Giảm giá giáo án ngày 20/11, nghe sao đắng chát

25/11/2020 08:47
Lê Văn Minh
GDVN- Chỉ cần người mua lên tiếng là người bán sẽ trao đổi, nhắn tin qua Messenger, cho xem trước vài trang giáo án, sau đó là nhận phí và gửi sản phẩm qua email.

Tác giả Kim Oanh có bài viết Thật buồn với chuyện bán mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm…của một số giáo viên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 03/5/2020 đã có một lượng người đọc và phản hồi khá nhiều của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Có người đồng tình với quan điểm người viết về việc lên án chuyện mua bán giáo án, sáng kiến kinh nghiệm nhưng cũng có rất nhiều người đồng tình với việc mua bán. Sau đó, chủ đề này được nhiều tác giả tiếp tục đề cập, phản ánh thêm hàng chục bài viết khác nữa với nhiều góc nhìn khác nhau.

Giáo viên chào bán giáo án (Ảnh chụp từ màn hình)Giáo viên chào bán giáo án (Ảnh chụp từ màn hình)

Ngày 22/11/2010, tác giả Lê Mai lại có thêm bài viết Có những thầy cô mua bán, xin cho giáo án và đủ thứ khác trên mạng xã hội, tiếp tục phản ánh về thực trạng mua bán những sản phẩm giáo dục khá sôi động trên mạng xã hội hiện nay.

Có phải việc bán-mua giáo án và đủ thứ trên mạng xã hội của một bộ phận giáo viên là để trao đổi kinh nghiệm, để học hỏi hay còn một nguyên nhân nào khác nữa?

Giáo viên công khai chào bán, hỏi mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm

Hiện nay, gần như môn học nào ở các các cấp học phổ thông đều có một vài trang mạng xã hội riêng với sự tham gia mỗi trang này có khi đến hàng chục ngàn thầy cô giáo.

Có người tham gia để quan sát, chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm của đồng nghiệp mình. Có người tham gia để bán các sản phẩm của mình cho đồng nghiệp, và điều đặc biệt là trên các trang này có một lượng “khách hàng” khá đông đảo nên có người bán rất đắt hàng.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Điểm nhấn của trang facebook này là nhiều giáo viên chia sẻ các đề kiểm tra, các đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, các huyện, các đề thi tuyển sinh và cũng có nhiều giáo viên khi gặp khó khăn cần trao đổi về chuyên môn thì có nhiều đồng nghiệp tương tác, giúp đỡ.

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng ưu điểm đó thì mỗi ngày có vài chục tin chào bán, hỏi mua các sản phẩm giáo dục mà nhiều nhất là tin chào bán giáo án.

Mỗi tin chào bán như vậy luôn có hàng trăm lượt thích và hỏi mua công khai.

Lần theo thời gian, chúng tôi thấy một số giáo viên bán hàng ở đây đã có thâm niên nhiều năm và họ đăng công khai trên facebook cá nhân liên kết với trang facebook của một môn học.

Họ có đầy đủ ảnh đại diện, tên trường đã học, đơn vị đang công tác. Có nghĩa, những thông tin này không chỉ có những thành viên trong nhóm giáo viên môn học đó biết mà sẽ có rất nhiều người ngoài ngành, học trò của họ biết một cách tường tận…!

Giảm giá giáo án nhân ngày 20/11 và giáo viên miền Trung bị lũ lụt

Phải công nhận một điều là một số thầy cô giáo cũng rất nhanh nhạy và đưa ra các gói khuyến mãi phù hợp với từng thời điểm để tạo ra những điểm nhấn với “khách hàng”.

Chạy khuyến mãi nhân mùa 20/11, ảnh chụp màn hình.

Chạy khuyến mãi nhân mùa 20/11, ảnh chụp màn hình.

Bước sang tháng 11, ngành Giáo dục đón một sự kiện lớn là ngày Nhà giáo Việt Nam nên những giáo viên bán giáo án hay các sản phẩm giáo dục cũng tranh thủ tung ra những gói khuyến mãi.

Có thầy cô đăng tin khuyến mãi để “tri ân khách hàng” bằng những lời lẽ rất…nhân văn.

Có người đăng tin bán giáo án, đề kiểm tra, các trò chơi…giảm giá cho thầy cô giáo miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lụt vừa qua. Có người đăng tin giảm giá vì nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Và, mỗi thông tin như vậy đều thấy một lượng thành viên trong nhóm tương tác rất lớn, nhiều người đăng ký hỏi mua.

Chỉ cần người mua lên tiếng là người bán sẽ trao đổi, nhắn tin qua Messenger, cho xem trước vài trang giáo án, sau đó là nhận phí và gửi sản phẩm qua email.

Nên nhìn nhận hiện tượng giáo viên mua bán giáo án, sáng kiến kinh nghiệm như thế nào?

Một số người cho rằng mình đi dạy không bao giờ nhìn giáo án nên mua cho tiện để đối phó với kiểm tra, thanh tra của cấp trên.

Sự kiện lũ lụt gây nhiều thiệt hại cho đồng bào miền Trung cũng được khai thác triệt để vào marketing giáo án, ảnh chụp màn hình.

Sự kiện lũ lụt gây nhiều thiệt hại cho đồng bào miền Trung cũng được khai thác triệt để vào marketing giáo án, ảnh chụp màn hình.

Nhưng, trước khi người thầy làm chủ được giáo án thì chắc chắn phải soạn giáo án và nếu đã tự soạn được thì ắt sẽ lưu vào máy tính. Sách giáo khoa hiện hành đã giảng dạy đại trà từ năm 2002, đến nay đã được 18 năm rồi. Vậy, tại sao có một số giáo viên phải bỏ tiền ra mua?

Có người cho rằng mua giáo án là cách để học hỏi, tham khảo nhưng e rằng chưa hẳn đúng.

Nếu cần học hỏi, tham khảo về phương pháp giảng dạy, các bước lên lớp thì thầy cô giáo chỉ cần lên google.com tìm các clip bài giảng (miễn phí) sẽ học hỏi tốt hơn nhiều chuyện mua giáo án Word để học hỏi, tham khảo.

Giáo án thì nói có người nói mua để đối phó với kiểm tra, để tham khảo vậy sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm khoa học kỹ thuật thì mua để làm gì nếu không vì thành tích cá nhân?

Hiện tượng bán mua, xin xỏ, đổi chác giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, các sản phẩm giáo dục hiện nay nhiều vô kể. Vậy, khách hàng ở đây là ai?

Chắc chắn những thầy cô giỏi chuyên môn, tự trọng, có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình đang gắn bó thì họ không bao giờ làm những điều như vậy!

Lê Văn Minh