Cụm từ “sách giáo khoa là pháp lệnh”, “chương trình là pháp lệnh” được nhắc nhiều trong thời gian vừa qua khi nói về giáo dục.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông” đã phát biểu “Sách giáo khoa trước đây là duy nhất, là “pháp lệnh” yêu cầu các nhà trường phải triển khai thực hiện. Còn bây giờ có nhiều bộ sách giáo khoa để thực hiện, triển khai một chương trình. Như vậy, cách tiếp cận cũng rất khác”.[1]
Giáo sư Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử, trong buổi giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” phát biểu: “Giờ đây, sách giáo khoa không còn là tài liệu có tính chất "pháp lệnh" mà chỉ là một học liệu cơ bản. Giáo viên và học sinh nên và cần phải tham khảo rộng rãi các nguồn học liệu khác nhau”.
Trong chương trình, chúng tôi chỉ gợi ý về sự phân bổ thời lượng. Trong thực tế, nhà trường và giáo viên hoàn toàn có thể linh hoạt về thời lượng, kịch bản, phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng nội dung hoặc hoạt động giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh”.[2]
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ đã từng nhấn mạnh “Bên cạnh đó, nhà trường và giáo viên phải thay đổi quan niệm sách giáo khoa là pháp lệnh mà cần coi bộ sách được chọn là hạt nhân của tài liệu dạy học trong nhà trường”. [3]
(Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết: “Giáo viên có quyền đề xuất chọn sách giáo khoa; chủ động phân bổ thời lượng dạy học; chủ động áp dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Người viết sách giáo khoa cũng được chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, tư liệu và thiết bị dạy học cụ thể.
Vì vị trí của sách giáo khoa đã thay đổi, trước được coi là “pháp lệnh” thì nay là tài liệu chính thức để dạy học; số lượng sách giáo khoa không chỉ có một bộ mà sẽ có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học”.[4]
Vậy “pháp lệnh” là gì?
Theo Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh là một loại văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành, quy định những vấn đề mà Quốc hội giao.
Vậy có quy định nào nói “sách giáo khoa là pháp lệnh” không? Không có! Có quy định nào nói chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh không? Không có!
Theo Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, phê duyệt sách giáo khoa, chứ không phải Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Do đó, nói chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh như hiện nay, hay sách giáo khoa là pháp lệnh như trước kia, đều không đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cả hai đều do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi được hội đồng thẩm định quốc gia (cũng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập), đã thông qua và đề xuất Bộ trưởng ban hành.
Bởi vậy, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa vẫn là tài liệu chính thức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phê duyệt để bắt buộc sử dụng (đối với chương trình giáo dục phổ thông) hoặc lựa chọn sử dụng (đối với sách giáo khoa).
Khoản 1 Điều 32 Luật giáo dục 2019 quy định về sách giáo khoa giáo dục phổ thông:
1. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau:
a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử;
Khoản 1 Điều 18. Thông tư Số 32/2020/ TT -BGDDT quy định rõ:
Sách giáo khoa sử dụng trong trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường trung học hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo Luật Giáo dục, Điều lệ trường trung học, sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường trung học hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo giải thích của các giáo sư tiến sĩ biên soạn chương trình, sách giáo khoa cũng như lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sách giáo khoa là một học liệu cơ bản [2] hạt nhân của tài liệu dạy học trong nhà trường [3] là tài liệu chính thức để dạy học [4].
Nhưng với quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, đặc biệt là Luật Giáo dục 2019, thì nội dung, phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá vẫn không nằm ngoài "sách giáo khoa", đồng thời Luật không quy định/cho phép sử dụng tài liệu nào ngoài "sách giáo khoa".
Nếu bây giờ yêu cầu giáo viên thoát ly sách giáo khoa, không phải tài liệu bắt buộc dường như lại mâu thuẫn với chính Luật Giáo dục, Điều lệ trường trung học và hướng dẫn của các vị được coi là cây đa, cây đề của giáo dục.
Do đó, nếu thực sự cởi trói cho giáo viên, để giáo viên thực sự chủ động lựa chọn học liệu để thực hiện các mục tiêu giáo dục mà chương trình đặt ra thay vì lệ thuộc vào sách giáo khoa như hiện nay, về mặt pháp lý, cần có sự giải thích rõ hơn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Điều 32 Luật Giáo dục 2019.
Để giáo viên sáng tạo trong dạy học, phải có hành lang pháp lý thông thoáng, chính xác, bảo vệ giáo viên, có như vậy mới lâu bền được.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://rgep.moet.gov.vn/tin-tuc/toa-dam-thuc-hien-nghi-quyet-882014qh13-cua-quoc-hoi-voi-viec-doi-moi-giao-duc-pho-thong-5074.html
[2]http://rgep.moet.gov.vn/tin-tuc/giao-luu-truc-tuyen-day-hoc-lich-su-va-dia-ly-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-4819.html
[3]http://rgep.moet.gov.vn/tin-tuc/khi-sach-giao-khoa-khong-con-la-phap-lenh-4973.html
[4]http://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=512&fbclid=IwAR2DiIiSYAls_Oy_Ah6v_hFEYqQk9P20-i9PIrO9BfUqqLO9gqI8B6UUb7M
[5] https://luatminhkhue.vn/phap-lenh-la-gi---khai-niem-phap-lenh-duoc-hieu-nhu-the-nao--.aspx