Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ra đời đã có rất nhiều thay đổi so với Điều lệ trường trước đây.
Trong đó, tại Điều 21 quy định hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường đã hướng dẫn: “dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử”.
Điều này đã mở ra nhiều hướng đi mới cho các nhà trường về việc quản lý hồ sơ sổ sách hàng năm tại đơn vị mình.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà trường vẫn đang quản lý hồ sơ sổ sách như trước đây nên đã dẫn đến lãng phí về thời gian, tiền bạc của giáo viên và nhà trường.
Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của VTV.vn. |
Vì thế, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã và đang triển khai thí điểm việc quản lý và duyệt giáo án qua mạng internet ở một số trường của địa phương này được xem là bước đi tiên phong, cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Duyệt giáo án qua mạng internet là bước đi cần thiết của các nhà trường
Câu chuyện soạn, in, duyệt giáo án của giáo viên hiện nay và nếu gọi theo chương trình giáo dục phổ thông mới là kế hoạch bài dạy đã là một đề tài được nói khá nhiều trên các diễn đàn báo chí trong thời gian qua.
Mỗi năm, giáo viên một số môn học nhiều tiết phải in tới 7-8 trăm trang giáo án nộp lên Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn để kiểm tra, ký duyệt khiến cho giáo viên mệt mỏi và người lật đọc từng trang giáo án cũng chẳng sung sướng gì.
Nhưng rồi, năm này qua năm khác thì chuyện tổ chuyên môn duyệt giáo án 2 lần/ tháng theo quy định và mỗi học kỳ Ban giám hiệu duyệt 1 lần cứ lặp đi, lặp lại.
Ngoài ra, mỗi khi kiểm tra chuyên đề, kiểm tra nội bộ, thanh tra thì giáo viên còn được kiểm tra giáo án thêm một vài lần nữa. Giáo viên cứ ôm đi, ôm về và phải giữ gìn cẩn thận từng trang giáo án suốt cả năm học cũng khiến cho họ cảm thấy chán ngán.
Vì thế, trong thời gian qua thì trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết đề xuất các nhà trường nên đẩy mạnh công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ sổ sách, nhất là duyệt giáo án điện tử đã nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc.
Đặc biệt, trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 vừa qua cũng đã gợi mở cho các ngành giáo dục địa phương và nhà trường có thể áp dụng nhiều cách quản lý hồ sơ số sách khác nhau.
Điều này được thể hiện rõ ở khoản 4, Điều 21 như sau:
“Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Điều đáng mừng là sau khi Bộ ban hành văn bản này thì hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã có văn bản số 2415/SGDĐT-GDTrH về việc triển khai Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã cho phép một số trường triển khai duyệt giáo án qua mạng internet như: Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu; Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám…
Ngoài ra, ông Lê Duy Định, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai còn cho biết thêm: “Sở đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo lựa chọn một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để thực hiện thí điểm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và phê duyệt giáo án.
Sau một thời gian thí điểm, nếu đánh giá thấy hiệu quả, Sở sẽ triển khai thực hiện đại trà trong toàn ngành”.
Đây rõ ràng là một bước đi phù hợp, cần thiết mà ngành giáo dục, các trường học cần nhanh chóng áp dụng để tiện cho cả giáo viên, tổ trưởng chuyên môn và ngay cả với Ban giám hiệu nhà trường.
Duyệt giáo án điện tử bây giờ giản đơn vô cùng
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã đồng ý cho Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu, Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám thực hiện thí điểm mô hình duyệt giáo án qua mạng internet sẽ tạo ra những bước tiến trong ngành giáo dục.
Thực tế cho thấy, các trường giao quyền duyệt giáo án điện tử cho tổ trưởng chuyên môn là hoàn toàn phù hợp và sẽ phát huy được nhiều thế mạnh.
Bởi, tại khoản 2, điều 14, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã quy định Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ như sau: “Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
Một khi, Ban giám hiệu nhà trường giao cho tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm và tự duyệt giáo án trực tuyến trên trang mạng thông qua phần mềm, email, Google Drive…sẽ tiện lợi vô cùng.
Ban giám hiệu nhà trường, Hội đồng bộ môn, Phòng, Sở quản lý bằng cách kiểm tra trên website, dự giờ giáo viên trên lớp và kết quả đầu ra của học sinh, đánh giá giáo viên bằng hiệu quả công việc sẽ thiết thực hơn nhiều mớ hồ sơ sổ sách vô bổ hiện nay.
Hy vọng, từ việc gợi mở của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, từ những bước đi đầu tiên của ngành giáo dục Gia Lai thì các địa phương, các trường học trên cả nước cũng cần áp dụng việc quản lý hồ sơ sổ sách giáo viên qua mạng internet sẽ đem lại rất nhiều tiện lợi.
Thời đại 4.0 mà cán bộ quản lý nhà trường vẫn còn ngồi lật dở từng trang giáo án của giáo viên để kiểm tra e rằng đã không còn phù hợp nữa rồi!
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html
https://www.baogialai.com.vn/channel/12379/202010/quan-ly-va-phe-duyet-giao-an-tren-mang-internet-hieu-qua-buoc-dau-5706080/index.htm