Từ đầu năm học cho đến nay thì lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo đối với ngành nhằm giúp các đơn vị trường học thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, có những chỉ đạo có lẽ chỉ mang tính trấn an dư luận thì nhiều hơn bởi mọi chuyện gần như đã đâu vào đấy hết cả rồi. Thành ra, ý nghĩa của một số văn bản không còn nhiều...
Những bất cập vẫn tồn tại, những hạn chế vẫn xảy ra và có những băn khoăn của một số phụ huynh, giáo viên vẫn hiện hữu hàng ngày.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin điểm lại một số chỉ đạo của Bộ trong vòng 1 tháng qua về sách giáo khoa lớp 1 để thấy được những bất cập trong các văn bản mà Bộ đã ban hành từ đầu năm học cho đến nay.
Chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới thực hiện được hơn 1 tháng nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Ngay những ngày đầu năm học này, dư luận xã hội đã một phen “dậy sóng” vì nhiều trường Tiểu học đã bán sách trọn gói cho học sinh. Trong đó, không chỉ có sách giáo khoa mà còn có thêm nhiều sách bổ trợ, sách tham khảo.
Có những trường bán bộ sách lớp 1 lên đến gần triệu đồng/ 1học sinh. Trong khi, sách giáo khoa lớp 1 được niêm yết có giá cao nhất là 199.000 đồng.
Trước phản đối của phụ huynh, Bộ ra công văn yêu cầu các nhà trường không ép phụ huynh mua sách tham khảo.
Nhưng, cấm để làm gì khi mà sách đã được trao tận tay phụ huynh và học sinh? Những cuốn sách đó đã bao bìa, đã dán nhãn hết cả rồi, tiền thì đương nhiên là phụ huynh phải đóng trước khi nhận sách.
Lúc này, phụ huynh làm sao dám trả lại sách cho nhà trường và nếu trả thì dễ gì nhà trường nhận lại bởi nhà trường thì cũng chỉ là “đại lý” bán sách cho các đơn vị xuất bản mà thôi.
Vậy, tại sao Bộ không ra công văn hướng dẫn các trường học từ trước khi bước vào năm học mới- khi mà các các trường chưa thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp?
Bởi, ai cũng biết khi nhận học sinh đăng ký vào trường thì bao giờ trường cũng thông báo, phụ huynh cũng hỏi về các khoản đóng góp, về bộ sách mà con em họ sẽ học.
Vì vậy, khi mà mọi chuyện đã xong xuôi rồi Bộ mới cấm, lúc này thì cấm để làm gì?
Bước vào năm học được mấy tuần, phụ huynh than chương trình, sách giáo khoa lớp 1 quá nặng nên một số phụ huynh phải học cùng con đến khuya mới hết bài.
Vì thế, Bộ lại ra công văn yêu cầu giáo viên không ra bài tập về nhà cho học sinh lớp 1.
Nhưng, với khối lượng kiến thức Tiếng Việt, mục tiêu của các bài học, môn học của sách lớp 1 năm nay mà không có phụ huynh phụ giúp thì có lẽ giáo viên sẽ khổ sở vô cùng mới hoàn thành được các bài học trên lớp.
Bởi vì, để học sinh nắm được kiến thức bài học trên lớp, không ôn luyện ở nhà sẽ rất khó cho cả thầy và trò trong việc tiếp thu kiến thức và mục tiêu của bài học.
Tại sao Bộ không chủ trương giảm tải nội dung sách giáo khoa từ khi biên soạn chương trình môn học, sao Bộ không tập huấn kĩ lưỡng cho giáo viên trước khi dạy chương trình mới?
Tại sao Bộ không tiến hành dạy thực nghiệm rộng rãi mà giao cho các đơn vị viết sách tiến hành khâu thực nghiệm?
Vì thế, cấm giáo viên giao bài tập về nhà chưa phải là giải pháp hay, phù hợp với thực tế giảng dạy của giáo viên hàng ngày. Đây chỉ mới giải quyết được phần ngọn mà thôi.
Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội “nóng ran” lên vì những nội dung mà sách giáo khoa lớp 1 trình bày, trong đó đặc biệt nhất là sách Tiếng Việt (Cánh Diều) do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên .
Thế là Bộ lại ra công văn yêu cầu rà soát lại toàn bộ nội dung sách giáo khoa lớp 1.
Trong khi, chỉ cách nay mấy tháng thì Hội đồng thẩm định đã thẩm định, Bộ đã phê duyệt và lúc đó mọi người có trách nhiệm đều nói những lời hay ý đẹp về các bộ sách lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Một vị Tổng chủ biên sách Tiếng Việt còn hùng hồn tuyên bố sách giáo khoa lớp 1 thì giáo viên không cần phải tập huấn mà dạy được ngay. Rồi, bộ sách của chúng tôi được phiếu đồng thuận cao nhất của Hội đồng thẩm định…
Nhưng, chỉ hơn 1 tháng dạy thực tế thì giáo viên, phụ huynh đã phát hiện ra vô vàn những sạn to, sạn nhỏ…
Như vậy, Bộ đã chỉ đạo rà soát và nếu như có sai sót, hạn chế, nội dung không phù hợp thì cũng đồng nghĩa toàn bộ sách giáo khoa lớp 1 năm nay sẽ vứt đi sau năm học này vì năm sau sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung khi tái bản thì sách giáo khoa năm nay đâu dùng được nữa.
Vậy là dòng chữ: “Em giữ gìn sách cẩn thận , không viết vào sách để sử dụng được lâu dài” ở ngay đầu mỗi cuốn sách giáo khoa của chương trình mới sẽ trở nên vô nghĩa vì cho dù học sinh có “giữ gìn sách cẩn thận” thì sách giáo khoa cũng không thể “sử dụng được lâu dài”.
Rõ ràng, một số văn bản chỉ đạo của Bộ về sách giáo khoa lớp 1 trong năm học này chỉ mang tính “chữa cháy” tạm thời chứ chưa mang tính chiến lược dài hạn…
Nếu tới đây, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và các lớp còn lại mà không được biên soạn, thẩm định kĩ càng thì chẳng lẽ khi áp dụng đại trà rồi lại tiến hành rà soát hay sao?
Vì thế, hơn lúc nào hết, lãnh đạo Bộ, nhất là bộ phận chuyên môn như Vụ Giáo dục Trung học, Tiểu học cần sát sao, chủ động hơn về công tác chuyên môn bởi những ồn ào về sách giáo khoa lớp 1 năm nay đã là bài học đắt giá cho ngành Giáo dục ở các năm học tiếp theo.