Dù có bỏ chứng chỉ, giáo viên vẫn phải học và thi ngoại ngữ, tin học?

11/11/2020 08:50
Sơn Quang Huyến
GDVN- Muốn vượt qua các kỳ thi trên máy vi tính về ngoại ngữ, tin học giáo viên vẫn phải học, đây là điều phù hợp với thực tế.

Ngày 09/11/2020, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn đại biểu Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết:

“Trong quá trình triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ đều tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạn viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

Về tuyển dụng, lần này nghị định của Chính phủ đã quy định, đối với những người tốt nghiệp các bằng cấp chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ví dụ như ngoại ngữ thuộc về trình độ bậc 3, thì không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ nữa.

Tương ứng, đối với tuyển sinh đại học, thi nâng ngạch, mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ, thì không cần phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nữa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, trong nghị định vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Có những vị trí không cần trình độ cao thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ cấp bậc cao hơn thì chúng ta quy định trong từng vị trí việc làm.

(Ảnh do tác giả cung cấp)

(Ảnh do tác giả cung cấp)

Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, viên chức.

Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính.

Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư sửa đổi về chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập và cũng không còn quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa.

Về bổ nhiệm cán bộ, trước kia, khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì nay tập trung chủ yếu trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước.

Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt bổ nhiệm cán bộ, còn văn bản chứng chỉ khác chỉ phục vụ trong quá trình đào tạo tiếp theo”.[1]

Thông tin “bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ” trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức làm cho thầy cô giáo rất phấn khởi.

Thực tế ở các trường Đại học Sư phạm, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư Số: 01/2014/TT-BGDDT đã có chuẩn ngoại ngữ đầu ra theo khung 6 bậc, các trường đại học Sư phạm đã quy định sinh viên chính quy phải đạt chuẩn ngoại ngữ bậc 3/6 (Kể cả ngôn ngữ thứ 2 với ngành ngoại ngữ); Trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT, mới được xét công nhận tốt nghiệp. [2]

Với Cử nhân Sư phạm hệ chính quy từ năm 2015 đến nay, khi có bằng tốt nghiệp đồng nghĩa với đạt chuẩn tin học, ngoại ngữ khi tuyển dụng.

Muốn có vị trí việc làm tốt, thăng hạng viên chức, giáo viên vẫn phải học ngoại ngữ, tin học.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết “Có những vị trí không cần trình độ cao thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ cấp bậc cao hơn thì chúng ta quy định trong từng vị trí việc làm.

Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính”.

Muốn vượt qua các kỳ thi trên máy vi tính về ngoại ngữ, tin học giáo viên vẫn phải học, điều này trở nên công bằng, phù hợp với thực tế.

Năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học nếu không được bồi dưỡng thường xuyên nó sẽ ... tự mất đi. Vì vậy “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” luôn luôn đúng với bất cứ địa phương nào, thầy cô nào.

Muốn có vị trí trong ký ức yêu thương của học trò, ngoài nhiệt huyết, đam mê, yêu thương con trẻ, giáo viên vẫn phải thường xuyên học ngoại ngữ, tin học!

Tài liệu tham khảo:

[1] Theo VTV.VN

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-01-2014-TT-BGDDT-Khung-nang-luc-ngoai-ngu-6-bac-Viet-Nam-220349.aspx

Sơn Quang Huyến