Trong bài 1- Vài vấn đề về của giáo dục đại học Việt Nam, tác giả đã đề cập đến vấn đề về Nguồn nhân lực và cơ chế tài chính đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam.
Ở bài này, tác giả tiếp tục đề cập đến Vấn đề tự chủ đại học và cơ chế "chủ quản" với các cơ sở giáo dục đại học.
Ảnh minh họa: Trường Đại học Tôn Đức Thắng |
Trong 9 chỉ số nhóm A mà OECD đưa ra, chỉ số A6 đặt vấn đề “Lợi ích thu được từ giáo dục là gì”, chỉ số A7 nói về “Các khuyến khích đầu tư vào giáo dục”.
Các chỉ tiêu trong mục A6 bao gồm:
1. Thu nhập tương đối của người lớn, theo trình độ học vấn ;
2. Thu nhập tương đối của lao động có trình độ đại học và tỷ trọng của họ trong dân số;
3. Tỷ lệ thu nhập giữa các sinh viên, theo độ tuổi ;
4. Thu nhập của sinh viên tính theo phần trăm thu nhập của những người không phải sinh viên, theo độ tuổi.
Rất tiếc ngay cả OECD khi nghiên cứu về lợi ích thu được từ giáo dục cũng chỉ nói đến lợi ích của người học chứ không phải lợi ích quốc gia hay cộng đồng.
Một khi đã xác định “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” thì phải tính đến “lãi” thu được sau mỗi chu kỳ đầu tư. Phải cụ thể hóa chiến lược đầu tư thành các tiêu chí, chẳng hạn:
1. Chu kỳ đầu tư (có thể trong vòng 10 - 20 năm);
2. Nguồn vốn đầu tư (bao gồm cả nhân lực và vật lực);
3. Đối tượng đầu tư (bao gồm cơ sở giáo dục và con người);
4. Định lượng lợi nhuận sau mỗi chu kỳ đầu tư;
5. Đánh giá chiến lược đầu tư sau mỗi chu kỳ ngắn (3-5 năm);
6. Luật hóa quy định “Đầu tư cho giáo dục”…
Sẽ là không thừa nếu đặt câu hỏi chủ trương “Tự chủ đại học” hiện nay có mâu thuẫn với định hướng chiến lược “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”? Đây có thể là điểm nghẽn không phải về chủ trương, chính sách mà là tư duy quản trị trong hệ thống hành pháp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Nhã - Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, nếu muốn tính hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục thì quan trọng nhất là xem phân bổ ngân sách đã hợp lý chưa. Quốc hội phân bổ ngân sách cho giáo dục theo đầu dân còn các địa phương lại phân bổ ngân sách theo đầu học sinh. Điều này là bất cập, cần phải nghiên cứu”. [17]
Bám lấy “đầu tư” hoặc một số “biến hình” của đầu tư để đảm bảo quyền “chủ quản” đang là một thực tế. Đầu tư ít tốn kém nhất, nhưng lại bảo vệ quyền chủ quản tốt nhất là đầu tư “nhân sự” thông qua quyền bổ nhiệm hoặc công nhận lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học.
Câu chuyện Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một ví dụ, trong nhiều năm, đại học này hoạt động theo cơ chế tự chủ, không tiếp nhận ngân sách nhà nước, tuy nhiên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dựa vào một văn bản của Bộ Nội vụ vẫn quyết định cách chức Hiệu trưởng trưởng này với những lý do được dư luận cho là thiếu thuyết phục.
Phải chăng “tự chủ đại học” ở Việt Nam đang là câu chuyện nửa vời do pháp luật chưa hoàn chính hoặc do không ít “chủ quản” sợ mất quyền lợi?
Nội dung chính của “Tự chủ đại học” của Việt Nam là gì?
Sau khi ban hành Nghị quyết 29 (năm 2013) đến năm 2017 Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị quyết 19). Định hướng quan trọng nhất trong Nghị quyết này là “Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên, thực hiện quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp”.
Nghị quyết 19 được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) ban hành năm 2018, có hiệu lực từ 01/07/2019 và thật đáng tiếc đọc từ đầu đến cuối luật này chỉ tìm thấy đoạn “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định của pháp luật” mà không hề tìm thấy cụm từ “Mô hình doanh nghiệp”.
Khoản 7 điều 32 Luật số 34/2018/QH14 ghi: “Chính phủ quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học”. Tìm tiếp trong Nghị định số 99/2019/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học” ban hành tháng 12/2019 cũng không thấy cụm từ “Mô hình doanh nghiệp”.
Bảy năm trước trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Trung ương đã chỉ rõ: “Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" còn chậm và lúng túng. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội”.
Vậy tình trạng “chậm và lúng túng” của các cơ quan có trách nhiệm (lập pháp và hành pháp) sẽ kéo dài đến bao giờ?
Trở lại vấn đề “mô hình doanh nghiệp” đề cập trong Nghị quyết 19 là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân?
Cho đến nay chuyện làm ăn thất bát của hàng loạt doanh nghiệp nhà nước cho thấy mô hình mà chúng ta đã áp dụng (theo kiểu Hàn Quốc) có hàng loạt vấn đề, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo các doanh nghiệp này.
Riêng với giáo dục đại học Nghị quyết 19 nêu rõ: “Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang”. Nghị quyết này được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) ban hành năm 2018, (Luật số: 34/2018/QH14) có hiệu lực từ 01/07/2019, theo đó có 3 quyền tự chủ được đề cập tại điều 32:
- Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn;
- Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự;
- Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản.
Tuy nhiên theo ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban, Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - thì “Ở nước ta hiện nay, tự chủ đại học về cơ bản vẫn là tự chủ học thuật, chuyên môn. Với vấn đề về tài chính tài sản, tổ chức nhân sự.,... vẫn còn nhiều vướng mắc”.
Không khó nhận thấy biểu hiện cụ thể của những “vướng mắc” mà ông Phạm Tất Thắng đề cập.
Một đội bóng địa phương trả lương cho huấn luyện viên cỡ 600, 700 triệu đồng một tháng là bình thường nhưng lương Hiệu trưởng một đại học tự chủ hoàn toàn kinh phí khoảng 400 triệu đồng/tháng lập tức nổi lên những tiếng ì xèo không chỉ trên truyền thông mà ngay trong một số cơ quan quản lý nhà nước.
Để các cơ sở giáo dục đại học “tự chủ” đúng nghĩa thì phải xây dựng cơ sở pháp lý hoàn chỉnh. Vậy Việt Nam đã có “cơ sở pháp lý hoàn chỉnh” cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng?
Thứ nhất, cả ba đạo luật liên quan đến giáo dục đại học (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học), những văn bản dưới luật (Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng hay Thông tư của bộ) hầu như không đề cập đến hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo “Mô hình doanh nghiệp” theo tinh thần Nghị quyết 19 cho dù nghị quyết này ra đời đã được ba năm.
Thứ hai, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học phải tham chiếu quá nhiều đạo luật. Ngoài ba luật chính về giáo dục nêu trên, còn phải tham chiếu Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức; Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Luật Xử lý vi phạm hành chính,...
Chỉ một câu hỏi “Lãnh đạo đại học công lập là công chức hay viên chức?” cũng đã gây nhiều tranh luận cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. [18]
Thứ ba, hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục nếu theo “Mô hình doanh nghiệp” thì có phải là “kinh doanh giáo dục”?
Đã là doanh nghiệp thì kinh doanh phải thu được lợi nhuận, trừ trường hợp nhà đầu tư (nhà nước hoặc tư nhân) tự nguyện chấp nhận mô hình “phi lợi nhuận”.
Ngoài giáo dục, các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có đơn vị nào hoạt động “phi lợi nhuận”?
Thứ tư, nếu chấp nhận tồn tại hoạt động “kinh doanh giáo dục” thì có thể áp dụng cơ chế “Trọng tài” như “trọng tài thương mại” trong các vụ tranh chấp như vụ xảy ra tại Đại học Tôn Đức Thắng?
Thứ năm, việc minh bạch các hoạt động chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
Báo Thanhnien.vn trích dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam:
“Phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; không mị dân... Không phải không có tình trạng mị dân đâu. Nói một chiều cũng không được”. [19]
Xin được góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tài liệu tham khảo:
[13] dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-duc-dai-hoc-viet-nam-10-nam-toi-chi-nen-de-toi-da-150-dai-hoc
[14] http://thcskkn2.edu.vn/tin-tuc/thong-ke-/thong-ke-toan-nganh-giao-duc-tu-nam-hoc-1999-2000-den-nam-hoc-2010-2011-302.html
[15] http://thcskkn2.edu.vn/tin-tuc/thong-ke-/so-lieu-thong-ke-gd&dt-nam-2012-305.html
[16] https://moet.gov.vn/ttbt/Pages/lich-su-truyen-thong-bo-giao-duc.aspx?ItemID=3932
[17] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/20-ngan-sach-chi-cho-nganh-giao-duc-da-di-dau-394945.html
[18] https://thanhnien.vn/giao-duc/can-cu-ky-luat-ong-le-vinh-danh-la-luat-can-bo-cong-chuc-hay-vien-chuc-1303072.html
[19] https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-doan-ket-lam-nen-suc-manh-vo-dich-cua-dan-toc-1306252.html
[20] http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=47293
[21]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ngan-sach-danh-cho-giao-duc-duoc-su-dung-ra-sao-831947.vov