Có đam mê và năng lực sư phạm, đừng ngại lựa chọn nghề giáo, đừng lo thiếu việc

26/11/2020 13:21
Tùng Dương
GDVN- Hàng ngày các em thấy được những điều tuyệt vời từ ngành giáo dục, tình yêu với thầy cô giáo được bồi đắp, lúc đó các em sẽ thấy rất yêu và muốn theo nghề giáo.

“Giai đoạn trước đây khi vai trò của người thầy có dấu hiệu phai nhạt bởi rất nhiều yếu tố, và một trong những yếu tố đó là mức duy trì cuộc sống của nghề giáo thấp hơn với ngành nghề khác.

Hơn nữa về mặt cơ chế tuyển dụng giáo viên rất khó khăn, nhiều thủ tục yêu cầu chồng chéo. Nhưng vấn đề này hiện nay đã rất cởi mở bởi có khá nhiều trường tư thục ra đời và phát triển mạnh mẽ.

Hệ thống trường ngoài công lập là động lực thúc đẩy sự phát triển của Giáo dục đặc biệt là nguồn nhân lực nghề giáo, đã có nhiều trường tuyển dụng giáo viên trên cơ sở năng lực chuyên môn thực tế, giảm bớt những yêu cầu mang tính hình thức.

Điều quan trọng nữa là mức lương thù lao cho những giáo viên có năng lực, trả lương theo đúng sở trường bố trí việc làm nên dẫn tới việc đối trọng giữa thu nhập của những giáo viên có năng lực thực sự đã được thu hẹp rất nhiều so với một số ngành nghề khác.

Chính những học sinh đang trăn trở về nghề, có niềm yêu thích với nghề giáo thì những suy nghĩ mông lung đó sẽ bớt đi, ít nhất là nếu theo nghề và có năng lực thật sự thì các em cũng sống được như các thầy cô của mình”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội: "Hệ thống trường ngoài công lập là động lực thúc đẩy sự phát triển của Giáo dục đặc biệt là nguồn nhân lực nghề giáo. Ảnh: NVCC.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội: "Hệ thống trường ngoài công lập là động lực thúc đẩy sự phát triển của Giáo dục đặc biệt là nguồn nhân lực nghề giáo. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Cường: “Ở Trường trung học cơ sở Thái Thịnh hiện nay chúng tôi đã xây dựng được mục đích giáo dục trong giai đoạn năm năm, học sinh phải có tính kỷ luật, sáng tạo, tự tin và một phẩm chất quan trọng đó là lòng nhân ái.

Đầu tiên đứa trẻ phải thấy có tình yêu với bản thân, với gia đình, với nhà trường, với thầy cô và Tổ quốc. Với những tình yêu được vun đắp từ khi còn ngồi ghế nhà trường, thầy cô đồng hành nêu gương hàng ngày sẽ giúp cho đứa trẻ hình thành những phẩm chất mang tính nhân văn.

Học sinh cảm nhận mình có được những bài học hay như vậy, có nhiều hoạt động sáng tạo…là từ những thầy cô tận tâm yêu nghề, từ cha mẹ và nhà trường.

Điều đó giúp các em thấy được những điều hay, điều tuyệt vời từ ngành giáo dục, tình yêu của học sinh với thầy cô giáo ngày càng được bồi đắp và lúc đó các em sẽ thấy rất yêu và muốn theo nghề giáo. Đó là điều hiện nay nhà trường chúng tôi đang làm.

Tôi không có ý định hướng tất cả các em theo nghề giáo, nhưng ít nhất muốn theo nghề nào thì cũng cần phải có tình yêu. Vào mỗi dịp trường chúng tôi tổ chức các hoạt động kỷ niệm thì có rất nhiều em học sinh cũ đã trở lại thăm trường.

Nó chứng tỏ tình yêu của các con gắn bó với thầy cô ngày càng tăng thêm, yêu và tự hào về ngôi trường mình đã học. Không ít các em tự hào về thần tượng của mình, có thể là cô dạy Toán với những công thức giải hay, thầy dạy Văn với những phân tích sâu lắng, cô dạy Ngoại ngữ…đã cho mình những kiến thức quý báu.

Hàng năm trường chúng tôi có khá nhiều học sinh thi vào chuyên, những học sinh này có hai hướng hoặc là đi chuyên sâu nghiên cứu, và có không ít các em thấy mình được như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều từ các thầy cô yêu nghề nên cũng có ý hướng theo ngành sư phạm”.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Rất cần sự định hướng nghề nghiệp

Thầy Cường cho biết: “Khi học sinh lên cấp III thì lúc này câu chuyện lại hoàn toàn khác, theo Luật Giáo dục mới thì vai trò cấp III là trung học phổ thông dừng lại ở mức độ hoàn thành đào tạo trung học cơ sở và hướng đến đối tượng nghề mới.

Rõ ràng vai trò hướng nghề từ trung học phổ thông có bước quan trọng tiếp theo là hướng học sinh thế nào? Hiện nay các em đã có sự cởi mở rất nhiều về mặt chọn ngành nghề.

Có không ít học sinh đã bồi đắp tình yêu với ngành sư phạm từ khi còn học lớp 9, lớp 10. Các con cũng hiểu rằng muốn trở thành nhà giáo thì ngoài kỹ năng chuyên môn còn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng tin học, trình độ ngoại ngữ…chứ không đơn thuần chỉ cầm viên phấn đứng trên bục giảng.

Giáo dục có nhiều mảng khác nhau, có thể giảng dạy, có thể là chuyên gia tham vấn tâm lý học đường, hỗ trợ học tập…nó rất cởi mở chứ không phải chỉ đóng khung trong một người thầy.

Chính vì hướng đi ngành sư phạm đã mở rộng hơn, học sinh vào sư phạm không bị coi là cổ điển, lạc hậu so với những ngành nghề khác, từ những điều đó thì sinh viên ngành sư phạm thấy rằng mình với những nghành nghề khác chỉ khác nhau về mặt chuyên môn.

Còn về hiểu biết, kiến thức cũng như nhau, thậm chí còn phải hiểu biết tốt hơn vì mình là nhà giáo, mình sẽ dạy các em học sinh là tương lai của đất nước.

Theo tôi thì hướng đầu ra của sinh viên sư phạm không còn mù mịt như trước nữa, trước đây khi tốt nghiệp sư phạm thì sinh viên không biết mình sẽ làm việc ở đâu và có việc làm hay không?

Nhưng hiện nay các trường trong hệ thống ngoài công lập đã phát triển rất mạnh nên nhu cầu tuyển dụng cũng rất lớn, nếu các em có đầy đủ kiến thức về chuyên môn, có năng lực phẩm chất, kỹ năng tin học ngoại ngữ…thì khi ra trường sẽ được trọng dụng ngay”.

Các trường sư phạm cần thay đổi

Thầy Cường chia sẻ: “Giờ đây ít khi chúng ta khuyên một đứa trẻ là con phải làm nghề này, nghề kia.

Nhưng bản thân tôi rất ủng hộ việc định hướng nghề nghiệp trong gia đình có con, cháu…những người mình nhìn thấy họ có phẩm chất năng lực của nghề giáo.

Để khuyến khích các sinh viên theo ngành sư phạm thì đầu tiên chúng ta phải thay đổi cách tuyển dụng, nên giao quyền tự chủ nguồn nhân lực cho các cơ sở giáo dục quyết định.

Người đứng đầu các cơ sở giáo dục sẽ chịu trách nhiệm về mặt tuyển dụng, đã có Luật viên chức và không còn viên chức suốt đời, tuy nhiên mọi chuyện cũng không đơn giản như vậy.

Phải làm cho nghững người có đam mê với ngành sư phạm thấy rằng mình hoàn toàn có cơ hội vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục tốt nếu như đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn của nhà tuyển dụng.

Một điều nữa là các trường sư phạm hiện nay chưa chuyển động cùng với sự phát triển như vũ bão của xã hội về nghề nghiệp.

Các trường sư phạm nên giới thiệu ngành nghề mà trường đào tạo với các trường phổ thông, đặc biệt các trường chuyên trong cả nước là một cái nôi rất tốt cho nguồn nhân lực giáo dục.

Tại sao các trường sư phạm không tự đến các trường phổ thông, trường chuyên…để giới thiệu về ngành nghề đào tạo sư phạm của mình cho học sinh lớp 12? Hoạt động giới thiệu và định hướng này hiện nay rất yếu.

Các em học sinh đều phải tự tìm hiểu, các trường sư phạm phải xuống các trường chuyên, các trường chất lượng cao để tuyển dụng và có thể thêm cơ chế về mặt học bổng để hấp dẫn các em theo học sư phạm".

Thầy Cường cho biết: "Hàng năm Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh có khá nhiều học sinh thi vào chuyên”. Ảnh: NVCC.

Thầy Cường cho biết: "Hàng năm Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh có khá nhiều học sinh thi vào chuyên”. Ảnh: NVCC.

Thầy Cường nêu quan điểm: "Tại sao các em học sinh đạt giải quốc gia rất nhiều nhưng không theo ngành sư phạm mà lại theo học các ngành nghề khác? Bởi sức hút của các ngành nghề khác rất lớn và tại sao trường sư phạm không có được điều đó? Việc này không thể đổ lỗi cho khách quan.

Nếu làm liên hoàn một chu trình khép kín từ trung học phổ thông có nguồn học sinh tốt vào theo học trường sư phạm, và trường sư phạm đó lại tiếp tục vòng quay đến các tỉnh có đặt hàng thì rõ ràng chúng ta có một vòng đào tạo tuyệt vời.

Khi sự cung cầu cân đối nhau, ví dụ tỉnh A trong vòng năm năm tôi có được sự tính toán về nguồn nhân lực giáo viên, và tỉnh đó cần 50 giáo viên theo yêu cầu thế này, thế kia.

Cứ đặt chung như vậy chứ không nhất thiết là phải nhận cả số giáo viên đó nhưng ít ra các sinh viên theo học cũng thấy được rằng sau khi ra trường thì chắc chắn thời điểm đó ở thành phố hay tỉnh của tôi là cần nguồn giáo viên như vậy.

Yếu tố chuyên môn là số một, đào tạo nguồn nhân lực mà điểm đầu vào của sinh viên lại thấp thì rõ ràng sẽ có hạn chế, từ đầu vào đến đầu ra mà hạn chế thì sau nay chất lượng sinh viên ra trường sẽ không cao.

Nhiều bất cập ở các góc độ và trong đó có việc tuyển dụng, có những trường tuyển dụng học sinh, ví dụ với 20 điểm đầu vào sư phạm Toán là tổng điểm ba môn.

Nhưng trong đó môn Toán lại chỉ được 3 điểm, còn 2 môn kia điểm rất cao, vậy sư phạm Toán mà điểm thi Toán đầu vào được 3 điểm là không đạt chất lượng, chưa sát với yêu cầu.

Trường đại học hiện nay đã được tự chủ để lựa chọn sinh viên thì cũng cần phải có tiêu chí đặc thù cho việc đó, ví dụ tuyển giáo viên Toán thì điểm Toán phải ưu tiên cao hơn những môn còn lại.

Rõ ràng giáo viên ra dạy toán thì phải có tiêu chí về Toán rất tốt, chứ thi Toán, Lý, Hóa mà điểm Lý Hóa lại cao trong khi điểm Toán quá thấp, bất cập ở chỗ đó. Đã là giáo viên thì trình độ chuyên môn phải tốt thì mới có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh được”.

Là nghề áp lực và nhiều rủi ro?

Thầy Cường chia sẻ: “Rủi ro và áp lực, khó trang trải cuộc sống, kinh tế không ổn định…là điều mà xã hội đã mặc nhiên công nhận với nghề giáo nói chung.

Điều quan trọng nhất là sự hiểu biết về đặc thù của nghề giáo vẫn chưa có sự lan tỏa để các em học sinh hiểu được rõ nếu muốn theo nghề giáo thì cần phải có tố chất gì, trong trường sư phạm sẽ được dạy những gì? Sau khi được học thì ra trường sẽ làm gì?

Chỉ đơn giản nghe một từ là làm giáo viên thì mọi người đã đóng khung trong đầu với một nghề nhiều thiệt thòi, đây là cách nghĩ truyền thống, rất cũ và đánh giá thấp về nghề.

Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo công nhân kỹ thuật đã đến các trường phổ thông nói chuyện với học sinh về các ngành nghề thì tôi nghĩ các trường sư phạm cũng nên như vậy.

Nếu các trường sư phạm nghĩ rằng sinh viên cần học thì vào trường, nghĩ như vậy thì hỏng và với cách đào tạo, tuyển sinh như hiện nay thì theo tôi trong tương lai gần sẽ có khủng hoảng nhân lực của ngành giáo dục.

Sẽ thừa những sinh viên sư phạm theo học cho có, thậm chí có những em không còn trường nào nhận thì mới vào sư phạm chứ không phải vì đam mê, rồi học xong ra trường các em lại làm việc khác chứ không theo nghề giáo.

Và chắc chắn sẽ thiếu các giáo viên trẻ có đam mê và năng lực thật sự, mất công đào tạo, hao tổn kinh tế mà thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu.

Giáo viên là người quyết định lớn nhất trong việc đổi mới giáo dục, họ sẽ là người hiểu và triển khai chương trình, nắm bắt tâm lý học sinh. Nếu như chúng ta không phát triển nguồn nhân lực là những giáo viên chất lượng cao thì việc đổi mới Giáo dục khó thành công”.

Tùng Dương