Bảo hiểm Y tế là “phao cứu sinh” cho các bệnh nhân

12/12/2020 08:39
Tùng Dương
GDVN- Những ai khi đã từng và đang “chạm lưng” trên chiếc giường bệnh viện, mới thấu hiểu rõ giá trị sâu sắc của chiếc thẻ Bảo hiểm Y tế, dù giàu, dù nghèo vẫn rất cần.

Bảo hiểm Y tế là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng, Nhà nước cũng như tỉnh hết sức coi trọng, đề cao, đưa vào chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế, việc tham gia Bảo hiểm Y tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính.

Những ai khi đã từng và đang “chạm lưng” trên chiếc giường bệnh viện, mới thấu hiểu rõ giá trị sâu sắc của chiếc thẻ Bảo hiểm Y tế, dù giàu, dù nghèo vẫn rất cần, bởi nếu không may mắc phải bệnh mãn tính, điều trị dài hạn thì “núi vàng cũng lở”, người nghèo thì càng khốn cùng... Khi ấy, chiếc thẻ Bảo hiểm Y tế trở thành “phao cứu sinh” cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo.

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, qua tìm hiểu phóng viên được biết, đa số bệnh nhân đang chạy thận ở đây đều là bệnh nhân nghèo, mắc suy thận độ 3, độ 4.

Chị Hải Minh ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn cho biết, cách đây 4 năm, khi thấy trong người mệt mỏi, chị xuống bệnh viện Bạch Mai khám và bàng hoàng khi bác sỹ thông báo bản thân mắc suy thận độ 3.

“Do lúc đó không mua thẻ Bảo hiểm Y tế nên tôi phải chịu toàn bộ chi phí từ điều trị, ăn ở, thuê nhà, khoảng gần 20 triệu đồng/tháng, do vậy gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, vay mượn khắp nơi”, chị Minh buồn rầu kể lại.

Sau một năm điều trị tại Hà Nội, được sự tư vấn của các bác sỹ và người thân, trong quãng nghỉ của các đợt chạy thận, chị Hạnh quyết về quê tham gia Bảo hiểm Y tế và đăng ký điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

“Từ sau khi có thẻ Bảo hiểm Y tế, chị chỉ phải bỏ thêm hơn 4 triệu cho tổng các loại chi phí từ điều trị, sinh hoạt, ăn uống, thuốc bổ”, chị Minh cho biết.

Còn tại Khoa Chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, để duy trì sự sống, mỗi bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải lọc máu hàng tuần, hàng tháng, chi phí cho mỗi bệnh nhân lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Các bác sĩ cho biết: Với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, mỗi tuần họ phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 11 triệu đồng/tháng, cả năm là 120- 130 triệu đồng.

Chi phí này vượt quá điều kiện kinh tế của hầu hết bệnh nhân ở đây. Nếu không có chính sách Bảo hiểm Y tế thì không ít người sẽ không có khả năng điều trị.

Trên thực tế, nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố, việc tham gia Bảo hiểm Y tế là một lựa chọn sáng suốt, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám chữa bệnh đối với từng người dân.

Thực tế, việc tham gia Bảo hiểm Y tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Thực tế, việc tham gia Bảo hiểm Y tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Bảo hiểm Y tế là cứu cánh, mang lại cơ hội sống cho người bệnh

Những bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện nói chung đều mang trong mình một nỗi lo đó là chi phí điều trị bệnh và gánh nặng kinh tế, tuy nhiên với việc tham gia bảo hiểm y tế người dân có thể giảm bớt được nỗi lo đó để yên tâm điều trị.

Thậm chí, bảo hiểm y tế còn là cứu cánh, mang lại cơ hội sống cho người bệnh đặc biệt là những người có thu nhập thấp khi mắc bệnh hiểm nghèo và chiếc thẻ bảo hiểm y tế chính là “phao cứu sinh” cho bệnh nhân.

Điều đặc biệt, tại các Khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Hữu Nghị, người bệnh (bao gồm cả bệnh nhân bảo hiểm y tế) được quyền lựa chọn tất cả các dịch vụ y tế phù hợp với khả năng tài chính của mình

Bệnh viện đã niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh tại khoa. Đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định khi đăng ký các dịch vụ khám tại khoa và chỉ cần đóng thêm các khoản chi phí phụ thu.

Chiếc thẻ bảo hiểm y tế không chỉ là cứu cánh cho tất cả các bệnh nhân không may mắc bệnh mà với bệnh nhân kém may mắn phải lấy bệnh viện là nhà thì đây thực sự là tấm “bùa hộ mệnh”.

Chị Đặng Thị Loan, 53 tuổi ở Thành phố Sơn La phát hiện mắc ung thư vú từ năm 2014, chị đã điều trị hóa trị và xạ trị mỗi đợt 7 - 10 ngày với chi phí khoảng 10 triệu đồng/lượt nhưng nhờ có tham gia bảo hiểm y tế nên được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh, tương đương khoảng 8 triệu đồng/đợt, nên chị có điều kiện và yên tâm điều trị bệnh.

Chị Loan chia sẻ, nếu không có bảo hiểm y tế chắc chị không sống được đến ngày hôm nay. Hiện nay, chị đang điều trị bệnh liên tục, sức khỏe chuyển biến khá hơn. Được quỹ bảo hiểm y tế chi trả gần 100 triệu đồng cho các đợt điều trị, chị Loan càng thấm thía giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế.

Theo các bác sĩ: Các bệnh nhân ung thư điều trị tại khoa đều phải tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt với các loại thuốc hóa chất, thuốc bổ trợ, giải độc rất đắt tiền.

Ngoài ra, các chi phí kỹ thuật cao như phẫu thuật, nội soi, chụp cắt lớp cũng rất tốn kém. Trung bình một bệnh án điều trị từ 7-10 ngày có chi phí khoảng 10 triệu đồng/đợt và nhiều đợt/năm.

Vì vậy, nếu không có bảo hiểm y tế hỗ trợ thì bệnh nhân không thể kiên trì điều trị bệnh theo phác đồ của bệnh viện.

Đang chăm sóc bố nằm điều trị tích cực tại phòng cấp cứu của Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Hữu Nghị, anh Nguyễn Quang Tú người nhà bệnh nhân Nguyễn Quang Hà rất xúc động trước sự tận tình cứu chữa người thân của các y bác sĩ tại đây.

Anh Tú cho biết: “Bố tôi vào cấp cứu trong tình trạng mạch yếu, nhịp tim không ổn định và hôn mê nhưng nhờ sự khẩn trương cứu chữa của các y bác sĩ nên hiện nay bố tôi đã qua cơ nguy kịch” và cũng rất may bệnh nhân Hà có bảo hiểm y tế nên đã được bảo hiểm chi trả gần như toàn bộ chi phí nằm viện.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tín - Trưởng khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: “100% bệnh nhân của khoa có thẻ bảo hiểm y tế. Chỉ tính riêng bệnh suy thận, mỗi năm có gần 100 trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị và đa số bệnh nhân phải đến bệnh viện chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần.

Tuy nhiên, bảo hiểm y tế hiện nay có thể chi trả khá tốt, có những bệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khi chạy thận nhân tạo tại đây.

Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế mà nhiều người nghèo đã tìm lại sự sống cho chính bản thân và gia đình. Những lúc bệnh nguy kịch có thẻ bảo hiểm y tế đỡ tốn nhiều tiền chữa trị.

Bảo hiểm y tế thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, là một chính sách an sinh xã hội rất hữu hiệu đối với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp.

Bảo hiểm y tế càng thể hiện rõ hơn vai trò đối với người bệnh về hiệu quả kinh tế… Có thẻ bảo hiểm y tế, người dân sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đối với bệnh nhân nội trú, cần thời gian điều trị kéo dài, nếu không có Bảo hiểm Y tế, họ phải chi số tiền khá lớn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đối với bệnh nhân nội trú, cần thời gian điều trị kéo dài, nếu không có Bảo hiểm Y tế, họ phải chi số tiền khá lớn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Khi có bệnh mới thấy thẻ Bảo hiểm y tế giá trị

Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau là nơi có những bệnh nhân phải nằm viện “dài hạn”, “nằm viện nhiều hơn ở nhà”, nhiều gia cảnh vì thế mà từ khá giả riết cũng thành nghèo; người thuộc diện khó khăn, nghèo mắc bệnh thì càng trở nên ngặt nghèo, túng quẫn.

Bà Dương Thị Yên (Ấp 4, xã Khánh An, huyện U Minh) mắc nhiều bệnh, đã điều trị thời gian dài từ nhiều bệnh viện tuyến trên và nay trở về địa phương, hiện điều trị tại Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Ông Đoàn Thanh Sơn, 65 tuổi, chồng bà Yên, chia sẻ: “Tôi đã đồng hành cùng bà ấy chiến đấu với bệnh tật hơn 23 năm nay. Năm 1997 đã mổ cắt phần phụ, năm 1998 phát hiện thêm bệnh tiểu đường, tim mạch và đến nay thêm căn bệnh lao phổi...

Hầu như các bệnh viện có tiếng, bác sĩ giỏi khắp nơi mà nhiều người chỉ dẫn, chúng tôi đều tìm đến, số tiền chữa bệnh đã lên đến khoảng 700 - 800 triệu đồng, trong đó đã có giảm trừ bảo hiểm số tiền cũng tương đương số tiền trên; chứ không, chi phí còn cao hơn rất nhiều. Gia đình tôi đã dốc hết để trị bệnh cho bà ấy, đến nay nguồn tài chính gần như kiệt quệ”.

Cũng là bệnh nhân tại Khoa Nội tim mạch, hoàn cảnh bà Hồ Thị Mỹ Thoa, 58 tuổi (Ấp 4, xã Tắc Vân, Thành phố Cà Mau) hết sức éo le, “nằm viện rồi mới mua bảo hiểm”. Nhà thuộc diện nghèo, không đất sản xuất, có một người con trai duy nhất nhưng lại không có việc làm ổn định.

Dù biết mang nhiều chứng bệnh trong người, nhưng do phải chạy gạo từng bữa, nên bà Thoa không nghĩ đến việc mua Bảo hiểm Y tế phòng thân.

Nay trở bệnh, bà không còn sức gắng gượng được nữa nên bấm bụng đi khám. Tại Bệnh viện Medic Cà Mau, bà Thoa được chẩn đoán bệnh hở van tim 2 lá, bướu cổ; sau đó nhận thuốc uống trong vòng 1 tuần sẽ trở lại tái khám, với tổng chi phí khám bệnh và tiền thuốc mất hơn 3 triệu đồng - mức chi phí rất lớn đối với khả năng của gia đình bà.

Về nhà sau một tuần, bà Thoa mệt liên tục nên phải ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám lại và bác sĩ thông báo phải nhập viện, nhưng lại không có Bảo hiểm Y tế, trong khi đó chi phí cho mỗi ngày nằm viện, tiền thuốc từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Thấy hoàn cảnh bà Thoa khó khăn thực sự, bà Lưu Thị Thanh Thủy, hàng xóm bà Thoa (cũng là người phụ con trai bà Thoa chăm sóc mẹ bị bệnh) đã vận động, quyên góp xóm giềng mua cho bà Thoa Bảo hiểm Y tế.

Nhờ chiếc thẻ Bảo hiểm Y tế cho hộ nghèo thuộc diện đồng bào dân tộc và sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, vợ chồng bà Trần Thị Sà Pha (ấp Tân Điền B, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) mới có thể xoay sở được tiền ăn, viện phí trong hàng chục ngày bà Pha điều trị tại Khoa Nội thần kinh.

Chi phí cho mỗi ngày nằm viện, cộng tiền thuốc cũng gần 1 triệu đồng, gia đình chỉ đóng 5% tổng số tiền viện phí, cùng với việc Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện giúp bà được hỗ trợ cơm ăn hằng ngày cho bệnh nhân nghèo..., đã góp phần giúp gia đình vượt qua khó khăn, bởi cả 2 vợ chồng sống bằng nghề nhặt và thu mua phế liệu, nay bà Pha bệnh tai biến và té gãy xương đùi, chồng bà phải vào viện chăm sóc bà nên không có nguồn thu nhập.

Thông tin từ Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến cuối tháng 9/2019, bệnh viện tiếp nhận 98.676 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ngoại trú, trong đó bệnh nhân có bảo hiểm 84.973 lượt (chiếm 86,1%); có 39.384 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh nội trú, trong đó bệnh nhân có bảo hiểm 33.091 lượt (84,1%).

Đối với bệnh nhân nội trú, cần thời gian điều trị kéo dài, nếu không có Bảo hiểm Y tế, họ phải chi số tiền khá lớn.

Nâng chất lượng khám chữa bệnh

Theo ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi tham gia Bảo hiểm Y tế, người dân sẽ được quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đối với hộ nghèo và cận nghèo, việc khám, điều trị bệnh tốn hàng chục triệu đồng thì thẻ Bảo hiểm Y tế giúp san sẻ gánh nặng khi họ không may ốm đau, bệnh tật, nhất là những bệnh nặng như suy thận mãn, bệnh tim, ung thư… có chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài.

Cụ thể, người có thẻ Bảo hiểm Y tế khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả 80% -100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi và quyền lợi hưởng tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Hiện nay, ở nước ta tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025.

Về phía Bộ Y tế, theo lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế, năm 2019, nước ta tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính y tế theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm dần mức chi của người dân tham gia Bảo hiểm Y tế gắn với lộ trình Bảo hiểm Y tế toàn dân.

Do đó, nếu chi phí khám chữa bệnh không được kiểm soát tốt, quỹ dự phòng khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế không còn đủ để bù đắp thì chúng ta sẽ phải thực hiện điều chỉnh tăng mức đóng Bảo hiểm Y tế. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người dân cũng như khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Tùng Dương