Trường Tiểu học Đông Hòa B thực hiện tốt "học đi đôi với hành"

31/01/2021 07:09
Phan Bằng
GDVN- Trường Tiểu học Đông Hòa B đã tạo được uy tín cao với phụ huynh học sinh nhờ chú trọng vào phương pháp dạy học “lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành".

Trường tiểu học Đông Hòa B tọa lạc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương với quy mô diện tích toàn trường là 2.835m2, 16 phòng học và 15 phòng chức năng. Tổng số lớp trong năm học 2019 – 2020 là 24 lớp với 1200 học sinh.

Toàn trường hiện nay có 45 giáo viên và nhân viên, trong đó có 1 giáo viên giỏi cấp Quốc Gia, 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 6 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp thị.

Trong suốt thời gian qua, trường đã tạo được uy tín cao đối với phụ huynh học sinh và xã hội nhờ chú trọng vào phương pháp dạy học “lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành”.

Ban giám hiệu nhà trường luôn xác định rằng, muốn cho công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, nhất thiết chúng ta phải gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp kiến thức trên lớp với thực tiễn ngoài cuộc sống.

Trong quá trình giảng dạy, nếu chỉ cung cấp kiến thức cho các em mà không gắn với thực hành, trải nghiệm, thì người học khó có thể nhận thức được thực chất của kiến thức mà thầy cô đã truyền tải.

Vì vậy, trong công tác chỉ đạo chuyên môn Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đông Hòa B thường xuyên triển khai và quán triệt đến từng giáo viên việc gắn lý luận với thực tiễn trong tất cả các môn học của chương trình, trong từng chủ đề huấn luyện và trên tất cả các mặt.

Với nhận thức đúng được tầm quan trọng của việc giảng dạy phải gắn lý luận với thực tiễn, kiến thức phải được vận dụng, thực hành, trải nghiệm nên bước đầu tất cả giáo viên trong nhà trường cũng đã thực hiện đúng theo chỉ đạo.

Trong từng tiết dạy, giáo viên khi cung cấp kiến thức đã dành thời gian cho học sinh trực tiếp được thực hành, thử nghiệm, trải nghiệm những kiến thức đó, nhằm giúp cho các em lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất, đồng thời thông qua đó cũng giúp cho học sinh hình thành các kỹ năng cần thiết.

Tùy theo từng bài, từng nội dung cụ thể mà giáo viên cho học sinh được thực hành trải nghiệm sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, với tình hình thực tế ở lớp mình.

Ví dụ, khi dạy học sinh biết giữ gìn và bảo vệ môi trường xung quanh, giáo viên sẽ cung cấp cho các em một số kiến thức môi trường và vai trò của môi trường sống.

Bên cạnh đó, các em có thể thực hành ngay tại lớp cách vệ sinh lớp học hoặc có thể được giáo viên Tổng phụ trách đội của trường hướng dẫn các em về cách phân loại rác.

Từ những kiến thức mà thầy cô đã cung cấp cho các em, các em bước đầu đã biết phân loại rác và bỏ vào đúng nơi quy định (trường có những thùng rác ghi sẵn tên loại rác phía ngoài), biết vệ sinh lớp học.

Các em vệ sinh lớp học (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Các em vệ sinh lớp học (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Hoặc khi dạy về “Những công việc trong gia đình”, ngoài việc giáo viên cung cấp kiến thức cho các em về những công việc trong gia đình mà các em có thể phụ giúp cha mẹ, giáo viên còn hướng dẫn các em quy trình thực hiện những công việc đó.

Sau khi cung cấp các kiến thức cần thiết, giáo viên dành thời gian cho học sinh thực hành ngay tại lớp, hoặc trong khuôn viên của trường.

Các em thực hành giúp cha mẹ rửa chén bát. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Các em thực hành giúp cha mẹ rửa chén bát. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cũng với cách giảng dạy “kiến thức phải gắn với thực tiễn”, khi dạy cho học sinh lớp 5 về “Lắp mạch điện đơn giản”, sau khi các em hiểu các kiến thức để lắp mạch điện đơn giản, nhà trường đã phối hợp với nhóm STEM của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn các em được trực tiếp thực hành lắp mạch điện.

Học sinh được trực tiếp thực hành và với những vật dụng đơn giản các em đã tìm ra được những vật dẫn điện và vật cách điện có ở xung quanh các em.

Ngoài việc cho học sinh được thực hành ngay sau khi tiếp nhận kiến thức, hàng tháng nhà trường còn tổ chức cho học sinh được trải nghiệm theo chủ đề dựa theo chương trình chính khóa.

Ví dụ, sau chủ đề về “Cách sơ chế một số món ăn đơn giản” ở lớp 5; “ Trồng cây và hoa” ở lớp 4; “ Hoạt động nông nghiệp” ở lớp 3, nhà trường tổ chức cho học sinh khối 3,4,5 được trải nghiệm về quy trình trồng rau do kỹ sư nông nghiệp Trường Đại học Nông Lâm hướng dẫn.

Các em tự chăm sóc vườn rau của lớp mình, sau đó tiến hành thu hoạch và chế biến rau hoặc thực hành làm các món ăn đơn giản dưới sự hướng dẫn của đầu bếp nhà trường.

Ngoài ra, trường còn tổ chức cho các em được trải nghiệm một số tình huống cụ thể trong cuộc sống như trải nghiệm tình huống nếu xảy ra cháy.

Các em thực hành thu hoạch rau. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Các em thực hành thu hoạch rau. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Các em thực hành kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Các em thực hành kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sau một thời gia triển khai thực hiện định hướng giáo dục “lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành”, nhà trường cũng đã thu được những kết quả nhất định.

Theo đánh giá của Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh học sinh thì các em rất thích phương pháp giáo dục này, ngoài kiến thức sách vở các em còn được trải nghiệm thực tế. Do vậy, sự hiểu biết và kỹ năng sống của các em có sự tiến bộ vượt bậc.

Mặc dù hiệu quả đạt được chưa như mong muốn nhưng đó cũng chính là tiền đề thúc đẩy quyết tâm của nhà trường tiếp tục thực hiện định hướng “học phải đi đôi với hành” nhằm đạt được kết quả cao, hoàn thành mục tiêu giáo dục trong thời gian tới.

Phan Bằng