Ngoài sách giáo khoa, còn không ít lực cản khi thực hiện chương trình mới

17/12/2020 06:40
Trung Dũng
GDVN- Dù đã chuẩn bị tâm thế từ trước nhưng nhiều trường vẫn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2020 – 2021, bắt đầu với khối lớp 1, được đặt rất nhiều kỳ vọng.

Dù được đã được chuẩn bị nhưng việc triển khai ở lớp 1 đã nảy sinh không ít vấn đề. Đặc biệt là với nội dung trong một số cuốn sách giáo khoa bị phát hiện có "sạn", chương trình được đánh giá là nặng. Năm học tới, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai với lớp 2 và lớp 6.

Một tiết học bằng màn hình lớn được đầu tư theo kế hoạch của chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Một tiết học bằng màn hình lớn được đầu tư theo kế hoạch của chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Để có thêm tiếng nói từ chính người sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của giáo viên.

Thầy Trần Thăng Long, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Bình (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết:

“Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiện tại chỉ đang áp dụng với cấp tiểu học.

Tuy chúng tôi chưa phải áp dụng trong năm học này, nhưng đây chính là thời điểm vàng để Ban giám hiệu nhà trường có thể quan sát và đưa ra các phương án tiếp thu, rút kinh nghiệm nhằm tìm ra điểm mạnh, điểm yếu từ các trường đang thực hiện để có thể áp dụng tốt cho đơn vị mình vào năm học 2021 – 2022 sắp tới mà không bị bỡ ngỡ.

Về nguồn nhân lực phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì dự kiến chúng tôi vẫn sẽ sử dụng đội ngũ giáo viên sẵn có chứ chưa có ý định tuyển thêm nhân lực, nhưng phải bố trí để các giáo viên đó đi tập huấn trước về nghiệp vụ theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh để việc tiến hành dạy cho lớp 6 năm vào sau thuận lợi hơn.

Về cơ sở vật chất thì nhà trường vẫn trên cơ sở là tận dụng những gì sẵn có. Tuy nhiên về trang thiết bị hỗ trợ việc giảng dạy như màn hình, máy chiếu, đường truyền mạng tốc độ cao.v.v… thì bắt buộc phải mua mới.

Thầy Nguyễn Xuân Long – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Thầy Nguyễn Xuân Long – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Với đặc thù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế của địa phương hạn chế nên chúng tôi cũng đang rất lúng túng trong việc làm sao để có thể có huy động đủ kinh phí để mua sắm được đầy đủ các trang thiết bị mới ngoài nguồn ngân sách nhà nước phân bổ”.

Không riêng gì các trường ở khu vực miền núi, ngay cả một trường ở khu vực thành phố như Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Tam Điệp, Ninh Bình) thì việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức.

Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: “Về trang thiết bị dạy học chúng tôi sẽ căn cứ theo kết quả rà soát, từ đó đưa ra phương án sửa chữa những thiết bị hỏng và có kế hoạch mua sắm bổ sung, ưu tiên bàn ghế 2 chỗ ngồi và thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1 và lớp 2.

Đầu năm học 2020-2021 từ nguồn vận động tài trợ, nhà trường sắm mới phòng tin học với 24 máy tính, sửa chữa bảo dưỡng đường điện, đường mạng, tăng cường thiết bị vận động ngoài trời cho học sinh.

Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của cấp trên nhà trường được đầu tư được 30 ti vi, phòng học 4.0, gần 300 bộ bàn ghế loại 2 chỗ ngồi cho học sinh và một số thiết bị khác đảm bảo cho việc dạy và học”.

Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Lê Hồng Phong, Tam Điệp, Ninh Bình. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Lê Hồng Phong, Tam Điệp, Ninh Bình. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cô Lễ thông tin thêm, ngoài việc khó khăn về nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy và học, thì nguồn kinh phí để thực hiện duy trì bồi dưỡng hàng năm cho các giáo viên cũng đang là một thử thách.

Trong quá trình thực hiện, nguồn ngân sách nhà nước rót xuống để hỗ trợ cho nhà trường để thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng còn hạn chế nên chúng tôi phải tính đến việc huy động nguồn vận động từ xã hội hóa.

Tuy nhiên, khi làm công tác xin thêm kinh phí từ các bậc phụ huynh thì vẫn còn một bộ phận phụ huynh còn tư tưởng rằng, việc chăm lo các điều kiện học tập cho học sinh ở nhà trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền chứ họ không có nghĩa vụ ủng hộ thêm.

Vì thế, việc hợp tác giữa nhà trường với các bậc phụ huynh để tăng cường trang thiết bị dạy học cho các học sinh gặp không ít khó khăn.

Cùng chung những vướng mắc trên, thầy Nguyễn Xuân Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) cho biết:

“Để theo kịp lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt với khối lớp 1 thì trước đó chúng tôi đã cho một số giáo viên nằm trong kế hoạch đi tập huấn chuyên môn và được các giảng viên ở Trường Đại học Vinh (Thành phố Vinh, Nghệ An) trực tiếp giảng dạy.

Không chỉ về bồi dưỡng chuyên môn chúng tôi còn lựa chọn ra một số giáo viên có bề dày kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm để phân công dạy chương trình mới để việc khởi đầu được suôn sẻ.

Nhìn chung đến thời điểm này, công tác dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới của cô trò Trường Tiểu học Diễn Trung đã dần đi vào ổn định, giáo viên tự tin, học sinh tiếp thu bài tốt, nhẹ nhàng, phụ huynh đồng thuận và yên tâm”.

Tuy nhiên, thầy Long vẫn còn một số băn khoăn về việc tiếp cận các nguồn sách giáo khoa mới.

Bởi lẽ, trong bộ sách giáo khoa mới có nhiều điểm còn lạ lẫm, đặc biệt là về các thao tác thuộc về công nghệ khiến nhiều giáo viên ngoài giờ dạy học còn phải đầu tư thêm thời gian để nghiên cứu.

Điều này một phần làm chậm quá trình giảng dạy, hơn nữa do chưa tìm hiểu được kỹ nên bài giảng thực sự chưa có chiều sâu.

Đó là chưa kể đến việc một số giáo viên vẫn còn tư tưởng ngại đổi mới, thiếu mạnh dạn trong việc thực hiện chương trình mới khiến tiến trình này gặp không ít khó khăn.

Trung Dũng