LTS: Để tiếp cận với những thay đổi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tứ Thành (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng để đại học Việt Nam phát triển cần đổi mới tư duy.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 24/6/2019, tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “xử lý các vấn đề mới trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống” [1].
Tiếp đến, ngày 28/12/2019, Thủ tướng đã nhấn mạnh: "Tổ quốc có phát triển mạnh mẽ hay không là ở việc áp dụng công nghệ” [2].
Với lợi thế trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam muốn phát triển phải “vượt ra ngoài tư duy truyền thống” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta phải nghĩ đến toàn cầu hóa, phải thay đổi từ tư duy trong “ao làng” sang tư duy trong “biển lớn”.
Trong bài viết này xin mạn phép đón đầu trình bày 4 đổi mới tư duy giáo dục đại học Việt Nam trong “biển lớn” trên nền tảng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
1. Đổi mới tư duy “rừng vàng biển bạc” sang tư duy “mặt tiền”
Theo tư duy truyền thống trong “ao làng”, trước đây, chúng ta tự hào vì có “rừng vàng biển bạc” thì nay trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam có quyền tự hào về vị thế thượng phong so với các quốc gia khác.
Thật vậy, trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thế giới chỉ là ngôi nhà, Việt Nam là “mặt tiền” của ngôi nhà đó.
Trên nền tảng hạ tầng của công nghệ thông tin toàn cầu thời Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mọi đường đi của thông tin trên thế giới đều đi qua một cái HUB (Bộ chia mạng hay là cổng giao dịch) “mặt tiền” Việt Nam.
Đây là một lợi thế tuyệt vời của Việt Nam mà không có quốc gia nào trên thế giới có được khi bước vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vì vậy trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam là nơi trung tâm mới trong 4.0. Việt Nam cần khai thác lợi thế này để phát triển.
Về địa lý không gian toàn cầu, giữa các quốc gia là các đường biên giới, nên khi chưa có internet, muốn đi từ nước này đến nước khác phải có hộ chiếu.
Muốn chuyển thông tin ấn phẩm từ nước này qua nước khác phải thông qua đủ các cơ quan từ trung ương đến cửa khẩu.
Còn khi đi vào 4.0, nhờ kết nối internet, cả thế giới, mọi quốc gia trở thành ngôi nhà nhỏ, mọi thông tin thế giới trong lòng bàn tay.
Chỉ cần bấm nút con chuột trên máy tính tất cả các thông tin cần chuyển sẽ được đến bất cứ đâu trên thế giới.
Nhờ công nghệ OTT (Over-The-Top, dịch vụ gia tăng trên nền internet) phủ sóng toàn cầu, chỉ cần livestream bài giảng của một giáo sư Việt Nam uyên bác và đưa lên internet, mọi sinh viên trên toàn thế giới sẽ được nghe và tương tác với bài giảng của giáo sư.
Nếu muốn kinh doanh giáo dục đại học, mọi sinh viên trên thế giới muốn tham gia vào lớp học chỉ nộp 1 USD, nếu bài giảng của giáo sư uyên bác có 1 triệu sinh viên trên thế giới bấm nút tham dự, giáo sư đó sẽ thu được 1 triệu USD!
Điều này không phải là giấc mơ mà hoàn toàn khả thi trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi Việt Nam là “mặt tiền” của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chúng ta cần thay đổi tư duy giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (Ảnh minh họa: hvcsnd.edu.vn) |
2. Đổi mới tư duy xây dựng khuôn viên đại học chuyển đổi số
Theo tư duy truyền thống trong “ao làng”, “tiền nào của ấy” chuyển sang “tư duy nào của cải ấy”.
Thật vậy, thực tế nhiều công ty công nghệ nước ngoài đã “đổ bộ” vào khai thác ở Việt Nam như Uber - công ty taxi lớn nhất thế giới nhưng không có xe taxi nào, Airbnb - công ty khách sạn lớn nhất thế giới nhưng không một khách sạn nào v.v...
Các công ty này hoàn toàn dựa vào công nghệ và hạ tầng công nghệ thông tin của chính Việt Nam để kinh doanh thu tiền người Việt Nam.
Uber grab, Airbnb… là bài học để hình thành Uber giáo dục đại học Việt Nam. Với Uber grab, người thuê xe chỉ kết nối với các tài xế gần nơi người thuê xe, còn Uber giáo dục hướng đến người học ở Việt Nam được tiếp cận với cơ sở giáo dục đại học tương thích ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Nhờ công nghệ AI, điện toán đám mây, trường học là một hệ sinh thái học tập “trên mây” (mạng internet).
Nhờ công nghệ IOT, nên mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng.
Lúc đó giờ học không cố định ở tại những tòa nhà đắt tiền, người học không cần đến lớp mà chỉ cần có điện thoại kết nối internet là có thể theo dõi được bài giảng.
Lớp học truyền thống (phấn trắng bảng đen), chỉ là một thành tố trong hệ sinh thái học tập, nó không phải là không gian học tập duy nhất và lớp học truyền thống chỉ có ý nghĩa truyền thụ kiến thức cho người học khi được kết nối với các thành tố khác.
Với tư duy giáo dục trong “biển lớn”, đại học Việt Nam sẽ gia nhập vào siêu đại học toàn cầu trong hệ thống Uber giáo dục, khi đó thay vì đầu tư xây dựng các tòa nhà cao tầng trong trường học, thì chuyển sang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin trường học, tăng tốc độ dường truyển, mở rộng băng thông… nhằm phục vụ chuyển đổi số trường học, nâng cao chất lượng dạy học online để hội nhập với thế giới văn minh.
Lúc này thế giới xếp hạng đẳng cấp đại học Việt Nam không chỉ căn cứ vào cơ sở vật chất hữu hình và còn căn cứ vào cơ sở hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin của đại học Việt Nam.
3. Đổi mới tư duy về dạy học từ xa, dạy học online
Theo tư duy truyền thống trong “ao làng”, dạy học online để phục vụ đào tạo từ xa cho đáng “đồng tiền bát gạo”. Bằng Đại học tại chức, Đại học từ xa chất lượng kém nên cơ quan nhà nước có nơi không tuyển dụng người có bằng Đại học từ xa.
Tư duy trong “biển lớn” là chuyển đổi số giáo dục đại học Việt Nam. Khi đó dạy học ”từ gần” hay dạy học giáp mặt (face to face) cũng phải online để số hóa bài giảng.
Bởi vì nếu dạy học giáp mặt mà không sử dụng máy tính online sẽ không thể số hóa được bài giảng. Nếu không số hóa bài giảng, sẽ không thể đưa trí tuệ nhân tạo (AI) làm trợ giảng, điểm danh, chấm điểm…..
Khi đại học Việt Nam gia nhập siêu đại học toàn cầu, thế giới sẽ chỉ còn là ngôi nhà nhỏ, xóa nhòa biên giới, xóa nhòa khoảng cách, lúc đó chỉ có Đại học từ xa hình thức online, người học mới vươn ra “biển lớn”.
Luật Giáo dục Đại học mới có hiệu từ ngày 1/07/2019, Việt Nam đã không còn phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo.
Đây là một chính sách đúng đắn phù hợp với 4.0, phù hợp với tư duy trong “biển lớn” của Đảng và nhà nước ta.
4. Đổi mới tư duy về phương pháp dạy học để “ai cũng được học thầy giỏi nhất”, “Công nghệ nào phương pháp ấy”
Theo tư duy truyền thống “ao làng”, dạy học dựa trên phương tiện phấn trắng bảng đen rồi đến máy chiếu Slide bài giảng lên màn hình để sinh viên chép hoặc thảo luận nhóm đã hình thành học phần “Lý luận và phương pháp dạy học đại học”, được xem như là một “bảo bối” nghiệp vụ sư phạm, một chứng chỉ hành nghề không thể thiếu được của giảng viên đại học bấy lâu nay.
Tất cả ai muốn lên giảng viên chính, lên giảng viên cao cấp đều phải tham gia nghe giảng học phần này.
Nhờ sự trợ giúp của công nghệ AI một giảng viên thật có thể “phân thân” thành nhiều giảng viên ảo để tương tác đồng thời với nhiều người học tại cùng một thời điểm.
Khi đó phương pháp giảng dạy bậc đại học sẽ thay đổi hoàn toàn về chất, hướng tới mỗi sinh viên một chương trình, giáo dục cho một người (Education of One).
Nhờ AI, nhờ khả năng “phân thân” của giảng viên giỏi thành giảng viên áo, ước nguyện của Bác Hồ cách đây 75 năm: “ai cũng được học hành" sẽ được hiểu là “ai cũng được học với thầy giỏi nhất”.
Có thể so sánh như sau: nếu lý luận day học truyền thống hàn lâm là chiếc đèn dầu (dùng bằng nhiên liệu dầu hỏa thắp sáng) thì lý luận và phương pháp dạy học dựa trên AI là chiếc đèn điện (sử dụng điện năng thắp sáng).
Cùng là phương tiện chiếu sáng nhưng bản chất bên trong của đèn điện và đèn dầu là khác nhau, dẫn đến mục tiêu đối tượng nghiên cứu sẽ khác nhau.
Mọi lý thuyết về phương pháp dạy học hàn lâm cũ không còn phù hợp. Muốn nghiên cứu cái mới có hiệu quả, đôi khi phải tìm cách quên cái cũ để trong đầu còn khoảng trống mới thăng hoa phát minh cái mới.
Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học phải theo tư duy mới trong “biển lớn”, đó là “công nghệ nào phương pháp ấy”.
Kết luận
Hãy nhìn lại lịch sử Việt Nam cách đây 35 năm, khi cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho đời sống của người dân trở nên bần cùng kiệt quệ.
Đúng lúc đó, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, từ đó phát động mọi người dân trong cả nước: “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đối với sự phát triển đất nước để từ đó đưa ra khẩu hiệu “đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế” [4].
Nhờ đổi mới tư duy kinh tế, từ Đại hội VI đến nay, sau 35 năm phát triển, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”.
Ngày nay, với quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, trong những giai đoạn đầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần mạnh dạn đổi mới tư duy giáo dục để đưa Việt nam “sánh vai các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Hồ Chủ tịch cách đây 75 năm.
Tài liệu tham khảo:
1. https://baotainguyenmoitruong.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-can-thay-doi-tu-duy-lam-chinh-sach-phap-luat-trong-cach-mang-cong-nghiep-4-0-224088.html
2. https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/thu-tuong-to-quoc-manh-me-hay-khong-la-phai-nho-vao-viec-ap-dung-cong-nghe-39560.html
3. https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tri-tue-nhan-tao-ai-se-thay-doi-vai-tro-giang-vien-that-20201122150850850.htm
4. http://truongchinhtribentre.edu.vn/content/nh%C3%ACn-l%E1%BA%A1i-s%E1%BB%B1-%C4%91%E1%BB%99t-ph%C3%A1-%C4%91%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-v%E1%BB%81-t%C6%B0-duy-kinh-t%E1%BA%BF-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-vi%E1%BB%87t-nam