Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những status “bóc phốt” cô Vũ Thị Hoài Thanh. Việc một nữ giáo viên luyện Văn có tiếng ở Hà Nội bị công kích khiến cộng đồng mạng dậy sóng, đặc biệt trong giới học sinh.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các bài viết có nội dung như trên được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
Cô Vũ Thị Hoài Thanh. Ảnh: NVCC |
Theo đó, một tài khoản mạng xã hội D. đã viết bài có nội dung công kích cô Hoài Thanh dạy học sinh những thứ kỳ quái, giả tạo, chia bè phái… Tài khoản này còn chỉ trích cô Hoài Thanh là “con đỉa hút máu”, “kẻ sống hai mặt”, từng dính đến “phốt” cướp nhà, mua đề… Ngoài ra, thông tin một tài khoản facebook “tố” nữ giáo viên này không có bằng cấp vẫn ngang nhiên đứng lớp cũng được tài khoản D. dẫn lại công khai, thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận trái chiều
Trước câu chuyện “dậy sóng” trên mạng xã hội, cô Hoài Thanh không giấu được sự mệt mỏi, căng thẳng và áp lực từ những bài viết một chiều trên một số tài khoản mạng xã hội.
Từ khi thông tin bôi nhọ xuất hiện liên tiếp trên mạng, cô Thanh bị stress nặng. Nữ giáo viên chịu áp lực đến nỗi nhiều đêm không thể chợp mắt. Rất may, học sinh và phụ huynh đã và đang được cô giảng dạy nhắn tin, gọi điện động viên giúp cô vững tin rằng “cây ngay không sợ chết đứng”.
Cô Thanh cho biết, các thông tin thêu dệt trên mạng là nhằm mục đích hạ uy tín cá nhân của cô. Suốt một thời gian dài, những thông tin đã khiến nhiều học sinh theo học tại Cụm lớp do cô Thanh phụ trách hoang mang, thậm chí rời bỏ lớp học.
Một số giáo viên công tác tại Cụm lớp, do quá áp lực đã phải xin tạm thời nghỉ dạy. Thiệt hại xảy ra từ sự việc, theo cô Thanh, đến giờ là không thể đong đếm.
“Ban đầu, tôi chọn cách im lặng với niềm tin “cây ngay không sợ chết đứng”. Bản thân tôi chỉ cần làm tốt nhất sứ mệnh trồng người, không thể sa đà vào chuyện tranh cãi với một số cá nhân rắp tâm bôi nhọ, vu khống mình. Nhưng đến giờ, tôi nghĩ rằng mình cần phải lên tiếng để học trò và các phụ huynh hiểu con người tôi nhiều hơn”, cô Thanh tâm sự.
Nữ giáo viên cũng tâm sự, cô cảm thấy vô cùng thất vọng và đau đớn khi tài khoản của người đăng bài viết thêu dệt câu chuyện để hạ thấp uy tín cô lại là người mà trước đây cô từng hợp tác.
Thời gian đầu, việc hợp tác diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, sau đó, hai bên xuất hiện hàng loạt vấn đề khiến cô Thanh phải rút khỏi trung tâm.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc trong bài viết của tài khoản facbook D. “tố” cô dạy những thứ kỳ quái. Cụ thể, tài khoản này viết cô Thanh dạy học sinh: “Nếu cho ai đó 1 thì mình phải lấy lại được của nó 3”. Cô giải thích ám chỉ việc là đi học bỏ 1 đồng học phí thì phải lấy lại đủ thứ khác từ bài giảng, điều hoà…”.
Về thông tin này, cô Thanh khẳng định: “Trên lớp, tôi luôn dạy học sinh khi cha mẹ đóng 1 đồng học phí cho cô, các em phải lấy lại được kiến thức từ cô gấp 10 lần. Chứ không phải đóng tiền cho cô mà chẳng mang được gì về, chỉ đến lớp học để mua sự yên tâm. Và rồi, kẻ nào đó đã cố tình suy diễn để hạ uy tín của tôi”.
Cô Hoài Thanh cung cấp bằng gốc Thạc sĩ của mình. Ảnh: NVCC |
Khi chúng tôi đề cập đến việc có thông tin ‘tố” cô chưa có bằng cấp, dùng bằng giả vẫn ngang nhiên giảng dạy, cô Hoài Thanh đã cung cấp cho chúng tôi bản gốc Bằng Cử nhân ngành Sư phạm Ngữ văn loại Giỏi do Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Hà Nội cấp mang số hiệu QC 111910, ngày 16/10/2013; Bằng Thạc sĩ Ngữ văn do Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cấp với số hiệu B000383.
Cô Thanh bức xúc nhấn mạnh, các tài khoản facebook chia sẻ rất nhiều thông tin tiêu cực về cô nhưng hầu hết không đưa ra được bằng chứng.
“Thậm chí họ còn nói tôi cướp nhà người khác, mua đề thi đại học, bị đuổi việc… nhưng không đưa được bất cứ bằng chứng nào. Việc cướp nhà, mua đề thi là chuyện lớn, liên quan đến hình sự. Nếu tôi thực hiện những hành vi đó thì liệu bây giờ có được ngồi đây để dạy học sinh nữa hay không. Họ đang vu khống tôi một cách trắng trợn”, cô Thanh nói.
Cô Hoài Thành cho biết, cô đang tham vấn luật sư để có động thái pháp lý phù hợp. Bởi danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong số những quyền nhân thân cơ bản của con người được pháp luật bảo vệ.
Cô Thanh cũng đặt nghi vấn động cơ của những bài viết trên có thể xuất phát từ lòng đố kị, từ sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc luyện thi.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, trong sự việc mà cô Hoài Thanh đưa ra ở trên cần bóc tách hai vấn đề.
Thứ nhất, việc đăng tải thông tin tiêu cực, sai sự thật về người khác có dấu hiệu của Tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự. Theo đó, pháp luật quy định Tội Vu khống bao gồm các hành vi: Bịa đặt nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Thứ hai, trong sự việc này còn có dấu hiệu của Tội Làm nhục người khác. Theo đó, Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định, hành vi làm nhục người khác gồm các hành vi lăng mạ, sỉ nhục, chửi rủa thậm tệ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu nhằm vào nhân cách, danh dự với mục đích hạ thấp nhân cách, danh dự của bị hại đồng thời làm cho bị hại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác.
“Tôi cho rằng, cô Hoài Thanh nên lập vi bằng các bài viết sai sự thật về mình trên facebook và có thể khởi kiện ra tòa”, luật sư Huy An nêu quan điểm.