Bên lề Hội nghị ASEAN - UNICEF về "Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh, hiệu quả để tạo điều kiện cho các hoạt động học tập cho trẻ em trong thời gian đại dịch Covid-19 và “đây là nỗ lực tuyệt vời”.
Phản ứng nhanh và hiệu quả
Bà Rana Flowers bày tỏ sự ấn tượng với những nỗ lực của ngành Giáo dục Việt Nam trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Bà cho rằng, giống như các nước ASEAN, Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Và cũng giống các nước, ngành Giáo dục phải tìm kiếm các giải pháp để tạo điều kiện cho trẻ em tiếp tục được học tập, khi các trường học phải đóng cửa.
“Tôi ấn tượng với những nỗ lực và phản ứng rất nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Những giải pháp được đưa ra rất nhanh và hiệu quả, hành động hết sức khẩn trương, để tạo điều kiện cho các hoạt động học tập trực tuyến cho trẻ em trong thời gian đại dịch Covid-19; cũng như huy động toàn bộ lực lượng của ngành Giáo dục để hỗ trợ, duy trì hoạt động học tập cho các em. Theo tôi, đó là một nỗ lực hết sức tuyệt vời”, bà Rana Flowers nói.
Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam: Giáo dục Việt Nam đã thể hiện nỗ lực tuyệt vời trong đại dịch (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Bên cạnh đó, bà Rana Flowers cũng bày tỏ sự ấn tượng và ngưỡng mộ với nỗ lực của rất nhiều giáo viên ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam. “Khi internet chưa đến được với học sinh nơi đây, họ đã phải đi rất nhiều km để mang bài tập cho các em, để đảm bảo việc học tập của các em không bị gián đoạn trong giai đoạn Covid-19”.
Theo Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, chính vì những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, vấn đề học trực tuyến lại là khởi đầu của đổi mới và chúng ta cần tìm ra những giải pháp để có thể thúc đẩy hơn nữa học tập trực tuyến trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cải cách, đổi mới giáo dục đào tạo, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo phải đổi mới toàn diện.
Một nỗ lực nữa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, theo bà Rana Flowers cũng rất đáng trân trọng, đó là bên cạnh việc đảm bảo học tập trực tuyến và duy trì việc học tập của học sinh, thì việc quan tâm đến đảm bảo sức khoẻ, sự vui vẻ của trẻ em được quan tâm.
Điều này thể hiện khi trường học mở cửa trở lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ngay lập tức có chủ trương rất rõ ràng, đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho trẻ em là trên hết.
Việt Nam đang đi đầu trong chuyển đổi số giáo dục
Nói về quá trình chuyển đổi số trong giáo dục của Việt Nam, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đi trước và đi đầu các quốc gia trên thế giới trong chuyển đổi số.
“Chúng tôi mong muốn Việt Nam là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. Bởi vì chúng ta đều nhận thấy những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão trên thế giới, không còn như xưa nữa”.
Theo bà Rana Flowers, hơn bao giờ hết, ngành giáo dục đào tạo cần phải nỗ lực thay đổi hơn nữa để bắt kịp với những xu hướng mới này.
Và chúng ta cần phải tạo ra những thay đổi, những cải cách cho ngành Giáo dục Việt Nam để đảm bảo mọi trẻ em, mọi người đều được đi học, đều được hưởng những lợi ích từ giáo dục.
Ngành Giáo dục cũng cần phải tìm ra những phương thức mới và đổi mới công tác dạy học của giáo viên.
“Tôi đã tiếp xúc rất nhiều với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng của Việt Nam. Họ đều nói, các em có thể có những thành tích học tập rất tốt nhưng dường như, để tìm được những người lao động trẻ có kỹ năng mới, phù hợp với tình hình mới, lại không nhiều”
Chúng ta có thể đào tạo được những bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học. Nhưng có những công việc của những con người này, về sau có thể được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo, có thể được thực hiện bằng máy móc.
Còn những kỹ năng như giao tiếp, xác định vấn đề, giải quyết vấn đề, tìm ra giải pháp cho các vấn đề, kỹ năng về sáng tạo và làm việc theo nhóm,… thì cần con người mới có thể đáp ứng được”.
Chính vì thế, bà Rana Flowers cho rằng, đổi mới giáo dục phải là cuộc đổi mới sâu rộng, không để mất đi thế mạnh của những môn học truyền thống, nhưng cần bổ sung vào hệ thống giáo dục, đào tạo truyền thống những nội dung mới để đảm bảo xoá mù công nghệ cho trẻ em, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như đảm bảo các em được trang bị những kỹ năng mới.
Giáo viên đảm bảo thành công của đổi mới
Nói về vai trò của giáo viên, bà Rana Flowers nhận định, giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng, nên giáo viên cần thay đổi cách dạy học.
“Chúng ta không còn tiếp tục duy trì những lớp học truyền thống, giáo viên nói và học trò nhắc lại. Đây sẽ là một thay đổi, cải cách rất lớn đòi hỏi vai trò chủ động của giáo viên. Chúng ta rất cần các thầy cô giáo vào cuộc để có thể đảm bảo thành công của công cuộc đổi mới giáo dục”.
Theo Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, trong tương lai, hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam sẽ là một hệ thống tích hợp giữa truyền thống và những kỹ năng mới, để có thể tăng kỹ năng và đảm bảo mọi trẻ em đều có thể học tập, có những kỹ năng số, được xoá mù về công nghệ.
“Để có thể đáp ứng những yêu cầu mới của giai đoạn mới, mỗi trẻ em cần có một thiết bị, ở đây, tôi không nói là phải có điện thoại di động thông minh, mà là thiết bị thông minh, một dạng máy tính bảng chẳng hạn, để các em có thể đáp ứng được những thay đổi của giáo dục trong thời gian tới.
Muốn làm điều này cần sự vào cụộc của Chính phủ, khu vực tư nhân, cũng như cha mẹ học sinh, để đảm bảo trẻ em có thể bắt kịp. Chúng ta cũng cần đảm bảo internet để trẻ em có thể tiếp cận giáo dục trực tuyến. Tất cả những nỗ lực này nhằm đảm bảo không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, bà Rana Flowers cho hay.
Theo thống kê sau hơn 4 tháng học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc dạy học trực tuyến đã được triển khai tại gần 50% trường đại học, gần 80% trường phổ thông (trước đó dạy học trực tuyến chưa từng được thực hiện ở bậc học phổ thông). Ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô tổ chức làm video bài giảng gửi lên Youtube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác nhằm tạo cơ hội học tập cho học sinh, thậm chí soạn bài, photo và đến từng nhà gửi bài tập cho các em.
Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 29/9 cho thấy việc học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ. 79,7% học sinh được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).