10 ngày để giáo viên góp ý sách giáo khoa không công, xin chớ làm cho qua chuyện

05/12/2020 06:34
Sơn Quang Huyến
GDVN- Không thể để chất lượng sách giáo khoa không có người chịu trách nhiệm, không thể “đẽo cày giữa đường” với nội dung sách giáo khoa.

Ngày 30/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tổ chức góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo chương trình mới.

Có thể nói đây là hành động rất cầu thị, chưa có tiền lệ của ngành Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng trong đó vẫn còn đó những lo lắng mà thực tế cuộc sống đã xảy ra.

Thứ nhất, vai trò của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ở đâu? Tại sao không để Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chịu trách nhiệm hoàn toàn trước nội dung sách giáo khoa được duyệt?

Thứ hai, đợt 1 góp ý tổ chức quá ngắn, từ khi triển khai đến khi nộp bản báo cáo chỉ có khoảng 10 ngày. Trong thời gian đó giáo viên vừa dạy học vừa đọc sách để góp ý, liệu có đảm bảo chất lượng?

Thứ ba, giáo viên góp ý nhưng nhưng không phải chịu trách nhiệm nội dung, liệu góp ý đó có đảm bảo tính khoa học?

Thứ tư, nếu giáo viên không muốn làm, không muốn góp ý, có cơ chế nào bắt buộc họ làm không?

Có nên mời giáo viên góp ý sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 không? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Có nên mời giáo viên góp ý sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 không? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Thứ năm, giáo viên tham gia góp ý có chế độ không? Chế độ như thế nào? Ai chi trả chế độ này? Nếu nhà xuất bản chi trả có tính vào giá thành sách giáo khoa không? Nếu nhà nước chi trả, tại sao xã hội hóa sách giáo khoa rồi, nhà nước lại phải chi trả khoản này?

Thứ sáu, nếu sau khi góp ý nhưng sách giáo khoa vẫn còn “sạn” ai phải chịu trách nhiệm? Hội đồng thẩm định, nhà xuất bản hay những giáo viên góp ý phải chịu trách nhiệm?

Thứ bảy, những góp ý của giáo viên đúng nhưng nhà xuất bản không sửa, sau khi phát hành sách vẫn còn “sạn” dù đã được chỉ ra, lúc này sách giáo khoa đó có bị hủy không?

Thứ tám, nhuận bút của tác giả viết sách có bị giảm để giảm giá thành sách giáo khoa không? Chi phí cho Hội đồng thẩm định có bị giảm không khi phải huy động nguồn lực xã hội cho việc thảm định sách giáo khoa?

Thứ chín, sau khi góp ý thành công sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 có cần duy trì Hội đồng thẩm định sách giáo khoa như hiện nay?

Thực tế từ trước đến nay giáo viên đang dạy rất khó góp ý sách giáo khoa, phần vì họ không “chuyên nghiệp”, không được đào tạo để phản biện, phần vì chưa nắm được chương trình, ngay sách giáo khoa năm 2000 sai sót đến nay vẫn tồn tại.

Ngay “sạn” trong bộ sách lớp 1 vừa qua phần lớn do dư luận phản ánh. Minh chứng cho việc này đó là “Cần Thơ: Chưa nhận được phản ánh nào về sách Cánh Diều: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho biết qua 3 tháng triển khai, đến nay Sở chưa nhận được phản ánh, khó khăn nào về việc dạy và học sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều”.[1]

Vì vậy, tôi đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tin tưởng Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, giao cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quyền đi đôi với trách nhiệm, đồng thời có đãi ngộ xứng đáng, đảm bảo Hội đồng thẩm định sách giáo khoa làm việc vô tư, khách quan không bị chi phối bất cứ ai.

Nếu để xảy ra sai sót trong thẩm định sách giáo khoa, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu thành viên nào của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cảm thấy không đáp ứng được công việc thì xin nghỉ.

Khi quyền lợi đãi ngộ xứng đáng đi đôi với trách nhiệm Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chắc chắn sẽ làm việc tốt.

Không thể để chất lượng sách giáo khoa không có người chịu trách nhiệm, không thể “đẽo cày giữa đường” với nội dung sách giáo khoa.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về tác giả và nhà xuất bản, nếu sách giáo khoa nhiều “sạn” nên thu hồi, hủy bỏ, bồi thường, có như thế tác giả và nhà xuất bản mới coi trọng chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, mọi góp ý nếu có chỉ mang tính tham khảo, có như thế sách giáo khoa mới đảm bảo chất lượng.

Tài liệu tham khảo:

https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/can-tho-chua-nhan-duoc-phan-anh-nao-ve-sach-canh-dieu-953663.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Sơn Quang Huyến