Mới đây, đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn Ngữ văn với phần câu hỏi nghị luận: “Bạn màu gì?” (8 điểm) đã gây xôn xao dư luận.
Đề thi học sinh giỏi môn Văn "siêu ngắn" của Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng. Ảnh: facebook nhà trường |
Nhiều người cho rằng cách ra đề thi này khá độc đáo, kích thích sự tò mò, sáng tạo của học sinh.
Cũng có quan điểm cho rằng, dù đề thi chỉ có ba chữ, nhìn qua thì rất khó làm nhưng hàm ý đàng sau nó có thể triển khai đến vài trang giấy.
Qua tìm hiểu, đây là đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 12 của Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Đắk Lắk).
Thầy Nguyễn Đình Dũng - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng xác nhận, đề thi nói trên là của nhà trường diễn ra ngày 31/10 vừa qua.
“Người ra đề môn Ngữ văn là cô Hoàng Thị Kiều Trang – tổ trưởng tổ ngữ văn của nhà trường. Về mặt chuyên môn thì cô Trang sẽ trao đổi cụ thể hơn.
Còn về đánh giá tổng quan kỳ thi học sinh giỏi năm nay của nhà trường đã đáp ứng được các yêu cầu chung đề ra.
Qua đó đánh, giá đúng năng lực và chọn ra được những học sinh giỏi để tiếp tục bồi dưỡng, ôn luyện cho các kỳ thi olympic hay kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh”, thầy Dũng cho hay.
Chia sẻ về đề văn đang gây xôn xao nhiều ngày qua, cô Kiều Trang cho biết: “Lúc ra đề thi, định hướng của mình là muốn học sinh phát huy năng lực, thể hiện thế giới quan của riêng của các em.
Bởi khi bồi dưỡng, mình cũng phát hiện ra các em có những cái nhìn khá độc đáo về cuộc sống.
Dù rằng khi ra đề, mình không nghĩ đề Ngữ văn nói trên lại tạo ra sự tranh luận như vậy. Nó làm mình rất bất ngờ”.
Cũng theo đánh giá của cô Trang thì dù đề rất ngắn, chỉ có ba từ nhưng nếu học sinh nhìn ra vấn đề thì nó thực sự không khó.
“Qua những câu hỏi ngắn, mình muốn kích thích cho học sinh trình bày một cách sâu sắc, sáng tạo là được.
Đối với kiểu ra đề mở như thế này, ngắn thì khó thật nhưng nó sẽ tạo sự kích thích với học sinh hơn là những kiểu đề gò bó trong những khuôn khổ nhất định”.
Theo đánh giá của các giáo viên khác thì đề văn này cũng tạo ra những suy nghĩ, nhận định khác nhau. Có bạn nghĩ đó chỉ là một vấn đề về giới tính, có bạn nghĩ đó chỉ là vấn đề về màu da...
Còn bản chất câu hỏi giáo viên muốn đặt ra cho học sinh là gì?
“Dù bạn có màu da nào, sắc tộc nào, giới tính nào hay ở một vị trí nào, thậm chí có xuất thân trong một hoàn cảnh nào đi nữa thì em ấy cũng xác định được giá trị bản thân mình ở đâu, thể hiện cái giá trị đó như thế nào?
Còn lại không quan trọng màu da gì hay giới tính gì. Mình định hướng cái đó. Quan trọng vẫn là cách sống và giá trị của bản thân”, cô Trang nói.
Chia sẻ thêm về kết quả kỳ thi, cô Trang cho hay, hầu hết, các em đều có những cái nhìn rất đặc biệt. Và mỗi em lại có một cách tiếp cận và triển khai vấn đề khác nhau.
“Mỗi em đều có những nét đặc biệt riêng. Có những em chọn cho mình một màu, còn có những em thì xem mình là tổng hòa của các bản màu và sẽ thay đổi sao cho phù hợp.
Cũng có những em nghị luận chung chung về giá trị của bản thân, về quan điểm sống... Có nhiều cách tiếp cận khác nhau và rất hay”.
Trong đó cô Trang đặc biệt ấn tượng với một bài văn đạt điểm cao nhất (16,5 điểm cho hai câu hỏi).
“Em ấy nhìn thẳng vào vấn đề là giá trị của bản thân, rằng cuộc sống là bức tranh muôn màu. Và mỗi người phải chọn cho mình một màu và không bị hòa tan bởi màu của ai hết. Em khẳng định như thế và trình bày rất là hay”.
Thông điệp mà cô Trang muốn nhắn gửi với các em học sinh qua đề thi Ngữ văn lần này rằng:
“Lâu nay môn Văn có thể nó dài dòng, lê thê, học sinh có thể phải bận bịu quá nhiều chữ nghĩa.
Nhưng mình thích học sinh tư duy một chút, có cái nhìn riêng một chút và thể hiện thế giới quan của mình nó sâu sắc một chút.
Các em có thể tiếp cận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau nhưng nên nhìn cuộc sống, nhìn mọi thứ một cách đa chiều, đa diện.
Lúc đó, cuộc sống trở nên sinh động và dễ tiếp cận hơn. Hy vọng qua những đề văn như vậy thì các em sẽ yêu mến bộ môn Văn hơn, chứ không thấy e dè hay mệt mỏi như trước đây nữa”.