Giáo viên phải nhặt sạn và tìm ngữ liệu thay thế, thay sách giáo khoa mới làm gì

17/11/2020 06:10
Phan Tuyết
GDVN- Những ngữ liệu này, là cẩm nang cho học sinh tiểu học khi học. Bởi thế, giáo viên không thể tùy tiện thay thế.

Mới đây, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, người đã được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngữ liệu trong sách giáo khoa cần chuẩn, chỉnh không như văn bản lỗi này (Ảnh: Tùng Dương).

Ngữ liệu trong sách giáo khoa cần chuẩn, chỉnh không như văn bản lỗi này (Ảnh: Tùng Dương).

Cô Diễm Quyên khẳng định, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình mới. Vì vậy, yêu cầu quan trọng nhất để chương trình giáo dục mới thành công chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học của các thầy cô giáo.

Giáo viên phải lấy mục tiêu chương trình để xây dựng bài dạy cho mình, không phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa.

Là giáo viên hiện đang trực tiếp giảng dạy, chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Bởi, chương trình mới dù có hoàn thiện đến đâu nhưng giáo viên thụ động, ngại đổi mới thì chương trình mới rất khó đạt được mục tiêu và xem như một thất bại lớn.

Nói rồi, cô Quyên cho biết, có những phần kiến thức trong sách nhanh chóng bị lạc hậu theo thời gian: “Trước đây tôi có đi dự giờ môn Địa lý ở một trường học, giáo viên dạy học theo sách giáo khoa, đưa ra thông tin nước ta có những loại khoáng sản nào, với trữ lượng bao nhiêu, phân bố ở khu vực nào…

Tuy nhiên, sau buổi học, tôi góp ý rằng, những thông tin, con số đó là của 10 năm trước rồi, bây giờ mình thử đến vùng đó xem, khoáng sản đó còn không, trữ lượng bao nhiêu nữa”.

Đó là lý do giáo viên không nên phụ thuộc sách giáo khoa mà nên đi vào thực tiễn, phải dạy học vừa đảm bảo khoa học, vừa đảm bảo thực tiễn.

Vì sao số liệu buộc phải thay đổi, cập nhật hàng năm còn ngữ liệu gần như bất di bất dịch đối với học sinh tiểu học?

Ví dụ mà cô giáo Quyên đưa ra chỉ là số liệu trong sách giáo khoa. Mà số liệu thì khi dạy buộc giáo viên phải thay đổi hàng năm mới phù hợp với thực tế.

Số liệu là gì? Vì sao lại bắt buộc phải thay khi dạy?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu khái niệm của số liệu: Số liệu là tài liệu biểu hiện bằng những con số. Ví như trong sách giáo khoa hay có số dân của cả nước, của các châu lục hay của thế giới…

-Chỉ số tăng trưởng kinh tế hàng năm, diện tích các loại cây trồng, tỷ lệ che phủ rừng của nước ta.

-Sản lượng đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản, chỉ số chăn nuôi… những số liệu ghi trong sách giáo khoa, giáo viên phải cập nhật thường xuyên trong lúc dạy vì mỗi năm một biến đổi với con số khác nhau…

Hầu như hiện nay, không có giáo viên nào dạy đến phần số liệu lại vẫn trung thành với những số liệu cũ ghi trong sách nữa vì đây là yêu cầu bắt buộc của chuyên môn mà thầy cô giáo phải thực hiện.

Cái mà chúng ta đang bàn cãi hiện nay là việc thay đổi ngữ liệu ( không phải là số liệu) trong sách giáo khoa, cụ thể là sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1

Giáo viên nói rằng ngữ liệu trong sách không thể thay thế còn các chuyên gia lại nói rằng giáo viên có quyền làm điều đó.

Vậy ngữ liệu là gì? Và vì sao lại không thể thay thế?

Ngữ liệu từ ngữ tiếng Việt bao gồm từ tiếng Việt và những đơn vị từ vựng tiếng Việt khác có tư cách tương đương với từ như cụm từ tự do, thành ngữ, tục ngữ...

Ngữ liệu được đưa vào sách giáo khoa tiểu học để cung cấp cho học sinh kiến thức, trang bị kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, đồng thời bồi dưỡng cho các em thái độ, tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ.

Vì thế, khi soạn sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học, việc lựa chọn ngữ liệu là cả một vấn đề khó khăn và kỳ công.

Để đưa một ngữ liệu vào sách giáo khoa, người biên soạn phải đọc rất nhiều và phải chọn lọc thật kỹ càng. Ngữ liệu phải đáp ứng những kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ cần dạy và đáp ứng các mặt tình cảm, nhận thức của học sinh, chứ không thể vì bí bách, khó tìm ngữ liệu mà lấy đại cho được rồi bớt xén về ngữ nghĩa cho phù hợp.

Với học sinh tiểu học, ngữ liệu cần đơn giản, dễ hiểu và trong sáng; không nên bớt xén nghĩa của đơn vị từ vựng trong từ điển; lại càng không thể vì lý do phù hợp chủ điểm mà bất chấp các yêu cầu về nhận thức, về tình cảm, tâm lý học sinh.

Trong sách giáo khoa, ngữ liệu được đưa vào giúp học sinh nắm kỹ nội dung bài học để đạt mục tiêu giáo dục. Khi đưa vào sách giáo khoa, người biên soạn nên cân nhắc, chọn lựa ngữ liệu có tính phổ quát, đảm bảo tính giáo dục, phù hợp nhận thức, tình cảm, tâm lý lứa tuổi học sinh. [1]

Với tầm quan trọng của ngữ liệu như thế nên khi chọn đưa vào sách giáo khoa yêu cầu phải chuẩn mực.

Những ngữ liệu này, là cẩm nang cho học sinh tiểu học khi học. Bởi thế, giáo viên không thể tùy tiện thay thế.

Nếu nói sách giáo khoa không còn là pháp lệnh thì trên cơ sở những ngữ liệu ấy, thầy cô có quyền mở rộng kiến thức thêm cho phù hợp với học sinh giỏi và có thể hạ chuẩn xuống thấp hơn cho phù hợp với học sinh yếu.

Nhưng để thay đổi hoàn toàn những ngữ liệu này ( ví dụ như những văn bản đầy sạn trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 như “Hai con ngựa”; “Ước mơ của táng đá”; “Tấm cám”; “Cua, cò và đàn cá”; “Lừa, thỏ và cọp” …sẽ không hợp lý và vô cùng bất lợi cho học sinh khi các em sẽ lấy tài liệu ở đâu để học và ôn tập?

Những phân tích trên cho thấy, tầm quan trọng của những ngữ liệu trong sách giáo khoa để các nhà biên soạn phải thật cẩn thận trong khâu biên tập, thẩm định và lựa chọn. Đừng vì sợ trách nhiệm để “đá quả bóng” qua chân giáo viên, trao cho họ cái quyền quá lớn là thay đổi ngữ liệu dẫn đến học sinh sẽ là người gánh chịu đầu tiên những khiếm khuyết trong giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ngu-lieu-sach-giao-khoa-can-lua-chon-phu-hop-post203457.gd

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một giáo viên đang dạy bậc tiểu học.

Phan Tuyết