Bảo hiểm xã hội tăng cường giải pháp tránh thất thoát, lãng phí

12/01/2020 06:09
Tùng Dương
GDVN- Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh năm 2019, xếp hạng chỉ số nộp Thuế , BHXH của Việt Nam tăng 36 bậc so với môi trường kinh doanh 2017.

Đây là một nội dung tại Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2019 vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị quyết nêu rõ, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, năm tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Chính phủ yêu cầu từng Thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những bất cập về định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ y tế, trong đó quy định rõ mức bắt buộc phải tuân thủ, bảo đảm kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh, tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những bất cập về định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ y tế, trong đó quy định rõ mức bắt buộc phải tuân thủ, bảo đảm kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh, tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Khẩn trương triển khai nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 bằng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động xử lý kiến nghị của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xử lý kiến nghị của các địa phương.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 10/12/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Công điện số 1658/CĐ-TTg ngày 9/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020.

Trong Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam thống nhất kế hoạch, tiến hành khảo sát độc lập.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những bất cập về định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ y tế, trong đó quy định rõ mức bắt buộc phải tuân thủ, bảo đảm kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh, tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT.

Cắt giảm tối thiểu 25% thủ tục hành chính

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Đào Việt Ánh cho biết: Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh năm 2019, xếp hạng chỉ số Nộp thuế và BHXH của Việt Nam tăng 36 bậc so với môi trường kinh doanh năm 2017 (từ 167/190 lên 131/190).

Trong 9 tháng đầu năm 2019, có thể thấy cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực BHXH đã tiếp tục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.

Cụ thể: việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhờ đó, số lần thực hiện giao dịch điện tử của doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã giảm từ 12 lần/năm trước đây xuống còn 1 lần/năm.

Cùng với đó là việc đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả (tiếp nhận trực tiếp, tiếp nhận và trả kết hồ sơ qua bưu điện, giao dịch điện tử), đến nay, doanh nghiệp không phải xếp hàng, chờ lấy số làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan BHXH như trước đây.

BHXH Việt Nam đã đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 25% số TTHC đối với lĩnh vực chính sách BHYT và lĩnh vực chi trả BHXH so với năm 2018; cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ; 35,47% số tiêu thức; 20,83% số biểu mẫu.

Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC lĩnh vực chính sách BHXH so với năm 2018. Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, tìm hiểu, bên cạnh việc công khai, minh bạch các TTHC thông qua các hình thức truyền thống như: niêm yết tại trụ sở cơ quan BHXH, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, cập nhật trên cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia để mọi người dân có thể tiếp cận, tìm hiểu.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh thanh toán điện tử và đảm bảo các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Trong đó, xây dựng Hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử trên nền tảng áp dụng phương thức thanh toán điện tử trực tuyến công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tự động hóa góp phần tăng tốc độ xử lý giao dịch, hiện đại hóa công tác thanh toán của ngành BHXH, đồng thời nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH.

Ngành cũng sẽ hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và cung cấp các công cụ, tiện ích để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH được thuận tiện, cung cấp dịch vụ công điện tử, hỗ trợ truy cập cho thiết bị di động.

Các ứng dụng trên nền tảng di động sẽ cho phép truy cập, tra cứu và khai thác thông tin một cách tiện lợi và đa dạng cho các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ xác định rất cần thiết và cần ưu tiên xây dựng sớm để làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Năm 2019, BHXH Việt Nam đang tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia BHXH; quản lý dữ liệu quá trình thu nộp, chi trả BHXH, thông tin đơn vị tham gia BHXH….

Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất các hành lang pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Riêng đối với người dân, dữ liệu bảo hiểm là dữ liệu chứa thông tin BHYT, xã hội, thất nghiệp của công dân. Vì vậy, công dân cần theo dõi các thông tin của mình được nhà nước nắm giữ nhằm đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của mình đồng thời cũng làm cơ sở để theo dõi, định hướng về y tế, an sinh xã hội của mình hiện tại và trong tương lai.

BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất.

Điều này mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm được xem là một thành phần quan trọng trong kiến trúc Chính phủ điện tử, cùng với năm cơ sở dữ liệu khác là: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số; Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.

Những Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng để kiến tạo nên nền tảng Chính phủ điện tử Việt Nam hiện đại, minh bạch, hiệu quả và liên thông.

Góp phần cải thiện tính minh bạch hiệu quả trong việc sử dụng quỹ BHYT

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Trong năm 2019, Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam, các địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh đã tích cực triển khai công tác tin học hóa trong khám, chữa bệnh BHYT; giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh và BHXH đã đạt xấp xỉ 98%.

Nhờ đó, công tác quản lý, giám định, thanh toán chi phí BHYT được tiến hành thuận lợi, góp phần cải thiện tính minh bạch, hiệu quả trong việc sử dụng quỹ BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm qua, đồng thời mong muốn trong thời gian tới các địa phương, đơn vị, sớm bắt tay vào giải quyết những khó khăn, vướng mắc cùng đơn vị mình để triển khai hoạt động cụ thể tại địa phương và hoàn thành kết cấu liên thông dữ liệu theo quy định, tuân thủ quản lý thông tuyến.

Tăng cường đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế; tập trung gửi dữ liệu điện tử để thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Tăng cường đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế; tập trung gửi dữ liệu điện tử để thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo báo cáo, tính đến ngày 25/12/2019 đã có 12.488/12.824 cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối, liên thông dữ liệu với Cổng Tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.

Tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày trung bình cả năm 2019 trong cả nước đạt 89,1% trong đó tháng 10/2019 đạt 91%, tháng 11/2019 đạt 90,9%, tháng 12/2019 đạt 91,7%...

Mặc dù tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày năm 2019 cao, nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra ban đầu đề ra, tuy nhiên, đã tăng cao hơn nhiều so với năm 2018 (chỉ đạt 64,5%), năm 2017 (chỉ đạt 40,2%).....

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2019 vẫn còn một số cơ sở khám, chữa bệnh giữ hồ sơ, gửi chậm về đề nghị giám định khiến số liệu chưa chuẩn xác hay số tiền sai lệch khiến việc thanh quyết toán tạm ứng chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó vẫn còn một số ít Sở Y tế, cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương chưa báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ.

Thời gian tới, Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin tại các đơn vị.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan; cùng với đó xây dựng cơ chế tài chính vận hành Hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đồng thời, tăng cường đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế.

Tập trung gửi dữ liệu điện tử để thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT. Tiếp tục phát huy những thuận lợi, hiệu quả của việc triển khai tin học hóa trong khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT đã đạt được trong thời gian qua, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Đây là kết quả đáng mừng của ngành y tế khi nỗ lực triển khai tin học hóa trong khi điều kiện áp lực về thời gian, thiếu thốn về nhân lực, kinh phí cho công nghệ thông tin, cũng như có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, văn bản của bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

Qua kiểm tra trực tiếp tại một số tỉnh và cơ sở y tế về tình hình gửi dữ liệu điện tử để phục vụ giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong năm 2019, hầu hết các đơn vị đã gửi đúng trong vòng 7 ngày, chỉ có số ít gửi chậm sau 7 ngày.

Thời gian tới, Vụ BHYT sẽ nghiên cứu, xây dựng ban hành chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT thay thế cho chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra đã ban hành trước đó của Bộ Y tế để đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cùng với đó, Vụ BHYT sẽ xây dựng cơ chế tài chính vận hành Hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, tăng cường đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế; tập trung gửi dữ liệu điện tử để thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT.

Tùng Dương