Sau khi Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Chương trình mới khó thành công nếu giáo viên vẫn lệ thuộc vào sách giáo khoa” đã thu hút được sự quan tâm của giáo viên.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh nhận định: “Nội dung bài học nặng hay nhẹ là hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên, bởi giáo viên có quyền tổ chức phương án, hoạt động dạy học sao cho phù hợp với năng lực học sinh cũng như điều kiện của trường lớp”.
Theo đó, giáo viên có thể tổ chức nội dung bài học một cách nhẹ nhàng, hiệu quả vì giáo viên có quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong dạy học.
Đầu tiên, giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác.
Trên thực tế, sách giáo khoa chỉ là một trong những phương án dạy học. Nếu nội dung bài học trong sách giáo khoa chưa phù hợp, giáo viên có thể tìm tư liệu dạy học ở những nguồn tài liệu khác nhau”.
Tại sao giáo viên vẫn lệ thuộc vào sách giáo khoa? (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến) |
Ai cho giáo viên thoát ly sách giáo khoa?
Thứ nhất: Hầu hết giáo viên hiện nay đều được đào tạo dạy học theo bài trong sách giáo khoa.
Thứ hai: Tập huấn thay sách cho giáo viên do các nhà xuất bản chủ trì, chỉ được tập huấn dạy theo sách giáo khoa của nhà xuất bản, chứ không phải tập huấn dạy theo chương trình.
Thứ ba: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tức là cùng nhau xây dựng giáo án, dạy thể nghiệm, rút kinh nghiệm ... dựa trên bài học cụ thể của sách giáo khoa.
Thứ 4: Về quy định của pháp luật về sách giáo khoa: Theo Điều 18 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, sách giáo khoa, thiết bị dạy học và tài liệu tham khảo đều do pháp luật quy định, cơ quan quản lý chọn lựa.
Thứ 5: Giáo viên không được tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục. (Điều 31 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên).
Điểm a) khoản 1 điều 32 Luật Giáo dục 2019 quy định về sách giáo khoa phổ thông: "Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục;"
Như vậy, sách giáo khoa đã viết cái gì, phải dạy cái đó, không được tùy tiện cắt xén.
Giáo viên dạy thiếu, dạy sót nội dung sách giáo khoa sẽ bị đánh giá tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.
Từ năm tới, mỗi tỉnh sẽ chỉ có 1 bộ sách giáo khoa (Do Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh lựa chọn) cùng với đó là các thiết bị dạy học và tài liệu tham khảo tương thích với nó.
Giáo viên chỉ có thể nằm trong “vòng kim cô” mang tên sách giáo khoa, vì thoát ra khỏi nó coi chừng bị “niệm chú”.
Thực tế không ít giáo viên đã bị “niệm chú” khi “dám sáng tạo”, nhẹ thì dạy lại tiết thanh tra, nặng thì bị đánh giá chuyên môn còn yếu... của cán bộ quản lý. Vậy ai cho giáo viên thoát ly sách giáo khoa?
Làm sao để giáo viên chủ động chỉ dạy theo chương trình, thoát ly sách giáo khoa?
Nói dễ, làm rất khó, không thể nói hôm nay là ngày mai thay đổi được, vì “nói có sách” đã ăn sâu vào tiềm thức của giáo viên hiện nay.
Trước hết, về hành lang pháp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh các quy định về sách giáo khoa phổ thông nói trên trong Luật Giáo dục, đồng thời Bộ ban hành các hướng dẫn cụ thể về kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới, thì may ra giáo viên mới dám tự chủ, thoát ly sách giáo khoa để dạy theo chương trình.
Thứ hai, cần phải nhanh chóng đổi mới công tác đào tạo sư phạm và bồi dưỡng, tập huấn giáo viên theo tinh thần của chương trình mới.
Bồi dưỡng cho giáo viên nắm được “sợi chỉ đỏ” chính là chương trình bộ môn mình phụ trách là điều đầu tiên phải làm; nếu không nắm được chương trình bộ môn mình phụ trách mọi nội dung bồi dưỡng khác đều ... chắp vá, giáo viên vẫn ... lối cũ ta về.
Đổi mới đánh giá tiết dạy cho giáo viên theo hướng bám vào chương trình chứ không bám sách giáo khoa, đối tượng phải hiểu rõ vấn đề này trước tiên là... hiệu trưởng, hiệu phó, lãnh đạo cấp phòng, cấp sở.
Có như vậy giáo viên mới có cơ sở thoát ly sách, vì Bộ, Sở ở xa quá, đánh giá do cán bộ quản lý trực tiếp. Thực tế những cơ sở giáo dục có hiệu trưởng đổi mới thì giáo viên sẽ đổi mới và ngược lại.
Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng hành lang pháp lý và chính sách đồng bộ thực sự cởi trói cho nhà giáo.
Giáo viên nắm chắc chương trình, trau dồi chuyên môn, có phương án dạy học tốt, không cần sách giáo khoa nếu sách giáo khoa không tốt, cùng góp sức phát triển nền giáo dục nước nhà.