Về vấn đề giáo viên có nên lệ thuộc sách giáo khoa hay không? Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội, cho biết:
“Trước kia sách giáo khoa được coi là pháp lệnh, người ta xem ngày nào, giờ nào…giáo viên có dạy bài đó hay không? Sau khi kiểm tra sẽ biết được học sinh đã học bài này rồi, có luận điểm chứng minh kia rồi thì mới đủ điều kiện xét cho học sinh đó tốt nghiệp.
Ngoài ra còn có dạy học theo dự án, đánh giá các hoạt động của học sinh và việc đánh giá này được mở rộng hơn về kiến thức, đánh giá môn học, đánh giá đạo đức, các hoạt động…từ đó hoạt động của giáo viên cũng được mở rộng hơn.
Hiện nay, trên cơ sở kiến thức chương trình, khung tối thiểu hết bài này thì học sinh nhận được cái gì, và từ đó giáo viên có thể tham khảo ngữ liệu ở nhiều bộ sách để dạy.
Chương trình học đến ngày này thì học sinh phải đạt được những gì? Giáo viên phải dùng biện pháp, kiến thức nào đó phù hợp là được. Vì thế mới cần đến đổi mới phương pháp và tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau.
Như vậy, có thể nói hiện nay chương trình mới là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là tham khảo”.
Theo thầy Cường: "Cả nước có nhiều trường đào tạo giáo viên nhưng không phải nơi nào giáo viên cũng đạt chất lượng. Như vậy có thể nói là giáo viên đang có vấn đề". Ảnh: Tùng Dương. |
Đổi mới phương pháp, đang vướng gì?
Theo thầy Cường: “Trình độ giáo viên hiện nay ở một số trường tiểu học được đào tạo với nhiều cấp bậc khác nhau, nhất là những lớp giáo viên chỉ được đào tạo trung cấp, còn những lứa sơ cấp thì đã nghỉ chế độ hết rồi.
Một số trường thích lựa chọn những giáo viên có tuổi thì sẽ bị vướng, hơn nữa việc đào tạo giáo viên ở các nơi không đều nhau, tôi biết có nhiều giáo viên ra trường với bằng khá nhưng thi rất nhiều lần mà không đỗ được vào một trường nào để dạy. Nguyên nhân là các em thiếu thực tế và việc đó thì nhà trường không dạy.
Cả nước có nhiều trường đào tạo giáo viên nhưng không phải nơi nào giáo viên cũng đạt chất lượng. Như vậy có thể nói việc đào tạo giáo viên đang có vấn đề.
Hiện nay rất cần lực lượng giáo viên trẻ có năng lực và nhất là kỹ năng về Công nghệ thông tin, ngoại ngữ, ngay như đợt Covid-19 vừa qua rất nhiều giáo viên lớn tuổi không thể theo kịp trong việc dạy Online mặc dù họ rất cố gắng.
Vậy muốn đổi mới giáo dục thành công thì trước hết phải đào tạo giáo viên thật tốt để họ thích ứng được với chương trình đổi mới, nắm chắc, hiểu và dạy được chương trình đổi mới đó. Cái gốc chính là ở chỗ đó chứ không phải chỉ là đổi mới mấy quyển sách giáo khoa.
Giáo viên nên bám vào sườn của sách giáo khoa để dạy chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào sách, có thể tham khảo tìm ngữ liệu ở nhiều nguồn để phục vụ giảng dạy.
Thực tế hiện nay đang có vấn đề khập khiễng, chương trình muốn đổi mới nhưng có nhiều giáo viên lại không đáp ứng được về năng lực, các nơi đào tạo giáo viên không theo kịp.
Nhiều giáo viên ra trường có bằng giỏi nhưng khi về trường tôi công tác, chúng tôi phải đào tạo 3-4 năm mới đạt yêu cầu, như vậy là đào tạo lại hoàn toàn”.
Thầy Cường nêu quan điểm: “Sách giáo khoa chỉ là một phần trong đổi mới giáo dục vì nó dễ nhìn thấy nhất, nhưng những người hướng dẫn việc đổi mới này là giáo viên và đó mới là điều quyết định. Tiết học có thành công hay không thì phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên, họ chính là linh hồn của những tiết học đó.
Ở đây là đổi mới phương pháp thì con người dạy trực tiếp phải đổi mới, đổi mới từ cách tiếp cận, dạy theo năng lực…chứ không phải là giáo viên nói xong rồi yêu cầu học sinh nhắc lại cho đúng từng chữ. Như vậy chỉ là thợ dạy.
Qua thực nghiệm ở nhiều nước trên thế giới thì học sinh tiểu học phải đi từ tư duy cụ thể, rồi mới đến tư duy trìu tượng chứ không thể trìu tượng ngay được.
Trong một lớp học có nhiều đối tượng và việc dạy cũng phải đáp ứng được nhiều đối tượng, chưa kể đến cha mẹ học sinh có rất nhiều nhu cầu.
Có gia đình yêu cầu con tôi hết lớp 5 là phải đỗ vào trường chuyên, hoặc hết trung học con tôi phải du học nước ngoài và đó là nhu cầu thực tế.
Việc dạy theo nhiều đối tượng khác nhau như vậy thì phải dạy kiểu khác chứ không thể cào bằng, đành rằng trên nền kiến thức cơ bản nhưng giáo viên phải nâng được tư duy của học sinh lên thì các em mới làm nổi những bài thi vào trường chuyên như vậy.
Vấn đề giáo viên rất quan trọng, nó quyết định vấn đề thành bại trong đổi mới giáo dục. Nhưng còn với một bộ phận giáo viên có năng lực yếu thì sách giáo khoa lại là cứu cánh của họ, những người này chỉ biết dạy theo sách”.
Thầy Cường nêu quan điểm: “Sách giáo khoa chỉ là một phần trong đổi mới giáo dục vì nó dễ nhìn thấy nhất, nhưng những người hướng dẫn việc đổi mới này là giáo viên và đó mới là điều quyết định. Ảnh minh họa: TD. |
Cần đổi mới giáo dục từ gốc
Thầy Cường nói: “Gốc ở đây là vấn đề đào tạo từ các trường sư phạm, các trường này phải đổi mới rất nhiều từ cách dạy, cách tiếp cận và cách đào tạo.
Tôi thấy Đại học Y họ đưa sinh viên đi thực tập từ rất sớm, vừa học lý thuyết kết hợp với thực tế, nhưng Đại học sư phạm hiện nay chỉ có 2 tháng cho sinh viên đi thực tập và các em phải tự liên hệ với cơ sở giáo dục. Thời gian 2 tháng thì làm được gì.
Trong khi hiện nay có nhiều trường sôi sục đổi mới, thông tư chỉ thị mới khiến cho nhiều trường thay đổi, thì ngược lại nơi đào tạo giáo viên chỉ mải mê với kiến thức chuyên sâu, nghiên cứu gì đó…rất sách vở.
Phải có thực tế mới đổi mới được, chứ cứ ngồi bàn giấy soạn giáo án để dạy từ năm này qua năm khác thì làm sao biết các trường đổi mới, thiếu hoàn toàn kiến thức thực tế.
Đào tạo cái gốc mà sơ sài, quan liêu không chịu đổi mới như vậy thì làm sao mà đáp ứng được yêu cầu đổi mới nguồn nhân lực. Đó mới là gốc của vấn đề đổi mới giáo dục hiện nay”.
Việc chủ động của giáo viên là rất quan trọng
Cùng quan điểm về vấn đề này, cô Vũ Thị Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng phụ trách khối lớp 1-2-3, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ:
Chúng tôi vẫn dạy những kiến thức có trong sách, nhưng có điều phải tính toán đến những điểm chưa phù hợp và giáo viên có quyền thay đổi ngữ liệu trong bài học đó để làm sao học sinh tiếp thu được.
Việc chủ động của giáo viên trong mỗi nhà trường là rất quan trọng, và nếu nói bỏ hoàn toàn sách giáo khoa là không đúng, bởi nếu bỏ hoàn toàn thì liệu giáo viên có khả năng nghiên cứu, chọn được ngữ liệu hay không bởi bản chất mình chỉ là giáo viên.
Giáo viên phải tìm hiểu qua những giờ học, thấy rằng đối với học sinh của mình thì phải dạy sao cho phù hợp và các con tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, đó mới là điều quan trọng cần phải lưu tâm".
Cô Vũ Thị Hồng Nhung: "Chúng tôi vẫn dạy những kiến thức có trong sách, nhưng có điều phải tính toán đến những điểm chưa phù hợp và giáo viên có quyền thay đổi ngữ liệu trong bài học đó để làm sao học sinh tiếp thu được". Ảnh: TD. |
Cô Nhung cho biết: "Ở những thời điểm khác nhau nếu thấy số lượng vần nhiều quá, quá sức đối với học sinh thì giáo viên nên chủ động chỉnh lý, giảm bớt đi. Có nghĩa là giáo viên giảm bớt mức độ yêu cầu.
Năm nay có nhiều vấn đề về ngoại cảnh như vậy mà lại còn triển khai theo sách giáo khoa mới thì bản thân trong mỗi nhà trường cần phải có sự chủ động, sáng tạo.
Chủ động đánh giá tình hình để chọn chương trình làm sao cho phù hợp với học sinh nhà trường, và với mục tiêu cuối cùng trong năm học đó là học sinh phải đọc và viết được.
Ở giai đoạn này khi các con chưa nhận biết được hết các mặt chữ cái thì giáo viên phải giành khoảng thời gian cho việc ôn luyện đó, nên kéo dài thời gian hơn một chút và phải có sự chỉ đạo thống nhất từ ban giám hiệu nhà trường.
Khi nhà trường đã chọn 1 bộ sách nào đó thì đồng nghĩa sẽ phải tính toán đến việc khung của bộ sách khi hết tuần thứ nhất, thứ 2 hoặc tuần thứ 5…thì học sinh sẽ học về vấn đề gì?
Thời gian này còn phải rèn các con về nề nếp học tập nên sẽ có nhiều khó khăn, vậy nên giáo viên phải báo cáo, phản hồi rằng tiến trình dạy như vậy sẽ là nhanh hay chậm, có quá sức hay không để kịp thời có điều chỉnh trong toàn trường.
Căn cứ vào báo cáo của giáo viên thì nhà trường cũng nên giảm bớt yêu cầu, ví dụ: Hoạt động này trong trong giờ học cụ thể nên tạm thời bỏ qua để đảm bảo ưu tiên cho vấn đề khác cần hơn trong giai đoạn này.
Sau một thời gian các con đảm bảo được nền tảng cơ bản thì lúc đó giáo viên lại đi theo chương trình. Từng tuần một mình phải có điều chỉnh cho phù hợp chứ nhất định không thoát ly sách giáo khoa”.
Từng tuần một mình phải có điều chỉnh cho phù hợp chứ nhất định không thoát ly sách giáo khoa. Ảnh minh họa:TD. |
Cần sáng tạo trong giảng dạy
Theo cô Nhung: “Ngữ liệu của sách giáo khoa là cơ sở để giáo viên dạy, nhưng thực tế trong quá trình dạy thì các hoạt động, cách tổ chức như thế nào đó trong lớp để các con không bị nặng nề, làm sao các con thấy vui vẻ.
Trẻ con lớp 1 thì phải vừa học vừa chơi, và đôi khi với một hoạt động mà các con thích thì nó sẽ tiếp thu được, và phần kiến thức đó sẽ tốt hơn. Còn nếu không cảm thấy hứng thú thì các con sẽ mệt mỏi.
Vậy nên, ban giám hiệu nhà trường phải chỉ đạo: Thứ nhất giáo viên giảm bớt yêu cầu cho phù hợp với các con trong giai đoạn này. Thứ 2 là những vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn thì mời giáo viên giải quyết chứ không đẩy về cho phụ huynh.
Phụ huynh rất quan tâm đến vấn đề dạy con học ở nhà, đơn thuần họ xem giáo viên yêu cầu phải làm gì thì phụ huynh sẽ làm đúng như vậy.
Ví dụ chỉ cần các con viết đến đây, hoặc chỉ cần đánh vần thôi nhưng phụ huynh cứ nhìn thấy chữ là bắt con đọc, và trên thực tế việc đọc trơn tru và đánh vần là hoàn toàn khác nhau.
Trẻ con có thể đánh vần được nhưng chưa chắc đã đọc trơn tru, nhưng phụ huynh lại không hề biết vấn đề đó nên vô tình đã tạo ra áp lực cho bản thân và các con.
Giáo viên cần bám vào những cái gì gọi là sản phẩm cuối cùng của mình đưa ra, yêu cầu đối với học trò cần có kiến thức, năng lực, kỹ năng mềm nào…đó là cái giáo viên phải bám vào.
Còn tất cả những cái gọi là chương trình học thì đều phục vụ mục tiêu cuối cùng, nếu nắm được kỹ, giáo viên sẽ điều chỉnh sao cho hợp lý. Còn sách yêu cầu thế này, đưa ra ngữ liệu thế này và buộc giáo viên phải dạy hết tất cả thì đó là cứng nhắc”.