Những ngày nước lũ dâng ngập xóm làng, nhà cửa, cũng là từng ấy ngày cô giáo Trần Thị Phượng, giáo viên Trường tiểu học – Trung học cơ sở Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị một mình một xuồng ngược xuôi đi xin hàng từ thiện và làm giao liên chở những nhà hảo tâm tiếp tế đồ ăn, thức uống, cho một số người dân bị mắc kẹt trong vùng lũ.
Cô giáo Phượng (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Ứng cứu kịp thời
Là dân trong vùng nên cô Phượng nắm khá rõ địa hình và gia đình từng người dân quanh vùng. Nhờ thế, cô đã kêu gọi giải cứu thành công và đưa được một số người dân sống trong căn nhà ngập nước đến nơi trú ẩn an toàn.
Một mình một ghe đi cứu trợ bà con (Ảnh: CTV) |
Đó là đêm 17/10, vào lúc 0h27 phút ngoài trời mưa xối xả, nước càng lúc càng dâng cao. Lúc này, ngoài trời tối đen như mực vì không điện sáng, không sóng điện thoại nên không thể liên lạc được với ai.
Có những đoạn ghe không vào được phải lội nước đến từng nhà (Ảnh: CTV) |
Cô Phương nói có 2 gia đình hàng xóm gần nhà không đi sơ tán( một gia đình có 2 bà cháu, gia đình còn lại có 1 bà đã lớn tuổi sống một mình).
Lênh đênh sóng nước cả ngày mà vẫn luôn nở nụ cười (Ảnh: CTV) |
Nhìn nước lên nhanh, nhà lúc đó không có ghe nên vợ chồng cô cũng rất lo chưa biết làm thế nào để sang cứu giúp hàng xóm. Cô đã đăng thông tin lên facebook cầu cứu thì bất ngờ xuất hiện 1 chiếc đò do anh Luận lái chính đang đi tìm người mắc kẹt để ứng cứu.
Hai vợ chồng mừng quá, đã gọi và báo cho anh Luận biết tình hình. Thế là, vợ chồng cô cùng anh Luận đã đưa bà Hoa (trên 70 tuổi sống 1 mình), bà Đào và cháu Quốc di chuyển qua nhà mình để tránh lũ.
Cô Phượng cho biết, xe cứu trợ thường phát hàng cứu trợ ở ngoài đường cái và đến một số điểm dễ quan sát nhưng ngóc ngách trong thôn xóm chỉ có ghe nhỏ mới vào được, và phải người bản địa mới nắm rõ thông tin.
Vì thế, cô đã một mình chèo ghe đến nhiều gia đình nằm sâu trong xóm bị mắc kẹt không thể di dời để phát áo phao, đồ ăn, quần áo và tiền cho họ.
Chở nhà hảo tâm trao tận tay hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ (Ảnh: CTV) |
Nhắc đến cô giáo Phượng, có người nhận xét thế này: Ngày nắng ráo vừa đi dạy vừa len lỏi khắp chốn tìm người khó khăn để giúp. Mùa mưa bão thì chèo xuồng đi đón các Mạnh Thường Quân về cùng sẻ chia với bà con xóm làng”.
Ông Bùi Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương (một Mạnh Thường Quân luôn giúp đỡ người nghèo và bà con bị thiên tai) cho biết: “Nói về cô Phượng, chỉ có thể gói gọn vào mấy từ nhiệt tình, siêng năng và nhanh nhẹn”.
Còn thầy Trương Đức Thi, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Cô giáo Phượng mới về công tác tại trường 1 tháng chúng tôi đã nhận thấy cô là người năng nổ, nhiệt tình, luôn sống vì mọi người”.
Có lẽ vì thế mà nhiều nhà hảo tâm muốn làm từ thiện cũng luôn gửi gắm niềm tin nơi cô giáo Phượng.
“Ba chỉ nghèo mà không đói, con đi cứu người đói đã”
Mải lo cho cộng đồng, nhà ba ruột của cô Phượng ở cách nơi gia đình cô chỉ khoảng 15 ki lô mét. Thế nhưng, cô và em gái của mình mải lo cứu tế cho bà con quanh vùng mà không thể về thăm ba mình được. Dù ở xa, cô cũng biết ba cô bị trôi một hồ tôm và nước ngập lụt vào nhà.
Cô gửi lời nhắn ba trên facebook: “Cố lên ba nhé! Mình khổ rồi khổ nữa không sao. Họ khổ nhiều lắm. Tụi con chỉ cần có ba sống khỏe mạnh là con vui lắm”.
Ngày nước lụt rút, mấy chị em mới tranh thủ về. Ba nhìn con mắng yêu: “Con đi làm từ thiện khắp nơi mà ba không có gói mì để ăn”. Cô Phượng cười cho biết, em nói: “Ba chỉ nghèo chứ không đói, con đi cứu đói đã.
Nhà mình nghèo quen rồi nên không lo. Con cứu người khác đói hơn, tội lắm”. Nghe con nói, ba cô cười và bảo rằng, hiểu con gái chỉ là nói vui thôi.
Không phải lần đầu cô Phượng làm từ thiện, được biết khi dịch Covid-19 bùng phát, một số gia đình không thể đi làm lâm vào tình cảnh đói ăn, bệnh tật. Cô giáo Phượng cũng một mình đi xin tài trợ của nhiều nhà hảo tâm để đến trao quà tận tay cho những gia đình ấy.
Sự năng nổ, nhiệt tình của cô giáo Phượng đã để lại trong lòng nhiều người dân nơi đây hình ảnh đẹp về người giáo viên nhân dân đúng nghĩa.