Không có kẻ tiếp tay, không thể tuồn sách giả vào trường học

17/12/2020 06:13
Lê Mai
GDVN- Nạn sách giả, đặc biệt là sách giáo khoa giả đã và đang len lỏi vào chốn học đường bằng cách này hay cách khác.

Tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang gặm nhấm nền kinh tế xã hội không riêng quốc gia nào.

Với nước ta, đau lòng nhất chính là bằng cấp giả, nay còn có thêm cả bằng thật học giả, những người sử dụng bằng giả nhưng chức vụ thật, là vật cản tiến bước của nước nhà.

Cùng với đó là nạn sách giả, đặc biệt là sách giáo khoa giả đã và đang len lỏi vào chốn học đường bằng cách này hay cách khác, thu lợi bất chính trên học trò, gieo mầm mất niềm tin vào xã hội trong chốn học đường…

Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “sách giáo khoa giả” chúng ta có ngay 73.200.000 kết quả trong 0.39 giây. Thế mới biết sách giáo khoa giả đã và đang hiện diện, tàn phá xã hội như thế nào.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên Google.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên Google.

Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ông Lê Thành Anh đã chỉ ra nhiều nguyên nhân trước tình trạng các xuất bản phẩm giáo dục bị in lậu tràn lan.

Trước tiên, lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu mang lại rất lớn. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, chế tài xử lý của pháp luật dù đã được cập nhật, bổ sung nhưng vẫn chưa đầy đủ. Hơn nữa, khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ nghiêm.[1]

Vì lợi nhuận, những người sản xuất sách giáo khoa giả tìm mọi cách để đưa được sách giả đến người tiêu dùng.

Điều đáng buồn hơn, chính những người trong ngành giáo dục đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho nạn tiêu thụ sách giả, hàng giả ngay trong trường học.

Tháng 9/2020, nhóm phụ huynh Trường Trung học cơ sở Châu Giang thị xã Duy Tiên đã báo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hà Nam.

Ban chỉ đạo này đã mời đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đến thẩm định khoảng 10 cuốn vở bài tập phụ huynh đem tới.

Sau khi thẩm định, các chuyên gia của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhận ra có sách giả gồm: vở bài tập ngữ văn 6 (tập 2); vở bài tập toán 6 (tập 2); học mỹ thuật lớp 2, vở bài tập môn vật lý, ngữ văn, địa lý, toán, lịch sử, công nghệ, hóa, sinh học của lớp 6, lớp 8 và lớp 9... vv. Các sách này sử dụng tem giả, sách bị scan lại, chất lượng in không đảm bảo...

Những sách giáo khoa trên học sinh Trường Trung học cơ sở Châu Giang và Trường Trung học cơ sở Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đang sử dụng.

Ông Vũ Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Châu Giang, cho biết Phòng Gíao dục và Đào tạo thị xã Duy Tiên là đơn vị giới thiệu cho trường các đầu sách. Học sinh của trường đăng ký tự nguyện, trường tổng hợp gửi lại để Phòng Giáo dục và Đào tạo đặt sách gửi về.

Tuy nhiên, ông Bùi Đình Thanh - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Duy Tiên - lại nói: "Đó là câu trả lời của hiệu trưởng thôi, còn bản chất vấn đề không phải như thế. Từ trước đến nay phòng chưa ban hành một văn bản nào về việc giới thiệu sách cho các trường mua".

Ông Thanh cho biết trong vụ việc này Phòng Giáo dục và Đào tạo không liên quan. Tuy vậy, ông Thanh thừa nhận "có một chuyên viên được biệt phái về phòng" đã giới thiệu nguồn sách của Công ty VNBOOKS cho Trường Trung học cơ sở Châu Giang.

Ông Thanh khẳng định chuyên viên này thuộc biên chế Trường Trung học cơ sở Châu Giang được biệt phái về Phòng Gíao dục và Đào tạo làm công tác thống kê, kế hoạch sách thiết bị.

"Trong thời gian biệt phái, mọi chế độ chính sách chuyên viên này hưởng tại đơn vị sự nghiệp dưới trường, còn công việc cụ thể thì phòng phân công" - ông Thanh nói.

Thế nhưng hiệu trưởng Vũ Hoàng Long lại khẳng định chuyên viên mà ông Thanh nói đã làm việc tại Phòng Gíao dục và Đào tạo lâu rồi và chưa bao giờ làm việc tại Trường Trung học cơ sở Châu Giang (?!).[2]

Sách giả vào trường học không thể chỉ dừng lại ở ... thu hồi.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, thành viên ban thường trực chống in lậu của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, cho biết: "Qua hai lần kiểm tra chúng tôi nhận thấy tỉ lệ đầu sách giả rất lớn.

Đây chỉ là số đầu sách ngẫu nhiên phụ huynh đem đi thẩm định mà tỉ lệ giả đã nhiều như thế thì theo kinh nghiệm của chúng tôi, số sách giả ở Duy Tiên, Hà Nam chắc chắn không ít. Theo tôi, cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra tìm ra ai là người đã đưa sách giả vào trường học".

Như vậy, số sách giả ở Duy Tiên, Hà Nam chắc chắn không ít, phải có đường dây mua bán mới có thể đưa sách giả vào trường học được.

Vụ việc đưa sách giả vào trường Trường Trung học cơ sở Châu Giang và Trường Trung học cơ sở Mộc Nam chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Dư luận đang rất cần câu trả lời của cơ quan chức năng, ai, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Châu Giang hay Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Duy Tiên đúng?

Việc sách giả vào trường học do chính người trong ngành tiếp tay càng cần phải xử lý dứt điểm, không thể chỉ dừng lại ở thu hồi sách.

Nếu sách do do Công ty VNBOOKS cung cấp cho Trường Trung học cơ sở Châu Giang như lời ông Bùi Đình Thanh - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Duy Tiên đã nói, cơ quan chức năng đã làm rõ chưa? Đã xử lý chưa?

Việc cán bộ nhân viên ngành giáo dục tiếp tay đưa sách giả vào trường học đã vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; hơn thế nữa nó có tác hại cực lớn với niềm tin của học sinh, của xã hội với ngành giáo dục.

Vì vậy cần xử lý triệt để nhằm giáo dục, răn đe những người khác đã và đang có ý định thu lợi bất chính trên học trò.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/sach-giao-khoa-gia-noi-lo-that-364076/

[2] https://tuoitre.vn/sach-gia-chui-vao-truong-do-cap-tren-gioi-thieu-20201214213246857.htm

https://vtv.vn/tieu-dung/hang-nghin-quyen-sach-giao-khoa-gia-bi-phat-hien-tai-gia-lai-20190823115756921.htm

Lê Mai