Đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng

16/10/2020 17:10
Việt Dũng - Minh Thư
GDVN- Việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh như vậy, tại Diễn đàn Hợp tác và Đầu tư trong giáo dục, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh trong sáng ngày 16/10.

Diễn đàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, có sự phối hợp với Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng và Trường Đại học Văn Lang.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.

Tính đến hết năm ngoái, Việt Nam đã có trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, với tổng số vốn đầu tư khoảng 4,4 tỷ USD.

Cho đến nay, Việt Nam đã có 5 cơ sở giáo dục đại học, gần 100 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến phổ thông có vốn đầu tư của nước ngoài, với tổng số hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại diễn đàn (ảnh: P.L)

Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại diễn đàn (ảnh: P.L)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận: Việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội khác của Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng rằng, trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều cơ sở giáo dục, do các nhà đầu tư trong và ngoài nước thành lập ở Việt Nam.

Tạo điều kiện tối đa ứng dụng công nghệ trong giáo dục

Là một trong những tập đoàn giáo dục đi đầu trong việc tạo nên một hệ sinh thái giáo dục quốc tế hoàn chỉnh, từ mầm non cho đến đại học và sau đại học, Phó Giáo sư Thái Bá Cần – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) chia sẻ: Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục, NHG mong muốn được đồng hành cùng với các nhà đầu tư tâm huyết trong và ngoài nước.

Phó Giáo sư Thái Bá Cần - Phó Tổng giám đốc NHG phát biểu tại diễn đàn (ảnh: CTV)

Phó Giáo sư Thái Bá Cần - Phó Tổng giám đốc NHG phát biểu tại diễn đàn (ảnh: CTV)

Phó Giáo sư Thái Bá Cần nói: NHG muốn được chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, cung cấp các dịch vụ hạ tầng tốt nhất cho việc thành lập các cơ sở giáo dục mới, được các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục hỗ trợ về mặt chuyên môn, pháp lý để những mô hình chưa có trong thực tiễn giáo dục Việt Nam, điển hình như Thành phố giáo dục quốc tế được áp dụng một cách nhanh nhất, giúp mang đến cho thế hệ trẻ Việt Nam những sản phẩm giáo dục ngang tầm thế giới.

Đại diện cho Trường Đại học Văn Lang, Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng: Cách mạng kỹ thuật số trong thời đại 4.0 đã tác động đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, bao gồm cả giáo dục, tạo nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi con người phải thay đổi tư duy để thích nghi, đáp ứng các yêu cầu về trình độ, kỹ năng chuyên nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng trường đại học Văn Lang (ảnh: CTV)

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng trường đại học Văn Lang (ảnh: CTV)

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí đề xuất: Cần tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục, linh động thay đổi khung thời gian đào tạo, vì lợi ích của người học, đổi mới phương pháp và phương thức đào tạo.

Đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển.

Việt Dũng - Minh Thư