Nội dung này đã được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - Giáo sư Nguyễn Thanh Long đề cập khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tại phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sáng 28/9.
Theo đánh giá của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400 nghìn người không bị lây nhiễm HIV và 150 nghìn người không bị tử vong do AIDS.
Giáo sư Nguyễn Thanh Long cho hay: “Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thuỵ Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng”.
Luật hiện hành đang còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiêm HIV, điều này dẫn đến người nhiễm vẫn làm lây cho người khác. Do đó, Dự thảo luật bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị.
Cụ thể “người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS thuộc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phòng chống HIV/AIDS tại các cấp” được thông báo kết quả xét nghiệm HIV để thống kê, đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng của họ.
Những người được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV gồm: Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch vụ HIV/AIDS; người đứng đầu được giao nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV”. Đồng thời quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày báo cáo tại phiên họp. |
Bày tỏ sự đồng tình với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, không đặt nặng vấn đề quản lý nhà nước song quản lý nhà nước cũng không ngoài cuộc.
“Không thể lấy lý do bí mật đời tư để làm giảm nhẹ vai trò quản lý Nhà nước, vì quản lý ở đây là để phòng chống lây nhiễm, giảm nguy cơ cho xã hội vì khi một người nhiễm HIV thì nguy cơ lây nhiễm là hiện hữu”, ông Nhưỡng nói.
Đồng thời ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đặt ra vấn đề liên quan đến quy định thông báo kết quả xét nghiệm dương tính HIV với vợ, chồng, người có quan hệ tình dục... dự thảo Luật đưa vào thành nghĩa vụ thông báo thì có đưa một chế tài khống chế để đảm bảo chặt chẽ.
Cũng có ý kiến băn khoăn đối tượng ở cơ sở y tế được thông báo trong dự thảo quy định cụ thể nhưng sinh viên thực tập được phân công điều trị, chăm sóc thì có được cung cấp thông tin hay không cũng cần được xem xét.
Dự thảo quy định độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV.
Phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới
Liên quan tới vấn đề này, sáng ngày 29/9 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Định hướng công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đang tiến hành tổng kết 15 năm thực Chỉ thị 54-CT/TW, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030.
Dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW được trình bày tại hội thảo nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu, chỉ ra những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống HIV/AIDS:
Một là, nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có sự thay đổi tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm rõ rệt.
Hai là, các cấp uỷ, chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đồng bộ và toàn diện, bảo đảm vừa hỗ trợ cho người nhiễm HIV, vừa quan tâm đầy đủ quyền lợi của người tham gia phòng, chống HIV/AIDS cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS.
Ba là, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bài bản với sự đổi mới về nội dung, sự sáng tạo, linh hoạt về hình thức và sự bao phủ, đa dạng các nhóm đối tượng đã góp phần tạo nhận thức đúng đắn về đại dịch HIV/AIDS, sự thay đổi tích cực về thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Bốn là, đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từng bước được nâng cao về trách nhiệm xã hội và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hệ thống Chỉ đạo và tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động thường xuyên. Sự phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bước đầu chặt chẽ và hiệu quả.
Năm là, Nhà nước, xã hội và cộng đồng quốc tế đã có sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong suốt 15 năm qua, đặc biệt từ nguồn viện trợ quốc tế, ngân sách địa phương, bảo hiểm y tế và xã hội hoá, tập trung cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV, quản lý và giám sát dịch tễ.
Sáu là, các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả, gồm các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, điều trị ARV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giám sát phát hiện dịch HIV.
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia uy tín, nêu nhiều giải pháp phòng chống HIV/AIDS. |
Đồng tình với những nhận định nêu tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần đề xuất cần một chỉ thị mới về chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030 để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 15 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: giảm số người nhiễm HIV mới phát hiện, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong do AIDS). Đặc biệt trong 5 năm gần đây, phát hiện số ca nhiễm HIV mỗi năm giảm 2/3 (xuống còn 10.000 ca) và số tử vong giảm 80% (còn hơn 2.000 ca).
Kết quả này giúp Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% trong năm 2020, đạt mục tiêu dưới 0,3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) của Liên hợp quốc vào năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, các đại biểu cũng cho rằng, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn những tồn tại, tại chế như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền chưa quyết liệt; nhiều địa phương chưa xây dựng quy chế phối hợp liên ngành; kinh phí dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt tại tuyến cơ cở thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động tại một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục; độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), mặc dù dịch HIV/AIDS sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng đã thuyên giảm, nhưng diễn biến còn phức tạp, gia tăng nhanh ở nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) và tiêm chích ma tuý (TCMT), chưa bảo đảm tính bền vững và còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát.
Do vậy, HIV/AIDS hiện vẫn còn là vấn đề sức khoẻ công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam... Do đó cần thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tiếp tục cần phải có những chủ trương và biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, đây sẽ là một trong những cơ sở để ban tổ chức tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo tổng kết, hoàn thiện đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chủ trương mới về phòng, chống HIV/AIDS cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu trong những năm tới.