Ngày 22/10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi báo cáo về vấn đề sách giáo khoa gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Bô Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 1, theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.
Ảnh minh họa: Phạm Minh |
Sau hơn một tháng triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, theo dõi và tiếp nhận được các thông tin phản hồi về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới từ các nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và cử tri cả nước, trong đó có những vấn đề tồn tại được dư luận quan tâm, phản ánh cần được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong báo cáo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải trình nhiều nội dung liên quan đến sách giáo khoa như giá sách giáo khoa mới cao hơn giá sách khoa cũ, Bộ cũng nhận định có tình trạng "ép" học sinh mua sách tham khảo.
Về nội dung chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 "nặng", Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu, sau khoảng 2-3 tuần triển khai thực hiện sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới, một số giáo viên, phụ huynh học sinh và cử tri có phản ánh "môn Tiếng Việt lớp 1 nặng" (8 môn khác thấy ít ý kiến).
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do chương trình mới, với quan điểm học sinh đọc thông viết thạo sẽ học tốt hơn các môn học khác, đã cơ cấu thời gian đầu của cấp tiểu học học sinh học Tiếng Việt nhiều hơn (so với chương trình năm 2006).
Bên cạnh đó, năm học 2020-2021 là năm đầu tiền triển khai thực hiện chương trình mới, với nhiều điểm mới, lại tiến hành trong bối cảnh có những khó khăn do trước đó phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng và chống Covid-19, nên học sinh chưa có điều kiện được làm quen và giáo viên phải tập huấn trực tuyến là chính, ít có thời gian tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới.
Tuy vậy, qua tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương, bên cạnh một số giáo viên còn gặp khó khăn trong việc dạy môn học này, nhiều giáo viên dạy lớp 1 bước đầu áp dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho biết tổng lượng âm, vần dạy cho học sinh vẫn như cũ, số tiết lại nhiều hơn (tăng 2 tiết/tuần so với chương trình cũ), học giãn ra nên về bản chất là giảm tải, thuận lợi hơn cho giáo viên tổ chức dạy, nhất là đối với những học sinh tiếp thu khó khăn hơn.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 3977/BGDDT-GDTH chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện một số giải pháp như: Chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng day học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường chỉ đạo, tổ chức tập huấn chuyên môn; chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giải thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ các địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới.