Sĩ số lớp học quá đông, rất khó để đạt được mục tiêu của chương trình mới

12/12/2020 06:14
THANH AN
GDVN- Việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò sẽ là một thách thức lớn cho thầy cô và mục tiêu đổi mới chương trình lần này.

Việc ngành giáo dục đang triển khai tập huấn đại trà chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên đặt ra rất nhiều vấn đề mà nếu không giải quyết tốt thì mục tiêu đổi mới lần này sẽ rất khó đạt được.

Trong nhiều vấn đề đang tồn tại ở các trường phổ thông nổi lên tình trạng sĩ số học sinh ở các lớp hiện nay rất đông. Nhiều trường đã đạt ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một lớp học mà có đến trên dưới 50 học sinh quả là một áp lực rất lớn đối với thầy cô giáo đứng lớp. Trong khi, mục tiêu của chương trình giáo dục 2018 lại đặt ra quá nhiều kỳ vọng để phát triển phẩm chất, năng lực của học trò.

Rồi đây, liệu thầy và trò ở các trường phổ thông có đáp ứng được yêu cầu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra hay không?

Lớp học quá đông sẽ khó khăn để đạt được mục tiêu của chương trình mới (Ảnh minh họa: P.L.)

Lớp học quá đông sẽ khó khăn để đạt được mục tiêu của chương trình mới (Ảnh minh họa: P.L.)

Nhìn giáo án mẫu đã khiến giáo viên choáng ngợp

Ngay từ những ngày tập huấn modul đầu tiên thì giáo viên đã phải phân tích kế hoạch bài dạy và làm kế hoạch bài dạy (giáo án) để nộp lên trang trực tuyến.

Chỉ nhìn mục tiêu của kế hoạch bài dạy mẫu mà Bộ đưa lên trang tập huấn trực tuyến cũng khiến giáo viên sợ vì nó dài đến gần 2 trang giấy A4 với vô vàn phẩm chất, năng lực được liệt kê ra.

Theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh phổ thông như sau:

Về phẩm chất có 5 phẩm chất chủ yếu, đó là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Chương trình cũng hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi gồm:

Những năng lực chung, được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Những năng lực chuyên môn, được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Và từ những phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù ấy, trong mỗi bài dạy thì giáo viên phải thể hiện trên giáo án với nhiều phẩm chất, năng lực theo đặc trưng của từng môn học nữa.

Vì thế, để soạn được một giáo án cho một tiết dạy thì giáo viên chắc chắn phải đầu tư rất nhiều thời gian nữa, công sức với quá nhiều mục tiêu, hoạt động của bài học.

Nhưng, mục tiêu nhiều như vậy thì liệu thầy và trò ở các trường phổ thông có đạt được hay không?

Chúng tôi cho rằng sẽ rất khó vì sĩ số lớp học hiện nay quá đông, trong khi thời gian của mỗi tiết học không thay đổi. Việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò sẽ là một thách thức lớn cho thầy cô và mục tiêu đổi mới chương trình lần này.

Phải giảm sĩ số lớp học thì mục tiêu mới đạt được

Những khó khăn khi thay đổi chương trình lần này sẽ là rất lớn đối với đội ngũ nhà giáo. Điều này đã được thể hiện ngay ở việc tập huấn đại trà những modul đầu tiên vì lâu nay giáo viên được tập huấn trực tiếp thì bây giờ chủ yếu là trực tuyến.

Hơn nữa, nếu so với chương trình hiện hành được thực nghiệm nhiều năm mới giảng dạy đại trà thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bỏ qua khâu thực nghiệm ở diện rộng.

Hơn nữa, lần tập huấn này chủ yếu là tập huấn chương trình chứ không phải là sách giáo khoa như trước đây.

Trong khi, giáo viên vừa đi dạy, vừa tập huấn trực tuyến và sẽ bước vào giảng dạy chương trình mới ngay. Thậm chí sách giáo khoa mới cũng cũng không có điều kiện được xem trước.

Chẳng hạn như năm học tới đây là thực hiện ở lớp 2 và lớp 6 nhưng sách giáo khoa bây giờ mới đang ở khâu thẩm định, góp ý. Nhưng, những khó khăn đó thì chắc chắn giáo viên sẽ vượt qua được.

Cái khó nhất là sĩ số học trò ở các lớp hiện nay đang rất đông, nhiều trường học quá tải.

Chương trình hiện hành là truyền thụ kiến thức thì sĩ số lớp ở cấp tiểu học là 35 em, cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông là 45 em nhưng thực tế cho nhiều trường vượt ngưỡng quy định này.

Tới đây, giáo viên sẽ chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Tất nhiên các hoạt động nhóm, tập thể trong mỗi tiết học sẽ nhiều hơn, mục tiêu cao hơn…nhưng sĩ số học sinh vẫn được quy định như hiện nay.

Vì thế, nếu ngành giáo dục các địa phương chưa giải quyết được vấn đề này thì nó sẽ là một bước cản rất lớn để giáo viên hướng tới mục tiêu của chương trình mới đề ra.

Nhưng, giảm bằng cách nào đây khi số lượng phòng học ở các nhà trường không thay đổi, ít được đầu tư xây thêm và sĩ số học sinh các năm cơ bản vẫn không thay đổi.

Những trường ở khu vực đô thị thì sĩ số lớp học các năm sau có khi lại cao hơn năm trước.

Rõ ràng đây vẫn đang là một bài toán khó bởi cơ sở vật chất hiện tại không có nhiều thay đổi nhưng mục tiêu giáo dục của chương trình mới thay đổi, các thức thực hiện thay đổi!

THANH AN