Chọn lọc khách mời 20/11 và tiền ủng hộ về đâu, chuyện nhỏ mà không nhỏ

16/11/2020 06:15
HOÀNG SA VIỆT
GDVN- Các vị khách đưa tiền cho hiệu trưởng là để ủng hộ vào quỹ khuyến học của nhà trường; không phải cho riêng cá nhân hiệu trưởng!

Hàng năm trước đây, không kể năm chẵn hay năm lẻ, cũng như các trường khác, trường tôi luôn tổ chức ngày 20/11 trang trọng và có rất nhiều khách mời.

Khách mời đông vì đây là một trường chuyên, phụ huynh có con cháu vào học ở đây là một niềm hãnh diện, tự hào. Phải học giỏi hơn bạn bè, hạnh kiểm tốt mới được vào ngôi trường danh giá.

Theo tôi biết, khách mời hàng năm không phải là anh công nhân, người dân cày, người buôn bán nhỏ… Khách mời ở đây có “chọn lọc” trong danh sách phụ huynh do các giáo viên chủ nhiệm gửi về hiệu trưởng.

Đó là chủ doanh nghiệp thủy sản; là chủ gara xe ô tô, là đại lý vé số, là các doanh nhân ăn nên làm ra… Cứ nhìn vào những chiếc xe hơi bóng lộn xếp hàng dài trong sân trường là biết khách có “máu mặt” cỡ nào!

Điểm xuyết cho “bức tranh” khách mời là có quan khách hàng tỉnh, thành phố, sở giáo dục và một số hiệu trưởng của các trường bạn “ngang tài ngang sức”…

Hầu như ít thấy khách là người lao động bình thường (dù con cháu họ đang học tại trường) vì theo quan điểm là phải “nắm ông có tóc”!

Qua rất nhiều năm tham dự, chúng tôi cũng chỉ là đóng vai tiếp tân; tiếp chuyện với khách, chạy tới chạy lui lo cho công việc của buổi lễ được suôn sẻ, an toàn…

Khách thường gửi tiền ủng hộ nhà trường và luôn gặp hiệu trưởng để “gửi tận tay”. (Ảnh minh họa: Thoidai.com.vn)

Khách thường gửi tiền ủng hộ nhà trường và luôn gặp hiệu trưởng để “gửi tận tay”. (Ảnh minh họa: Thoidai.com.vn)

Qua quan sát, có thể mọi người khác cũng thấy nhưng cho đó là chuyện nhỏ nhưng tôi lại thấy không nhỏ và là sự thiếu khách quan, thiếu minh bạch của người đứng đầu nhà trường…

Đó là khách thường gửi tiền ủng hộ nhà trường và luôn gặp hiệu trưởng để “gửi tận tay”! Khi khách đưa phong bì, hiệu trưởng luôn tươi cười, bắt tay cảm ơn và bỏ phong bì vào túi mình một cách tự nhiên!

Thỉnh thoảng, hiệu trưởng lại đi vội vào phòng mình (có lẽ cất bớt phong bì vì túi đã đầy) rồi ra lại tươi cười, nhận phong bì tiếp… Với hơn bốn mươi khách “sộp”, mỗi vị ít nhất một triệu thì hiệu trưởng cũng có bốn chục triệu trong ngày “tôn vinh nhà giáo” này!

Theo tôi hiểu, các vị khách đưa tiền cho hiệu trưởng là để ủng hộ vào quỹ khuyến học của nhà trường; không phải cho riêng cá nhân hiệu trưởng!

Lẽ ra, nếu làm một cách khách quan, minh bạch thì nhà trường cử một bộ phận gồm kế toán, công đoàn, ban kiểm tra nhân dân đón tiếp, thu nhận sự đóng góp này.

Cũng có lần vào dịp Tết, Ban đại diện cha mẹ học sinh vào trường chúc Tết thầy cô và có tặng tiền “lì xì”!

Khi buổi chúc Tết kết thúc, hiệu trưởng mang cả cọc tiền về phòng mình và hôm sau nói Ban đại diện tặng nhà trường hai chục triệu đồng, chia đều mồi người được hai trăm ngàn đồng!

Kiểu làm việc thiếu minh bạch đã gây ra sự nghi ngờ không đáng có! Không lẽ chạy đi hỏi bác trưởng ban là hôm trước tặng trường “lì xì” bao nhiêu? Lẽ ra nếu minh bạch, hiệu trưởng sẽ kêu đại diện công đoàn, Đoàn thanh niên, kế toán cùng một hiệu phó vào, mở ra xem số tiền bao nhiêu và giao cho kế toán giữ…

Chuyện này không nhỏ vì một khi nói đến tiền bạc, dù chỉ một đồng của công, cũng phải công khai rõ ràng! Chuyện nhỏ nhưng nó thể hiện cung cách làm việc khách quan, không vụ lợi; cái gì của chung ra của chung, của riêng ra của riêng, không nên lẫn lộn…

(*) Bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của cá nhân tác giả - cựu Phó hiệu trưởng một trường trung học phổ thông chuyên.

HOÀNG SA VIỆT