Thủ tướng đề nghị ngành y tế cải cách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi

03/12/2020 06:26
Trần Phương
GDVN- Cần sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 2/12, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, kết luận tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 sáng kiến và chỉ đạo các ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện ngay.

Theo đó, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến 3 sáng kiến.

Thứ nhất, Thủ tướng đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đề án, chính sách cụ thể để triển khai, “giống thế nào, trồng cây rễ sâu thay cho cây rễ cạn như thế nào, trồng cây gỗ lớn ra sao?” để vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.

Thứ hai, kích cầu tiêu dùng nội địa bằng sáng kiến mới là đưa hàng nông thôn lên thành thị, phải đưa sản phẩm của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị, để chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn.

Thứ ba, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ - Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: LC

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ - Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: LC

Cũng thông tin tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, kết quả kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, tiêu biểu như số doanh nghiệp đăng ký mới tăng trở lại; nhập khẩu nguyên liệu của doanh nghiệp chiếm tới 93% tổng kim ngạch nhập khẩu...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan trước dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; nhằm tạo đà tích cực bước vào năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức, chung lòng kiên trì, kiên quyết thực hiện các mục tiêu đã đề ra; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển, trong đó bảo đảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2020 đạt 2,5-3%.

Thông tin từ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 11 vừa qua, chúng ta tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của các cơn bão đã đổ bộ vào nước ta; chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân, tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích... Thủ tướng, Phó Thủ tướng trực tiếp đến các vùng bị ảnh hưởng xem xét, chỉ đạo xử lý.

Đã xuất cấp gần 16.000 tấn gạo và gần 1.300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh mà chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa trong thời gian tới, như: giáo dục (sách giáo khoa tiểu học mới vẫn chưa thực sự được hoàn thiện); y tế (dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng tiếp tục có chiều hướng gia tăng); an ninh trật tự diễn biến phức tạp (buôn bán ma túy; tội phạm có tổ chức...); an toàn giao thông (vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng).

Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; kiên quyết không lùi bước trước dịch bệnh, khó khăn, thách thức; phải biến "nguy cơ" thành "thời cơ" phát triển; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.

Nhiệm vụ đặt ra cho những ngày còn lại của năm 2020 là rất nặng nề, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao độ, nỗ lực, phấn đấu làm tốt hơn nữa. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19; sát sao trong chỉ đạo điều hành thực hiện mục tiêu kép; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách hiệu quả, khả thi cả trong ngắn hạn, trung hạn, phù hợp với diễn biến, tình hình về dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới.

Trần Phương