được kết quả có chất lượng; người được đào tạo tại trường có đức, có tài; không vì lợi nhuận cho riêng ai, kể cả dùng cho việc khác. Nguyên tắc này chính là cơ sở cho mọi người phấn đấu, an tâm, đoàn kết và hết lòng vì sự phát triển của Trường.

Vấn đề thứ 3: Xây dựng cơ sở đào tạo ở Tân Phong, Quận 7 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao đất, hướng phát triển của trường, mục đích có vị thế xứng đáng trong các trường ở khu vực là niềm tin của sinh viên, học viên mong muốn được học tại trường; là niềm tin đối với các đối tác trong và ngoài nước hợp tác nghiên cứu đào tạo, của phụ huynh.

Vấn đề thứ 4: các nội dung hoạt động của trường được thầy Hiệu trưởng quan tâm vì nó có tầm quan trọng đến chất lượng đào tạo con người có tài, có đức cho xã hội.

Thầy hiệu trưởng đã chỉ đạo nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có quy định cụ thể, rõ ràng cho toàn trường, và lộ trình riêng cho từng khoa, phòng, ban; cho giảng viên viên chức, học viên và sinh viên, các hoạt động đi vào chiều sâu, không hình thức.

Vấn đề thứ 5: Thực hiện rà soát, kiểm tra để hoàn chỉnh các chương trình đào tạo, giáo trình, nội dung giảng dạy kể cả ngành đào tạo mới. Khẳng định và yêu cầu giảng viên phải tự nguyện có trách nhiệm xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho chất lượng đào tạo con người có đức có tài.

Thực hiện nghiên cứu và thu thập thông tin, tài liệu của các trường có uy tín trong và ngoài nước sao cho đáp ứng được nhu cầu hiện tại, có chất lượng cao để phục vụ mục tiêu phát triển nhà trường.

Vấn đề thứ 6: Quy hoạch và kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển thành trường đại học nghiên cứu để giúp cho các giảng viên có chuyên môn, học vị khoa học theo yêu cầu, trường luôn tạo điều kiện thuận lợi, kể cả hỗ trợ kinh phí.

Những giảng viên có trình độ ngoại ngữ thuận lợi trong giao tiếp tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế, tham gia các chương trình trao đổi giảng viên với các nước.

Vấn đề thứ 7: đánh giá tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, xây dựng khoa học và thực hiện ngay từ đầu, hợp tác với các trường nước ngoài đào tạo chương trình liên kết, chương trình luân chuyển campus, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu

Vấn đề thứ 8: nghiên cứu khoa học đặt lên hàng đầu để xứng tầm với mục tiêu là trường đại học nghiên cứu. Hiệu trưởng xác định đây là nhiệm vụ khó khăn và nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, đồng lòng quyết tâm vượt qua khó khăn.

Nếu xét nguồn lực giảng viên trường giai đoạn đầu là tiếp nối từ trường đại học công nghệ dân lập, đại học bán công thì chưa thể gánh vác nhiệm vụ này ngay được nên Thầy Hiệu trưởng đã đưa 2 vấn đề phải làm song song đó là quy hoạch và kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên (vấn đề thứ 6) và có cách tiếp cận hợp lý thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ngay từ đầy: yêu cầu giảng viên, nghiên cứu viên tìm đăng ký đề tài nghiên cứu các cấp:

Từ cấp trường, cấp sở và thành phố, cấp tỉnh đến cấp bộ, động viên giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu, yêu cầu giảng viên phải ra nước ngoài dự hội thảo, tham gia hướng dẫn luận án tiến sỹ, thạc sỹ, tham gia các hội đồng khoa học, viết bài báo khoa học trong và ngoài nước, động viên khuyến khích viết báo ở các tạp chí ISI.

Từng bước thúc đẩy nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, lúc đầu động viên, khuyến khích sau trở thành nhiệm vụ của giảng viên. Sau 2 lần kế hoạch 5 năm, thành công về nghiên cứu khoa học, trường đã xứng đáng là một trường đại học nghiên cứu được thế giới thừa nhận.

Vấn đề thứ 9: trường nghiêm túc, kiên trì yêu cầu các giảng viên cán bộ nhân viên ở mọi nơi chốn: liên tục phải có trách nhiệm đào tạo, giáo dục các sinh viên, học viên để khi tốt nghiệp ra trường vừa có đức vừa có tài để xây dựng đất nước. Quả thực, trường đã làm thức tỉnh truyền thống của cha ông: “tiên học lễ, hậu học văn”.

Còn tiếp...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quán