Sách giáo khoa phổ thông (năm 2000) đã được đem vào giảng dạy đại trà trong nhà trường gần 20 năm qua và chỉ còn vài năm ngắn ngủi nữa thôi thì sứ mệnh những bộ sách này sẽ được thay thế bằng những bộ sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, trong các bộ sách giáo khoa có những lỗi nhất định, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã sửa qua nhiều lần tái bản nhưng có những lỗi mà hiện nay vẫn còn hiện hữu trên các bộ sách giáo khoa.
Điều này được thể hiện rất rõ trong một số sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học cơ sở mà chúng tôi cho rằng đó là lỗi không đáng có của người biên soạn và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Các lỗi này đã tồn tại gần 20 năm qua (Ảnh: Kim Oanh) |
Triều Lý hay Triều Lí vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể cho giáo viên?
Trong lịch sử Việt Nam không có triều đại nào có tên là triều Lí nhưng trong tác phẩm Chiếu dời đô, sách giáo khoa Ngữ văn 8 lại viết là Lí Công Uẩn. Cùng với họ của tác giả bài chiếu này sai là phần chú thích của bài này cũng có những lỗi sai tương tự.
Trong văn bản Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) thì từ Lí được lặp lại 10 lần để chỉ vua Lý Công Uẩn và triều đại nhà Lý.
Chính từ những phản ánh của báo chí, ngày 25/ 5/2020 vừa qua, khi trao đổi với phóng viên Báo Lao động thì ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Ông Thành cho biết: “Ngay sau khi có những ý kiến phản ánh của báo chí về sự vênh, lệch chính tả trong quyết định và văn bản sách giáo khoa Ngữ văn 8 chương trình hiện hành, Vụ đã cho cử chuyên viên rà soát lại sách giáo khoa, cũng như các văn bản, quy định liên quan.
Đồng thời, yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giải trình về việc này”.
Tuy nhiên, đến thời điểm này- khi mà năm học mới đã đi qua được hơn một tháng rồi nhưng đội ngũ giáo viên vẫn chưa thấy có hướng dẫn về vấn đề này. Vì thế, có những lỗi sai nhưng giáo viên và học sinh cứ phải viết, phải đọc…
Phần chú thích tác phẩm Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn |
Bởi, sách giáo khoa Ngữ văn 8 viết vua Lý Công Uẩn thành Lí Công Uẩn mà trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 cũng mắc những lỗi này.
Trong bài thơ Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) có tới 4 chữ Lí ở trang 62-63, đó là: thơ văn Lí- Trần; Lí Thường Kiệt (2 lần); Lí Nhân Tông. Ở bài Từ Hán Việt (trang 69) có thêm 1 từ Lí nữa khi viết là Lí Công Uẩn.
Gần 20 năm qua, kể từ khi sách Ngữ văn của chương trình hiện hành được giảng dạy đại trà với hàng chục triệu học sinh đã học qua những bài học này và đương nhiên cả thầy và trò đều phải viết sai chính tả.
Vì không thầy cô và học sinh nào dám viết khác với cách viết của sách giáo khoa. Hơn nữa, nhiều người vẫn nghĩ sách giáo khoa thì câu, chữ, nội dung phải chính xác.
Theo lộ trình thì chỉ còn không đến 2 năm nữa là thay sách lớp 7 và gần 3 năm nữa là thay sách lớp 8 nên những lỗi chính tả này có lẽ cứ để mặc nhiên tồn tại!
Sách Ngữ văn 7 cũng viết chữ Lý thành chữ Lí |
Tác giả sách giáo khoa gọi “đoạn trích” thành “đoạn văn”, gọi “tác phẩm” thành “bài văn”!
Ở bài học Xây dựng đoạn văn trong văn bản thì các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 định nghĩa về đoạn văn ở phần ghi nhớ (trang 36) như sau:
“Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. Đoạn văn do nhiều câu văn tạo thành…”.
Thế nhưng, trong phần ghi nhớ của đoạn trích Trong lòng mẹ (trích Những ngày thơ ấu) của nhà văn Nguyên Hồng thì tác giả sách giáo khoa gọi đoạn trích này là… “đoạn văn” (trang 21)!
Điều trớ trêu là cũng trong đoạn trích này thì ở phần chú thích, tác giả sách giáo khoa lại viết: “Tác phẩm gồm 9 chương, đăng trên báo năm 1938, in thành sách lần đầu năm 1940. Đoạn trích Trong lòng mẹ là chương IV của tác phẩm” (trang 19).
Phần chú thích gọi là đoạn trích |
Một chương hồi kí có dung lượng gần 4 trang giấy sách giáo khoa, khổ 17x24 cm với vô vàn đoạn văn mà tác giả sách giáo khoa chốt ở phần ghi nhớ là… “đoạn văn”…thì quả là một điều rất đáng suy nghĩ!
Bởi, chỉ trong 17 trang sách, từ trang 19-36 mà các tác giả sách giáo khoa hướng dẫn, thể hiện “đoạn văn” và “đoạn trích” rối tung cả lên.
Ngay cả trong đoạn trích Trong lòng mẹ thì các tác giả cũng không có sự lẫn lộn trong cách gọi, lúc thì gọi đoạn trích, lúc thì gọi đoạn văn.
Phần ghi nhớ gọi là ...đoạn văn |
Không chỉ lẫn lộn ở đoạn văn, đoạn trích mà trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1 cũng có những lỗi không đáng có.
Ở trang 74, tác giả sách giáo khoa đưa ra một câu hỏi như sau: “Kể tên một số bài văn biểu cảm (trữ tình) hay mà em biết”.
Đối với những tác phẩm văn xuôi không ai gọi là “bài văn” cả mà thông thường gọi là “tác phẩm” hoặc “văn bản”.
Từ “bài văn” thường chỉ về những bài viết kiểm tra (thi) của học trò chứ không ai gọi một thể loại văn học. Chẳng lẽ người đọc lại gọi là: bài văn Cuộc chia tay của những con búp bê; bài văn Mẹ tôi; bài văn Chiếc lược ngà…?
Thiết nghĩ, sách giáo khoa năm 2000 dù đã gần được thay thế bằng một chương trình, sách giáo khoa khác nhưng còn năm nào thì Bộ cũng cần có chủ trương chỉnh sửa. Nhà xuất bản không sửa được thì chỉ cần một cái email hướng dẫn gửi về các Sở Giáo dục thì những sai sót sẽ được khắc phục.
Đặc biệt, các nhà biên soạn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng thật cẩn thận để tránh những sai sót không đáng có. Việc sai sót không chỉ phải chỉnh sửa, bổ sung mà cái chính là uy tín của những Tổng chủ biên, chủ biên sách giáo khoa cũng bị ảnh hưởng theo.
Điều quan trọng là những cái sai đó lại được dạy cho hàng triệu học trò mỗi khóa mà mỗi vòng đời sách giáo khoa kéo dài hàng chục năm trời thì ảnh hưởng đến nhiều thế hệ lắm!