Nằm ven quốc lộ 70, ngôi trường Trung học phổ thông Cảm Ân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái hiện lên khang trang và đẹp đẽ hơn bao giờ hết những ngày này.
Có tận mắt chứng kiến không khí thi đua dạy và học sôi nổi của thầy trò nhà trường mới thấy hết được niềm vui, niềm hạnh phúc của sự nghiệp trồng người.
Bản thân tôi đã tròn 12 năm công tác tại đây, chứng kiến bao đổi thay cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt đầy mới mẻ của nhà trường ngay từ những ngày đầu năm học 2020 – 2021.
Năm học này, công tác nhân sự của nhà trường có sự thay đổi lớn ở các vị trí quản lý.
Hội thảo “Trường học hạnh phúc và dạy học tích hợp giáo dục hướng nghiệp STEM” |
Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã điều động và bổ nhiệm cô giáo Lưu Khánh Linh (sinh năm 1980) nguyên Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trần Nhật Duật về làm Hiệu trưởng nhà trường; đồng thời bổ nhiệm thầy giáo Đỗ Vũ Thư (sinh năm 1981) Phó Bí thư Chi bộ làm Phó Hiệu trưởng nhà trường.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”, coi trọng việc xây dựng một nhà trường từ vẫn đề căn cốt đó là đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; do đó ngay từ đầu đồng chí Hiệu trưởng đã quan tâm lắng nghe tiếng nói của cán bộ, giáo viên, nhân viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ.
Từ đó xác định đi đúng hướng, làm đúng đường để hoạt động giáo dục của nhà trường được tiến hành sâu rễ bền gốc từ chính khối đoàn kết nội bộ.
Công tác chuyên môn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nên ngay sau lễ khai giảng, các hoạt động dạy và học của thầy trò nhà trường được triển khai một cách đồng bộ.
Các thông tư, quy định điều chỉnh, bổ sung mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều được nhà trường cập nhật và triển khai kịp thời.
Nhiều giáo viên trong nhà trường đã chuyển biến tích cực và chủ động tiến hành soạn giảng theo hướng dẫn kế hoạch bài dạy đổi mới của Bộ Giáo dục, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng sách giáo khoa điện tử và sử dụng tương đối thành thạo bảng thông minh, đem lại một hiệu ứng mới, một không khí học tập phấn khởi cho các giờ học, lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực trong đồng nghiệp và sự háo hức, sôi nổi học tập cho các em học sinh.
Nụ cười hạnh phúc của học sinh trường Trung học phổ thông Cảm Ân. |
Tiêu biểu như việc thiết kế giờ dạy tự chọn Hình học "Mặt tròn xoay" qua mini show "Đường lên đỉnh Olympia" cuốn hút từ phút mở đầu đến khi khép lại ở phút 45 trong bài giảng của cô giáo Hoàng Thị Ngọc Yến; bài "Luyện tập Polime và vật liệu Polime" được tiến hành qua các chặng khởi động với bài thuyết trình powerpoint của học trò và sự "chạy đua" của học sinh qua phiên bản "Ai là triệu phú" trong giờ Hóa học của cô Lâm Thị Thủy.
Hay đến với giờ học “Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945” của thầy Lê Văn Cường - người 2 lần đạt Kỉ lục Việt Nam về viết thơ lục bát lịch sử - các em như được hòa mình vào không khí khẩn trương, ráo riết, hào hùng cùng một thời đại của non sông, đất nước, dân tộc thông qua hệ thống video, hình ảnh và ăm ắp tư liệu.
Hoặc giờ “Ôn tập Văn học dân gian” của cô giáo Lê Thị Mỹ Bình; với tư duy sáng tạo của cả cô và trò; học sinh đã thực sự được sống trong bầu không khí vui như trẩy hội khi các em được hướng dẫn để tái hiện môi trường sinh tồn của văn học dân gian nơi gốc đa, bến nước, sân đình; qua không gian diễn xướng sinh động, đầy thú vị.
Sự tích cực ấy đã thực sự đem đến cảm xúc rất đỗi tự nhiên: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui!
Học sinh đang thuyết trình trong giờ học mở “Ôn tập Văn học dân gian” |
Góc không gian mở trong giờ “Ôn tập Văn học dân gian” |
Với chủ trương xây dựng và phát triển nhà trường theo mô hình “Trường học hạnh phúc”, cô giáo Lưu Khánh Linh – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã không ngừng sáng tạo và đổi mới trong công tác quản lý.
Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, các bậc cha mẹ và học sinh được trực tiếp đối thoại, nói lên tâm tư nguyện vọng với Hiệu trưởng nhà trường, qua đó góp phần kết nối môi trường sư phạm trở nên thân thiện, cởi mở, tích cực, gần gũi hơn bao giờ hết.
Và có lẽ, Trường Trung học phổ thông Cảm Ân cũng là trường đầu tiên mà Hiệu trưởng trực tiếp tiến hành giao ban với lớp trưởng, bí thư của các lớp vào thứ 2 hàng tuần.
Đội ngũ cán bộ lớp được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, báo cáo những băn khoăn và cả những điều chưa hài lòng (nếu có) trong quá trình học tập và rèn luyện thường ngày của mình.
Và cô Hiệu trưởng khẳng định: qua những buổi giao ban này nhằm giúp nhà trường đo được chỉ số về sự hài lòng của học sinh với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường để từ đó nhà trường đưa ra những điều chỉnh hợp lý, kịp thời trong mọi hoạt động.
Thật đáng tự hào khi được biết có lẽ ở thời điểm hiện tại, Trường Trung học phổ thông Cảm Ân là trường tiên phong làm được điều này.
Xuyên suốt quan điểm trên, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Trường Trung học phổ thông Cảm Ân đã vinh dự khi được phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức thành công chương trình Hội thảo “Trường học hạnh phúc và dạy học tích hợp giáo dục hướng nghiệp STEM” với quy mô lớn dành cho phụ huynh, giáo viên và học sinh trong toàn trường.
Hội thảo đã đem lại sự hào hứng cho người học, sự hài lòng của bậc phụ huynh và gia tăng thêm trong tâm thức mỗi thầy cô về sự nỗ lực đổi mới trong dạy học.
Một giờ học STEM của học sinh Trường Trung học phổ thông Cảm Ân. |
Thông qua phần truyền đạt của giảng viên, thầy và trò nhà trường càng hiểu thêm tầm quan trọng của việc xây dựng trường học hạnh phúc và sự cần thiết trong dạy học tích hợp giáo dục hướng nghiệp.
Sự tiên phong, sẵn sàng nhập cuộc của nhà trường với những mô hình, phong trào, việc làm, cách thức đổi mới giáo dục này trong cảm nhận của một thầy giáo đã có thâm niên công tác gắn bó nơi đây, tôi nhận thấy đó là một sự lột xác ngoạn mục chưa từng có dựa trên nghị lực, ý chí quyết tâm lớn lao của cả tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn trường.
Về cơ sở vật chất, trong ba tháng đầu năm học, nhà trường đã quyết tâm hoàn thành xây mới và sửa chữa được 6 hạng mục công trình: sân cầu lông, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, nền nhà mái vòm học thể dục – giáo dục quốc phòng (phục vụ những khi thời tiết mưa gió); gia cố lại tường bao và lò đốt rác.
Toàn bộ hệ thống công trình mới và tu sửa ấy đều được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, là sự tích cực kêu gọi tài trợ, ủng hộ của các cơ quan doanh nghiệp với nhà trường.
Về đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên được quan tâm từ những nhu cầu sinh hoạt đến môi trường làm việc.
Khu nhà công vụ được nhà trường quan tâm để đảm bảo an ninh tốt hơn, không gian sống xanh hơn, thân thiện với môi trường.
Cũng trong khu nhà này, lần đầu tiên bếp ăn tập thể nhà trường ra đời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của không nhỏ cán bộ giáo viên có nhu cầu ăn trưa.
Đây là nỗ lực rất lớn của Công đoàn nhà trường trong việc chăm lo cho đời sống cho công đoàn viên của mình.
Song song với công tác dạy và học, các hoạt động phong trào cũng được nhà trường hết sức quan tâm.
Đầu tháng 11/2020, “Câu lạc bộ phát thanh và truyền thông” cùng với “Câu lạc bộ Văn học” nhà trường đã được ra mắt và đi vào hoạt động.
Sự ra đời của câu lạc bộ góp phần giúp cho đoàn viên, thanh niên – các em học sinh có cơ hội phát hiện, khám phá chính bản thân và thể hiện năng lực, tố chất của mình.
Nhân dịp kỉ niệm 38 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020), Công đoàn nhà trường đã tổ chức giao lưu bóng chuyền hơi nam nữ giữa 4 tổ chuyên môn, thu hút được sự tham gia nhiệt tình hứng khởi của đông đảo thầy cô giáo và học sinh toàn trường.
Cũng trong chuỗi hoạt động kỉ niệm này, nhà trường đã tổ chức tri ân, gặp mặt thế hệ các nhà giáo đã làm công tác quản lý qua các thời kỳ đầy trang trọng và ý nghĩa nhằm nêu cao đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.
Một phần ba chặng đường của năm học 2020 – 2021 đã trôi qua. Đó là quãng thời gian chưa dài nhưng nhà trường đã có những bước tiến xa, đầy quyết tâm, quyết đoán, quyết thành.
Có thể thấy, đó là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất; là sự hội tụ của tinh thần đồng chí, đồng ý, đồng tình của tập thể Hội đồng sư phạm mà trong đó nổi bật lên vai trò tiên phong, định hướng với quyết tâm cao độ của Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường.
Ngược dòng lịch sử, Trường Trung học phổ thông Cảm Ân vốn tiền thân là phân hiệu của trường Trung học phổ thông Trần Nhật Duật (2002) và chính thức được thành lập ngày 26/8/2008 theo Quyết định số 1336/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
Theo lộ trình, Trường Trung học phổ thông Cảm Ân sẽ phấn đấu đạt trường chuẩn Quốc gia cấp độ I vào năm học 2022 - 2023.
Với những gì đang thể hiện bằng một sức sống khỏe, một bộ mặt tươi mới và rạng rỡ, tin chắc rằng 43 thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên cùng với 676 em học sinh nhà trường sẽ không ngừng ra sức và nỗ lực để đủ sức thi đua công tác tốt, dạy thật tốt, học thật tốt, sớm hoàn thành mục tiêu nói trên.