Dù đã có luật nhưng vẫn có người hỏi Hiệu trưởng to hay Hội đồng trường to?

28/11/2020 07:51
Thùy Linh
GDVN- Hiện bản thân một số hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên hội đồng trường.

Tại Hội thảo Giáo dục 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” ngày 27/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đúng về vai trò, vị trí, quyền hạn của hội đồng trường.

Nhìn lại hành trình tự chủ đại học, Phó Thủ tướng cho rằng: "Trong thời gian vừa qua, đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ có thể nói là bước chuyển mà tôi đã cùng với giáo sư Trần Hồng Quân và các chuyên gia ở Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vẫn nói rằng mang tính lịch sử".

Phó Thủ tướng cảm ơn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng, quá trình tự chủ đại học được bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thành lập hai Đại học quốc gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, “hồn cốt” không phải là có trường to mà với tinh thần tự chủ đại học.

Vì vậy, hai trường này thành lập theo nghị định của Chính phủ và có dấu mang hình quốc huy. Sau đó, khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của giáo dục đại học thế giới được đưa vào lần đầu ở Luật Giáo dục năm 1998. Năm 2004, Chính phủ đã có chỉ đạo thí điểm tự chủ đại học nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề tài chính.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến dấu mốc năm 2004, Chính phủ đã quyết định thí điểm tự chủ đại học 4 trường. Lúc đó, nói đến tự chủ đại học chúng ta nghĩ ngay đến tự chủ tiền - Nhà nước không đầu tư. Cho nên vật lộn 10 năm vẫn không ra được kết quả.

Đến năm 2014, lúc đó chúng ta mới bàn nhau có nhận thức rằng, "hồn cốt" của tự chủ đại học không phải là tự chủ tài chính mà là "tự chủ chuyên môn".

Và muốn tự chủ chuyên môn được phải có tự chủ nhất định về tài chính và bộ máy nhân lực. Từ đó, cơ quan chủ trì việc thí điểm tự chủ này chuyển từ Bộ Tài chính và trong Thường trực Chính phủ chuyển từ Phó Thủ tướng phụ trách tài chính sang Bộ Giáo dục và Đào tạo và Phó Thủ tướng phụ trách về giáo dục. Đó là quá trình nhận thức mất 10 năm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo (ảnh: Phạm Minh)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo (ảnh: Phạm Minh)

Trước khi có đề án thí điểm, các dự án của Ngân hàng thế giới tài trợ, thời đồng chí Nguyễn Thiện Nhân rất tâm huyết xây dựng các trường đại học xuất sắc, trong đó đầu tiên là trường Đại học Việt Đức, Đại học Việt Pháp, sau này là Đại học Việt Nhật. Trường Việt Đức là do World Bank tài trợ, mục đích không chỉ là lấy 200 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng châu Á để xây hai khu đại học mà mục đích là xây dựng mô hình quản trị đại học theo hướng tự chủ.

Chính những mô hình đó cộng với mô hình trong nước, ví dụ trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Đại học Duy Tân… và sự nỗ lực của một số trường công lập như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta mới hình thành nên Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, ban hành năm 2014 (ngày 24/210/2014) về thực hiện thí điểm tự chủ đại học.

Mặc dù nghị quyết đấy mới được thực hiện nhưng ngay từ đầu chúng ta đã nói, con đường đi này là con đường một chiều - không có quay lại và rất nhanh, chúng ta đã lan tỏa ra trong cộng đồng các trường đại học, toàn xã hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và chúng ta đã có một Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018. Thực ra sửa đổi lớn nhất là để luật hóa tinh thần tự chủ đại học.

"Đến ngày hôm nay, đã là một bước tiến rất rất dài. Từ những ngày đầu tiên, chúng ta không nghĩ được rằng chỉ 5-6 năm chúng ta sẽ có một Luật như thế này.

Lúc bắt đầu thực hiện đổi mới giáo dục theo nghị quyết Trung ương năm 2014 chúng ta có nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về đại học và chỉ mong có 1 trường xếp trong top 1000 của thế giới. Bây giờ, cả luật pháp, nhận thức, thực tiễn và chất lượng giáo dục đại học có một bước tiến rất lớn.

Ngày hôm nay, chúng ta không chỉ có 1 trường mà có nhiều trường được xếp hạng. Theo QS, năm vừa rồi chúng ta có thêm 3 trường được xếp hạng, ngoài các trường truyền thống từ trước đến nay. Đây là một bước tiến rất dài", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tại hội thảo Phó Thủ tướng nói: "Trước hết, tôi phải gửi lời cảm ơn đầu tiên với các cơ sở giáo dục đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và toàn xã hội, các cơ quan nhà nước chúng ta cùng nhau để giáo dục đại học có một bước tiến rất dài và đúng hướng. Đây là điều vô cùng quan trọng. Dù vậy, chúng ta không thể hài lòng.

Nếu tạm thời phân chia hệ thống giáo dục thành giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thì giáo dục phổ thông là giỏi nhất vì như Ngân hàng thế giới xếp hạng là đứng đầu khu vực và tiếp cận với các nước OECD.

Giáo dục đại học của chúng ta, từ trước đổi mới là đứng ngoài bảng xếp hạng (ngoài top 100) thì nay đứng khoảng 70. Giáo dục nghề nghiệp trước đây cũng không được xếp hạng thì nay đứng khoảng 90, tùy cách thức xếp hạng. Nghĩa là dù có bước dịch chuyển nhưng chúng ta không thể hài lòng được".

5 điểm cốt lõi của tự chủ đại học

Theo Phó Thủ tướng Đam, đổi mới là một quá trình, bàn rồi đặt ra nhưng khi đúng hướng rồi thì chúng ta tiếp tục. Những phát biểu của các đại biểu đều chung một nhận thức rằng, chúng ta mới thực hiện đổi mới giáo dục đại học được một bước và trước mắt còn cả quá trình dài.

Theo đó, chúng ta thống nhất 5 điểm sau:

Thứ nhất, tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn, phương Tây còn gọi là học thuật. Ở đó, phải có một mô hình quản trị tiên tiến để lan ra toàn xã hội, nâng cao tính dân chủ, tính khoa học.

Thứ hai, tự chủ phải gắn với giải trình. Giải trình ở đây là giải trình với toàn xã hội bao gồm học sinh sinh viên, đến cán bộ nhà trường, đến phụ huynh rồi đến toàn xã hội… chứ không phải chỉ giải trình với cơ quan Nhà nước.

Thứ ba, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa. Chúng ta không nên nghĩ đơn giản một chiều. Thực tế, các trường thực hiện tự chủ thì Nhà nước vẫn rót thêm tiền để đầu tư vào các trường.

Chính phủ đã, đang chỉ đạo rất mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, quyết liệt hơn trong xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo bằng ngân sách.

Thứ tư, Chính phủ xác định rất rõ, cái này cũng là xu thế thế giới, tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý Nhà nước. Trường đại học muốn xây một cái nhà cũng vẫn phải tuân thủ các quy định của ngành Xây dựng, quy định của ngành Công An về phòng cháy chữa cháy. Vẫn quản lý Nhà nước và bằng pháp luật.

Thứ năm, tự chủ nhưng không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo và đối trượng trong diện chính sách. Chúng ta phải làm tốt hơn nữa. Hiện tại, cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng còn chậm.

Ví dụ, Nhà nước khuyến khích và cấp tiền cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học, trước thì rót khoản tiền này về cho trường, nay có thể cấp qua học bổng. Hoặc Nhà nước muốn phát triển một ngành nghề cụ thể nào đó thì đặt hàng cho các trường đào tạo.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, cái vướng về quản lý nhà nước về chuyên ngành giáo dục thì không còn nhiều nhưng chúng ta có hai cái vướng cơ bản. Cái vướng thứ nhất về mặt quản lý nhà nước, chủ yếu liên quan đến viên chức, ngạch, tiền lương bên Bộ Nội vụ và cái vướng về ngân sách đầu tư, đặt hàng từ bên ngành Tài chính và đầu tư.

Còn cái thứ hai cần chuyển đổi rất mạnh là chủ sở hữu. Trước đây, cơ quan cấp trên là cơ quan chủ quản can thiệp trực tiếp vào quá nhiều thì bây giờ quyền lực đấy phải chuyển dần, bản chất có sự sắp xếp và dịch chuyển quyền lực từ cơ quan chủ quản là chính sang hội đồng trường và cơ quan đại diện cho chủ sở hữu.

Dịch chuyển quyền lực một phần từ cơ quan quản lý Nhà nước, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Hội đồng trường và dịch chuyển một phần quyền từ Hiệu trưởng và Ban giám hiệu sang hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ chế hoạt động tập thể, bao giờ cũng phải tạo được sự đồng thuận thì mới ngăn chặn được những thứ cực đoan sai phạm do thói quen, nếu không có cơ quan tập thể thì dễ bị sai phạm.

Việt Nam và một số nước có điều kiện tương đương, ngoài 5 điểm chung thì điểm chủ sở hữu này rất đáng lưu tâm. Từ đầu, chúng ta có đại học dân lập rồi bán công rồi sang tư thục rồi trường công lập thì chủ sở hữu này phải lưu ý.

Đã xuất hiện tình trạng một số trường, một công ty, một ông chủ đầu tư vào như một nhóm người đầu tư thì coi trường đó là sở hữu của họ và họ quyết hết. Đó là điều không đúng. Về lâu dài, đó phải là sở hữu của toàn xã hội chứ không phải vì tôi bỏ tiền vào mà tôi quyết nay đóng cái này, mai mở cái kia.

Cũng theo Phó Thủ tướng, để triển khai thiết thực tự chủ đại học thì có hai việc rất quan trọng. Thứ nhất, phải có hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Muốn vậy, phải có dịch chuyển quyền lực và đây là hội đồng hoạt động tập thể.

Về mối quan hệ giữa hội đồng trường và đảng ủy, chúng ta cũng đã quy định rất rõ ràng, không thể tách rời điều kiện của đất nước hiện nay. Chủ tịch hội đồng trường sẽ kiêm bí thư đảng ủy để gắn kết hai cơ quan trong việc cho ý kiến về các vấn đề, định hướng lớn trong phát triển của trường đại học; thực hiện việc giám sát.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý, để triển khai, các trường phải có hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Việc dịch chuyển quyền lực này hiện có nhiều nơi chưa làm được do chưa thông trong chính các trường, chủ yếu do nhận thức của đội ngũ lãnh đạo.

"Bản thân một số hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên hội đồng trường, vẫn muốn tôi làm hiệu trưởng thì tôi là to nhất trong trường. Luật ra đến bây giờ vẫn có đồng chí hỏi: Hiệu trưởng to hay Hội đồng trường to?", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Từ ví dụ về câu chuyện phân quyền quyết định dự án đầu tư, tuyển dụng nhân lực, đề bạt cán bộ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng, ban giám hiệu, Phó Thủ tướng cho rằng “luật không cấm, các đồng chí hoàn toàn tự quyết trên cơ sở bàn bạc, thống nhất, quyết định tập thể”.

“Các trường cần phải xem xét kỹ quy định về hội đồng trường với đầy đủ thành phần của giáo viên, sinh viên, công đoàn, chủ sở hữu… Mô hình hội đồng trường hiện nay thể hiện tư duy chúng ta không học tập, sao chép bất kỳ mô hình của nước nào nhưng phù hợp với xu thế thế giới và điều kiện trong nước”, Phó Thủ tướng nói.

Trước sự lúng túng, chậm trễ của nhiều trường trong xây dựng bộ quy chế hoạt động với lý do chờ ban hành quy chế mẫu, Phó Thủ tướng khẳng định “luật không quy định như vậy”. Hiện tại, đã có những trường như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân… xây dựng bộ quy chế hoạt động và công khai, các trường khác có thể tham khảo. Đây là vấn đề nhận thức của các trường.

Việc xây dựng bộ quy chế hoạt động trong trường đại học một cách đầy đủ, hết sức chi tiết từ nhân sự, tài chính, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật… giống như “một bộ luật của trường” là vô cùng quan trọng.

Quá trình xây dựng, soạn thảo các quy chế phải lấy ý kiến trong toàn bộ sinh viên, giáo viên, cán bộ, người lao động trong nhà trường, thậm chí công khai cho xã hội góp ý. Sau đó, hội đồng trường thông qua để thành một “bộ luật” của nhà trường.

“Bộ luật” này phải rất chi tiết, phù hợp với pháp luật, được công khai để sinh viên, giáo viên, người lao động trong trường, và người dân quan tâm có thể giám sát.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ luôn trân trọng tất cả các ý kiến góp ý và xác định công cuộc đổi mới giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục đại học là một việc rất dài hơi, liên tục. Trong quá trình đó, luôn luôn có sự cọ xát và khi có những ý kiến khác nhau thì chúng ta cùng bày tỏ trên một tinh thần cầu thị.

Chính phủ sẽ chắt lọc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều chỉnh về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.

Những vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cần có sự chuẩn bị rất kỹ cả về nội dung, thời gian và các bước thực hiện, đánh giá tác động, còn đối với những vấn đề dưới luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo tinh thần khuyến khích, thúc đẩy tự chủ đại học, đẩy nhanh việc điều chỉnh, sửa đổi những bất cập, hạn chế trong các văn bản dưới luật.

Thùy Linh