LTS: Tự giới thiệu là một người từng có 20 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực giáo dục - xã hội, Thạc sĩ Nguyễn Thuận chia sẻ đến độc giả Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông tại Nhật Bản.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này. Thông tin, văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Với người Nhật, sách giáo khoa là tài sản hết sức quý giá đến nỗi “Khi phải chạy ra khỏi trường học vì hỏa hoạn, lũ lụt, hay động đất, thì sách giáo khoa là thứ đầu tiên học sinh phải mang theo bên mình”.
Ở Nhật Bản, chính phủ cho phép các nhà xuất bản đạt yêu cầu được tham gia việc xuất bản và sở hữu tác quyền sách giáo khoa. Họ phải trình các dự án sách của mình lên cho Bộ Giáo dục đánh giá, thẩm định và cho phép lưu hành ra thị trường.
Biên soạn sách giáo khoa ở Nhật Bản
Để có thể bắt đầu việc biên soạn sách giáo khoa, trước tiên, các nhà xuất bản sẽ phải thành lập một Hội đồng biên tập với các thành phần bắt buộc, gồm giáo sư đại học, giáo viên trực tiếp đứng lớp, và chuyên viên ngành giáo dục.
Sau khi xác định được định hướng tổng thể cho bộ môn thì hội đồng sẽ được chia thành từng nhóm nhỏ tùy thuộc vào khối lớp hoặc môn học cụ thể cần được biên soạn.
Vẫn có trường hợp cùng một môn lại có nhiều nhóm chuyên ngành mang tính độc lập cùng tham gia công tác biên soạn nếu môn học đó có nhiều hợp phần với chuyên ngành khác nhau.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên trong hội đồng đều chắp bút viết bản thảo mà họ sẽ đóng các vai trò khác nhau như: thẩm tra bản thảo của đồng nghiệp, đọc và hiệu đính bản cuối của công trình,...
Với sách giáo khoa bộ môn xã hội thuộc khối tiểu học thì thông thường hội đồng sẽ giao cho những giáo viên trực tiếp đứng lớp chắp bút viết bản thảo, sau đó các thành viên hội đồng sẽ thảo luận và xem xét dựa trên bản thảo đó.
Những giáo viên trực tiếp đứng lớp thường được các nhà xuất bản mời tham gia biên soạn sách giáo khoa (Ảnh minh họa: Reuters) |
Ở cấp trung học cơ sở, thường thì các giáo sư đại học sẽ đảm nhận phần viết bản thảo cho sách giáo khoa còn hội đồng sẽ làm nhiệm vụ xem xét các bản thảo đó.
Với những phần bài tập kèm theo của các bài học chính thì các giáo viên sẽ được giao đảm nhận phần việc này.
Lựa chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa
Việc lựa chọn và đảm bảo có được đội ngũ tham gia biên soạn sách giáo khoa được xem là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình phát triển một bộ sách giáo khoa ở Nhật Bản.
Các nhà xuất bản sẽ phải tìm kiếm nhân sự cho công việc này hàng tháng trời trước đó thông qua rất nhiều kênh khác nhau.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng lựa chọn các giáo sư đại học với chuyên ngành và lĩnh vực học thuật cụ thể.
Các giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các trường học cũng được xem trọng bởi họ có kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm đứng lớp thực tế của mình.
Ở Nhật Bản, không nhà xuất bản nào sử dụng đội ngũ soạn sách giáo khoa chuyên nghiệp cả, đồng nghĩa với việc không tồn tại những người chuyên sống bằng nghề soạn sách giáo khoa.
Sự tham gia của Nhà nước
Trong những năm 1880, các trường học ở Nhật Bản bắt đầu sử dụng sách giáo khoa được xuất bản bởi các đơn vị tư nhân trong nước nhằm thay thế dần việc sử dụng sách giáo khoa dịch lại từ sách của các nước phương Tây, vốn được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản trước đó.
Các giá trị văn hóa của Nhật Bản được đặc biệt chú trọng khi xây dựng nội dung sách giáo khoa (Ảnh minh họa: web-japan) |
Bộ Giáo dục kiểm soát việc sử dụng các loại sách không được phép bằng cách yêu cầu các trường học phải xin phê chuẩn từ các cơ quan phụ trách giáo dục cấp địa phương của chính phủ trước khi đưa một bộ sách giáo khoa nào đó vào giảng dạy.
Đến năm 1887, chính phủ Nhật Bản đã ban hành một quy trình chuẩn nhằm đánh giá và phê duyệt việc sử dụng sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc.
Thời gian đó, chính phủ Nhật Bản khuyến khích tư nhân tham gia cạnh tranh trong lĩnh vực biên soạn và xuất bản sách giáo khoa với mục đích nâng cao chất lượng của loại “hàng hóa” đặc biệt này. Thế nhưng thực tế lại không được như mong đợi.
Trong vòng 10 năm, nhiều bộ sách đã bị công luận phê phán vì chất lượng nội dung quá kém. Đó cũng là lý do để chính phủ tiếp tục nắm quyền biên soạn và xuất bản sách sau đó.
Từ năm 1904 cho đến khi chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc vào năm 1945, Bộ Giáo dục Nhật Bản độc quyền việc thiết kế và biên soạn sách giáo khoa.
Bộ này lựa chọn các công ty in tư nhân và giao cho họ nhiệm vụ duy nhất, đó là in ấn lại chính xác tuyệt đối những gì được thể hiện trong bản thảo mà họ được giao.
Thực tế cho thấy, chỉ có 3 công ty tư nhân được giao nhiệm vụ này trong suốt thời gian 41 năm liên tục.
Quy trình đã có sự thay đổi
Sau chiến tranh Thế giới thứ II thì các nhà xuất bản tư nhân bắt đầu được cho phép tham gia biên soạn và xuất bản sách giáo khoa trở lại.
Bộ Giáo dục thiết lập một quy trình để ủy quyền cho các đơn vị tư nhân làm sách giáo khoa. Bộ sẽ đóng vai trò kiểm soát, thẩm định, và phê duyệt cho việc lưu hành.
Bộ Giáo dục cũng ban hành một bộ khung các yêu cầu và nội dung tổng thể cho các cấp học tiểu học và trung học cơ sở.
Dựa trên bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn đó, các nhà xuất bản sẽ tiến hành biên soạn nội dung cho sách giáo khoa của mình sao cho không bị “chệch hướng”.
Với cấp tiểu học thì bộ khung này được xem xét và điều chỉnh mỗi 10 năm/lần. Bộ cũng tham gia vào việc điều tiết giá của sách giáo khoa nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng loạn giá sách giáo khoa trên thị trường.
Như vậy, có thể thấy, Bộ Giáo dục vẫn kiểm soát hầu như mọi việc, ngoại trừ việc trực tiếp biên soạn sách, vốn đã được các công ty tư nhân đảm nhận.
Thông thường, các nhà xuất bản sẽ mất khoảng 5 năm để hoàn thành trọn vẹn một bộ sách giáo khoa: 2 năm đầu dành cho việc tìm kiếm tác giả và quyết định những nguyên tắc cơ bản (như cách tiếp cận về dạy và học, khung nội dung, hình thức minh họa,...) để từ đó sẽ xây dựng nên triết lý và định hướng cho việc biên soạn sách; từ 6 tháng đến 1 năm để thực hiện các điều chỉnh; thời gian còn lại là dành cho công việc biên soạn.
Trong suốt thời gian nhà trường sử dụng sách giáo khoa, nếu có những khác biệt về mặt số liệu, dữ kiện,… do xã hội có sự thay đổi thì Bộ Giáo dục sẽ cấp phép cho các nhà xuất bản được thực hiện các chỉnh sửa nhỏ nhằm đảm bảo tính cập nhật và chính xác.
Biên soạn và xuất bản sách giáo khoa không còn là công việc độc quyền của ngành giáo dục ở Nhật Bản. (Ảnh minh họa: Antonio Tajuelo/ Flickr) |
Quy trình xin cấp phép xuất bản sách giáo khoa
Để được cấp phép cho việc xuất bản sách giáo khoa, nhà xuất bản cần phải trình những bản thảo cuối cùng cho Bộ Giáo dục xem xét.
Những bản thảo này được gọi là “sách trắng” bởi những thông tin như: tựa sách, nhà xuất bản, tên tác giả,... đều bị bỏ trống nhằm đảm bảo tính công bằng trong quá trình xét chọn.
Một Hội đồng thẩm định sách giáo khoa trực thuộc Bộ Giáo dục sẽ xem xét, đánh giá từng bản thảo để xem chúng có phù hợp cho việc sử dụng trong trường học hay không.
Hội đồng này bao gồm các thành viên khá đa dạng như: các học giả, chuyên gia giáo dục, nhà phê bình, hiệu trưởng, và những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, văn học, nghệ thuật có liên quan.
Hội đồng này sẽ có 6 tháng để xem xét mọi khía cạnh của bản thảo. Dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng, Bộ Giáo dục sẽ ra quyết định phê duyệt hoặc từ chối đối với từng bản thảo cụ thể.
Trong trường hợp bị từ chối, nhà xuất bản sẽ phải có các điều chỉnh cần thiết và nộp hồ sơ xin tái thẩm định trong vòng 75 ngày.
Kể cả với những bản thảo đã được thông qua thì các nhà xuất bản cũng phải điều chỉnh tất cả mọi yêu cầu của Hội đồng thì mới được chính thức phê duyệt.
Kể từ năm 1991, bản thảo của các quyển sách giáo khoa và bản sách mẫu được cho phép trưng bày cho công chúng thông qua các cuộc triển lãm giới thiệu sách giáo khoa được tổ chức từ tháng 7 cho đến tháng 9 hàng năm.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ các nguồn sau:
- Textbook Development and Selection in Japan and the United States, Tani, Masaru; And Others, National Council for the Social Studies
- Japan’s History Textbook System: Creation, Screening, and Selection: https://www.nippon.com/en/in-depth/a00701/
- School History Textbooks and Historical Memories in Japan: A Study of Reception, Kazuya Fukuoka.