Câu chuyện “Vợ chồng tôi không hướng được con nối nghiệp” đã được bạn đọc quan tâm, bình luận.
Tại sao con giáo viên thường ít nối nghiệp bố mẹ được giải thích trong bài viết “Con em giáo viên chưa mặn mà với việc nối nghiệp vì cơ hội việc làm, thu nhập?”, nguyên nhân cơ bản chính là “Con cái giáo viên đã được trải nghiệm đầy đủ cung bậc vui, buồn của nghề giáo, minh chứng là bố mẹ mình từ khi ... lọt lòng".
Khi đã hiểu rõ một nghề, biết rõ điểm mạnh, điểm yếu, năng lực của bản thân, ước mơ của mình, sự chọn lựa sẽ không còn cảm tính nữa, sự chọn lựa sẽ chính xác.
Chúng ta không thể chọn một nghề mà nhu cầu của xã hội thấp, khó có thể xin việc làm, thu nhập của nghề không đủ sống.
(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến) |
Miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, học sinh giỏi có chọn sư phạm không?
Để trả lời câu hỏi này, mời bạn đọc nghe chia sẻ của Phó giáo sư - Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương:
“Theo tôi, cùng với chính sách miễn học phí, chính sách hỗ trợ 3 triệu sáu trăm nghìn đồng sinh hoạt phí có đóng góp cho việc thu hút học sinh vào sư phạm.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay tuyển được hơn 5000 thí sinh, các thầy rất phấn khởi.
Nhưng đó không phải gốc gác vấn đề, quan trọng là đầu ra có xin được việc làm hay không, chế độ đãi ngộ thế nào.
Tôi biết nhiều học sinh giỏi có giải quốc gia nhưng không vào sư phạm mà chọn trường đại học Ngoại thương, đại học Kinh tế quốc dân.
Đáng ra giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Sử, môn Văn thì phải vào sư phạm Sử, sư phạm Văn nhưng các em không vào mà đi học trường khác.
Đầu ra, chế độ đãi ngộ và kèm theo nhiều chính sách tôn vinh của Đảng và Nhà nước, sự tôn vinh của xã hội chứ hỗ trợ dù rất tốt cũng không phải là vấn đề căn cơ của đầu vào sư phạm”.[1]
Học sinh giỏi vào sư phạm có sợ thất nghiệp?
Câu chuyện “Thủ khoa sư phạm về nhà nuôi heo” từng làm dư luận dậy sóng một thời, đã phản ánh hiện thực nhu cầu nhân lực nghề sư phạm ở nước ta hiện nay đang ở mức rất thấp so với lượng sinh viên tốt nghiệp.
Mới đây Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài “Từ chối Đại học Y, Kinh tế, 2 học sinh giỏi quốc gia chọn học ngành sư phạm”.
Trước đó 2 em Hà Huy Công và Dương Quỳnh Châu từng có đơn gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.
Nội dung phúc đáp lá đơn em Hà Huy Công của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã làm các em yên tâm phần nào nỗi lo thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Thư phúc đáp của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nêu rõ “Học sinh đạt học sinh giỏi Quốc gia từ giải khuyến khích trở lên, đăng ký đi ngành sư phạm cùng môn đạt giải, cam kết trở về tỉnh công tác, có kết quả học tập ở bậc đại học các trường trọng điểm loại giỏi trở lên được bố trí giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, các trường Trung học phổ thông tỉnh Nghệ An khi có nhu cầu và được hỗ trợ một lần ban đầu bằng 60 lần mức lương cơ sở tại thời điểm bố trí công tác”. [2]
Có đam mê, có năng lực có dễ xin việc ở các trường tư?
Người viết đã phỏng vấn một hiệu trưởng trường trung học phổ thông ngoài công lập (đề nghị không nêu tên) tại Thành phố Hồ Chí Minh, thầy cho biết:
“Tình trạng tuyển giáo viên trong trường dân lập tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng giống trường công lập, giáo viên dạy môn Anh văn là khó tuyển nhất. Nhiều khi không có giáo viên dự tuyển.
Còn các môn khác thì tuyển rất ít, trừ khi có giáo viên nghỉ hưu, bỏ việc, nhảy việc”.
Như vậy, có đam mê, có năng lực nhưng không phải là giáo viên dạy môn mà nhu cầu xã hội cần cũng có thể “về nhà chăn lợn”.
Đại kế của giáo dục phải lấy người thầy làm gốc. Trước đây vai trò người thầy chủ yếu truyền thụ kiến thức, hiện nay giáo dục đặt trọng tâm quan trọng vào việc phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh, nên người thầy có vai trò mới.
Vì vậy chính người thầy phải là người có năng lực phẩm chất trước tiên. Có năng lực phẩm chất mới tổ chức, điều hành, cố vấn trong hoạt động dạy học tốt được.
Để chọn được người có năng lực phẩm chất, ngoài miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí còn phải đảm bảo việc làm cho họ sau khi đào tạo.
Quan trọng nhất là cần có chế độ thỏa đáng cho giáo viên, giáo viên sống được bằng lương của nghề sẽ tận tâm, tận lực cống hiến cho nghề.
Người thầy tận tâm chất lượng giáo dục sẽ nâng lên, đó là đòn bẩy đơn giản nhất, lâu bền nhất để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/dai-ke-giao-duc-nguoi-thay-la-goc-819373.vov
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-choi-dai-hoc-y-kinh-te-2-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-chon-hoc-nganh-su-pham-post212487.gd