Vì sao phải thu hồi sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều?

16/10/2020 09:50
Nguyễn Trọng Bình
GDVN- Điều quan trọng nhất của việc biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em là phải làm sao gieo những hạt mầm lương thiện để tư đó khơi gợi và thức tỉnh nhân tính.

LTS: Tiếp tục bày tỏ quan điểm về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ cho rằng cần thu hồi sách này và đưa ra một số lý do, lập luận cho ý kiến của mình. Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều không đặt nền móng cho giáo dục trẻ em

“Giáo dục là sự nghiệp bồi dưỡng con người, giáo dục phải đặt nền móng cho trẻ em. Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục là xây đắp nhân tính tốt đẹp, cuối cùng là hình thành xã hội tốt đẹp. Đánh giá giáo dục, thúc đẩy cải cách giáo dục đều cần xuất phát từ nguyên tắc này”.[1]

Phát biểu trên đây là của nhà cải cách giáo dục rất nổi tiếng và có uy tín tại Trung Quốc, Chu Vĩnh Tân.

Nếu chúng ta thừa nhận quan điểm trên là đúng đắn thì với những gì mà các quý phụ huynh đặc biệt là những nhà chuyên môn đã phân tích và chỉ ra, tôi cho rằng rất khó để ủng hộ hay bao biện cho rất nhiều “hạt sạn” trong sách Tiếng Việt lớp 1 do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cùng các cộng sự biên soạn.

Thật khó tin, một người cả đời nghiên cứu ngôn ngữ, cả đời nghiên cứu và viết sách giáo khoa tiếng Việt bậc tiểu học nhưng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lại có thể đưa vào sách của mình những từ địa phương, từ lóng rất xa lạ và khó hiểu hay câu chuyện ngụ ngôn đã bị chính những người biên soạn cắt xén, chỉnh sửa lại cho các cháu học sinh vốn chưa rành mặt chữ.

Và cũng thật khó tin cho sự ngụy biện và đánh tráo vấn đề của một số “chuyên gia ngữ văn” khi lên tiếng bênh vực cho những người viết sách khi cho rằng việc sử dụng từ ngữ hay văn liệu như vậy là vì phải tuân thủ nguyên tắc soạn sách, nguyên tắc dạy ghép vần, học vần…

Hay cần thiết phải đưa vào sách những câu chuyện về cái ác, cái xấu cho học sinh học để nâng cao tinh thần cảnh giác và nhất là đã có giáo viên trên lớp giảng dạy…

Thật lạ lùng, anh viết sách với nguyên tắc, quy trình nào là chuyện của anh, vấn đề là thực tiễn ứng dụng và dạy học mới là yếu tố quyết định.

Vì chỉ có thực tiễn giáo dục mới kiểm nghiệm và chứng minh sách của anh có hay và chất lượng không? Tại sao lại bắt người sử dụng (giáo viên, phụ huynh, học sinh…) phải hiểu những nguyên tắc xây dựng và biên soạn sách của anh?

Sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều bị dư luận phản ánh có nhiều "sạn". (Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

Sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều bị dư luận phản ánh có nhiều "sạn". (Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

Một ổ bánh mỳ, hay một ly trà sữa anh bán cho khách hàng nhưng họ phát hiện trong đó có một sợi tóc, một con gián, một con ruồi thì việc họ giận dữ và bắt đền anh, yêu cầu anh đổi ổ bánh khác, ly trà sữa khác âu cũng là lẽ hiển nhiên và tất yếu.

Nếu là người sản xuất, người bán hàng khôn ngoan và văn minh thì một lời xin lỗi chân thành gửi tới khách hàng của mình là việc nên làm trước tiên thay vì vòng vo, bao biện rằng bánh mỳ, trà sữa của tôi được sản xuất theo đúng quy trình lựa chọn nguyên liệu, phương pháo nhồi bột, pha chế…

Không ai trong trường hợp này lại mắng khách hàng của mình, rằng, các ông bà phải có “cái nhìn tổng thể” ổ bánh mỳ, ly trà sữa của tôi rồi hãy phán xét.

Thế nên, người làm giáo dục có trách nhiệm trước hết phải là người hiểu được cái nguyên lý bất biến: thực tiễn giáo dục mới là yếu tố quyết định chứ không phải nguyên lý, quy trình thuần túy lý thuyết.

Ổ bánh mỳ hay ly trà sữa có ruồi, gián, ngay lập tức chúng ta có thể đổ đi nhưng một quyển sách đầy sạn mà vẫn cố mang ra dạy cho trẻ nhỏ thì chắc chắn sẽ để lại hậu quả rất lớn về sau.

Nhất định phải thu hồi để chỉnh sửa và thẩm định lại

Với những đứa trẻ vừa chập chững đến trường, ấn tượng về những bài học đầu đời là rất quan trọng.

Thế nên những cầu chuyện hay, ý nghĩa mang tính giáo dục đạo đức nền tảng, vừa có tính dân tộc vừa mang tính phổ quát được trình bày bằng một ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ… sẽ là hành trang, là ký ức theo suốt cuộc đời các em sau này.

Thế nên, điều quan trọng nhất của việc biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em là phải làm sao gieo những hạt mầm lương thiện để tư đó khơi gợi và thức tỉnh nhân tính.

Nếu không làm được việc này, mà trái lại còn viết ra những câu chuyện nhảm nhí, rỗng tuếch hoặc lừa lọc, trí trá như hàng loạt câu chuyện ngụ ngôn được các tác giả sách giáo khoa Cánh Diều chế tác, phóng tác lại thì chẳng khác nào đang gieo những hạt mầm xấu, vô tình đầu độc tâm hồn trẻ nhỏ.

Đừng ngụy biện rằng câu chuyện có hai phần vì dài quá nên phải tách ra làm hai. Hay những câu chuyện về cái xấu cái ác sẽ được giáo viên giải thích trên lớp để các em học sinh hiểu mà cảnh giác hoặc tránh xa.

Thực tiễn và tâm lý học trẻ thơ cho thấy, bắt chước và làm theo các hành vi (ngôn ngữ, việc làm…) của người lớn là một đặc điểm chung của mọi đứa trẻ.

Quan trọng hơn, trẻ con chưa có đủ nhận thức để phân biệt đúng sai, tốt xấu trong những tình huống, bối cảnh khác nhau như cách mà người lớn nhận thức.

Chia câu chuyện ra làm hai phần để dạy cũng được nhưng rất tiếc cách làm này chỉ phù hợp với những đứa trẻ học ở lớp cao hơn chứ không phải mới vào lớp 1.

Bởi trẻ lớp 1 khó mà kết nối, xâu chuỗi những sự việc trong câu chuyện lại với nhau nếu phải gián đoạn qua những giờ học, bài học sau đó.

Không những vậy, thực tế ở Việt Nam, ngoài giờ lên lớp học với thầy cô trẻ nhỏ còn mang sách về nhà để học và không phải đứa trẻ nào cũng có đầy đủ cha mẹ, anh chị kề bên để kèm cặp, chỉ bảo thay cho các thầy cô giáo trên lớp.

Có vô số cha mẹ học sinh đang phải đầu tắt mặt tối mưu sinh trên ruộng đồng hay ngày đêm tăng ca trong các khu công nghiệp và những gánh hàng rong…

Đây cũng là một thực tế mà người viết sách phải nhìn ra và có trách nhiệm hơn cho việc viết sách của mình nhằm kết nối thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa giáo dục trong nhà trường và gia đình.

Thế nên, ở giác độ văn hóa, với vô số những hạt sạn chết người như thế, với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng quyển sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của nhóm Cánh Diều không những vi phạm những nguyên tắc, chuẩn mực quan trọng trong giáo dục trẻ em mà còn có nguy cơ làm mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ Tiếng Việt.

Ngoài ra, sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều cũng thiếu một cái nhìn thực tế để giúp học sinh có thể tự học khi không có thầy cô, phụ huynh bên cạnh.

Vì vậy, theo tôi nhất định quyển sách này phải được thu hồi để chỉnh sửa và thẩm định lại. Dĩ nhiên việc thẩm định lại do một Hội đồng mới và độc lập để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc.

Sử dụng lại bộ sách Tiếng Việt theo chương trình cũ

Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều là một trong 4 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để đưa vào sử dụng năm nay.

Đây cũng là bộ sách duy nhất được 100% thành viên Hội đồng thẩm định sách quốc gia bỏ phiếu thông qua mà không cần chỉnh sửa.

Hiện tại, Bộ giáo dục cũng đã có văn bản yêu cầu Hội đồng phải rà soát lại tất cả việc thẩm định này.

Vậy nên, để đảm bảo tiến độ học tập của học sinh tôi cho rằng giải pháp khả dĩ và tối ưu nhất sau khi thu hồi sách Tiếng Việt Cánh Diều là nên sử dụng lại bộ sách Tiếng Việt cũ được biên soạn theo chương trình cải cách năm 2000. Việc thay thế này có mấy ưu điểm sau:

Thứ nhất, sách Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình năm 2000 về cơ bản vẫn đáp ứng các mục tiêu cả về dạy chữ lẫn dạy người cho trẻ lớp 1 vì đã dùng ổn định từ năm học 2002-2003 đến nay.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi biên soạn sách Tiếng Việt mới cũng thừa nhận về cơ bản ông cũng kế thừa quan điểm và nội dung sách Tiếng Việt cũ.

Thứ hai, các thầy cô giáo cũng đã quen với phương pháp giảng dạy nên sẽ thuận lợi hơn nếu phải thay thế bằng một trong 4 bộ sách Tiếng Việt mới do các nhóm khác biên soạn.

Cuối cùng, bộ sách này do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành nên cần thiết sẽ in ra ngay để phân phối về cho các trường đã lựa chọn sách Tiếng Việt Cánh Diều.

Nếu giải pháp trên được lựa chọn thì vấn đề còn lại là kinh phí thực hiện. Tôi cho rằng trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc với đơn vị phát hành sách Tiếng Việt bộ Cánh Diều để thỏa thuận trên tinh thần và nguyên tắc một đổi một; không được thu tiền các phụ huynh học sinh.

Bởi lẽ, sự cố này là do nhóm tác giả biên soạn sách Cánh Diều và đơn vị phát hành, kinh doanh sách gây ra.

Trước khi bán sách ra thị trường các anh quảng cáo sách mình tốt nhất, hay nhất, chất lượng nhất nhưng thực tế thì trái ngược nên anh phải có trách nhiệm bồi hoàn cho người mua một cách thỏa đáng. Mà không những là trách nhiệm mà còn là uy tín và đạo đức kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

[1]. "Triết lý giáo dục của Chu Vĩnh Tân qua những câu nói ngắn" (Minh Thương dịch), Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2019.

Nguyễn Trọng Bình