Có bao nhiêu giáo viên hiểu sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học?

30/10/2020 06:00
Đỗ Quyên
GDVN- Giáo viên dự giờ phải đảm bảo nguyên tắc: Không làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh; Không gây khó khăn cho giáo viên dạy minh họa;

Nếu nói nâng cao chất lượng học sinh thông qua việc dự giờ thăm lớp là sai lầm thì đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học lại mang lại hiệu quả khá cao trong giảng dạy.

Sinh hoạt chuyên môn (Ảnh có tính chất minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Sinh hoạt chuyên môn (Ảnh có tính chất minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Thế nhưng, sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học là gì lại không nhiều giáo viên hiện nay nắm rõ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với khá nhiều giáo viên là Tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên cốt cán, thậm chí có người là hiệu phó chuyên môn nhà trường nhưng không nhiều giáo viên nắm rõ khái niệm này.

Vì thế, việc sinh hoạt chuyên môn cấp tổ, cấp trường từ xưa đến nay đều đang áp dụng theo thói quen của nhiều năm về trước.

Đó là tổ chức dạy thao giảng dự giờ, giáo viên góp ý tiết dạy để đánh giá những hoạt động của người dạy là chủ yếu. Trước đây thế, bây giờ thế và có lẽ nhiều năm nữa cũng vẫn thế.

Đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa, chúng ta cũng nên đổi mới cách sinh hoạt chuyên môn mới mong nâng cao chất lượng những giờ dạy, giờ học cho giáo viên và học sinh.

Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học là gì?

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học được thực hiện theo chu trình 4 bước.

Bước 1: Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu.

Như việc xác định mục tiêu kiến thức và kỹ năng mà học sinh cần đạt được khi tiến hành nghiên cứu (theo chuẩn kiến thức, kỹ năng ở từng môn học), đảm bảo phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên.

Các giáo viên trong tổ thảo luận chi tiết về thể loại bài học, nội dung bài học, các phương pháp, phương tiện dạy học đạt hiệu quả cao, cách tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh, cách rèn kỹ năng, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn…

Dự kiến những thuận lợi, khó khăn của học sinh khi tham gia các hoạt động học tập và các tình huống xảy ra và cách xử lý (nếu có)…

Bước 2. Tiến hành bài giảng minh họa và dự giờ.

Sau khi hoàn thành giáo án của bài học nghiên cứu chi tiết, một giáo viên sẽ dạy minh họa bài học nghiên cứu ở một lớp học cụ thể, các giáo viên còn lại trong nhóm tiến hành dự giờ và ghi chép thu thập dữ kiện về bài học.

Giáo viên dự giờ phải đảm bảo nguyên tắc: Không làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh;

Không gây khó khăn cho giáo viên dạy minh họa; khi dự giờ phải tập trung vào việc học của học sinh, cách phản ứng của học sinh trong giờ học, cách làm việc nhóm học sinh, những khó khăn vướng mắc, thái độ tình cảm của học sinh…

Quan sát tất cả đối tượng học sinh, không được “bỏ rơi” một học sinh nào.

Giáo viên cần từ bỏ thói quen đánh giá giờ qua hoạt động của giáo viên dạy, người dự cần học tập, hiểu và thông cảm với khó khăn của người dạy. Đặt mình vào vị trí của người dạy để phát hiện những khó khăn trong việc học của học sinh để tìm cách giải quyết.

Luyện tập cách quan sát và suy nghĩ về việc học của học sinh trong giờ học, có khả năng phán đoán nhanh nhạy, chính xác để điều chỉnh việc dạy phù hợp, việc học của học sinh.

Thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cảm nhận của giáo viên về học sinh trong từng hoàn cảnh khác nhau.

Hình thành thói quen lắng nghe lẫn nhau; rèn luyện cách chia sẻ ý kiến, từ đó hoàn thành mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện, cộng tác và học tập lẫn nhau.

Bước 3: Suy ngẫm, thảo luận về bài giảng minh họa.

Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng trong sinh hoạt chuyên môn, là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả của sinh hoạt chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn cần phát huy được vai trò, năng lực của người chủ trì, động viên toàn bộ giáo viên trong tổ tham gia đóng góp ý kiến cho bài giảng minh họa, cần nhấn mạnh những điểm nổi bật và không xếp loại giờ dạy.

Bước 4: Áp dụng.

Trên cơ sở bài giảng minh họa giáo viên nghiên cứu vận dụng, kiểm nghiệm những vấn đề đã được dự giờ và thảo luận, suy ngẫm áp dụng vào bài học hàng ngày cho phù hợp, đạt hiệu quả tốt.

Nhiều trường học đang thực hiện sai?

Hiện trường học nào sinh hoạt chuyên môn cũng có những tiết dạy dự giờ. Thay vì phải tập trung vào việc học của học sinh, cách phản ứng của học sinh trong giờ học, cách làm việc nhóm học sinh, những khó khăn vướng mắc, thái độ tình cảm của học sinh…thế nhưng người dự góp ý đồng nghiệp vẫn quen kiểu đánh giá giờ dạy qua hoạt động của giáo viên mà ít có sự hiểu và thông cảm với khó khăn của người dạy.

Vì thế, góp ý những tiết dự giờ phần nhiều là tìm cái sai để phê phán thiếu đi tính xây dựng. Bởi thế, khi dạy dự giờ không ít giáo viên cũng mang nặng tính đối phó nhiều hơn và đặc biệt không ai muốn dạy dự giờ để làm vật thí nghiệm cho bao người soi mói, mổ xẻ.

Đỗ Quyên