Ngày 19/12, tại Phú Yên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam”.
Trong 2 năm qua, Hiệp hội cùng với Viện đã tổ chức 4 cuộc hội thảo, tọa đàm về nội dung này. Đây là lần thứ 5 và cũng là tọa đàm tổng kết đề tài này.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Trần Hồng Quan – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam; Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Bùi Thanh Toàn- Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Phú Yên và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông cùng chủ trì chương trình tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có Phó giáo sư Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu và lãnh đạo nhiều trường đại học trong cả nước.
Ngày 19/12, tại Phú Yên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam”. (ảnh: T.L) |
Tại tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ, khi tự chủ thì chất lượng giáo dục đại học ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao. “Chúng ta hay nói đến tự chủ chương trình, nhân sự, tài chính tuy nhiên, theo tôi, tự chủ chương trình là chính, rồi tự nó sẽ dẫn dắt các tự chủ khác. Và chỉ tự chủ được khi Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất”- Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.
Đặc biệt theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nếu thực hiện thí điểm tự chủ mà vẫn phải thực hiện mọi quy định như chưa thí điểm thì chẳng khác nào không tự chủ.
Trong khi đó Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh thì “đổi mới biết rằng rất khó vì sự đồng tâm của các bên liên quan từ người dân đến những người làm người làm trong ngành giáo dục đều thay đổi tư duy cùng lúc về tự chủ đại học đi kèm với đó đổi mới cách thực hiện thì cực kỳ gian nan, vất vả”.
Tuy nhiên từ kinh nghiệm tự chủ từ năm 2017, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng:
“Khi tự chủ thì cán bộ, giảng viên phải làm gấp 5-6 lần so với trước nên mức lương cũng phải được trả xứng đáng. Chỉ khi nào chiêu mộ được người giỏi thì chất lượng mới tăng lên, chính vì vậy từ năm 2017 trường Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh không nhận chi thường xuyên 60 tỷ đồng/năm trong khi lúc đó học phí không thể tăng do thực hiện theo Nghị quyết 86 nhưng chiến lược của chúng tôi là dành 80% nguồn lực để thu hút, giữ chân người giỏi”.
Từ góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định: “Nếu không có Hội đồng trường đích thực thì không có tự chủ đại học và khi đó chủ trương của Đảng, Nhà nước không thực hiện được”.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, muốn tự chủ đại học được thì hệ thống văn bản pháp luật phải đồng bộ. Nhưng, hiện nay, Luật 34 và Nghị định 99 là một bước tiến trong hệ thống văn bản về tinh thần về tự chủ đại học, đổi mới tuy nhiên các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Công chức, Luật Viên chức… vẫn chưa thể hiện được tinh thần này.
Trong khi thực hiện tự chủ thì các cơ sở giáo dục đại học ngoài việc chấp hành Luật giáo dục đại học thì còn phải “làm đúng” các luật khác, khi các luật này chưa sửa thì làm sao thực hiện được tự chủ, ai dám đi tiên phong?
Trong lúc các văn bản luật khác chưa thể hiện đúng tinh thần tự chủ thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề xuất, Chính phủ cần ban hành một nghị định riêng cho các trường thực hiện thí điểm tự chủ để cơ sở giáo dục có cơ sở thực hiện chứ không phải vừa làm vừa mò như hiện nay. “Nếu tính pháp lý không có thì rất khó thực hiện tự chủ”, Tiến sĩ Khuyến nói.
Nhìn nhận về tự chủ đại học thời gian qua, Phó giáo sư Trần Đình Thiên khẳng định: “Ở Việt Nam, cải cách giáo dục đi liền với rủi ro, ai đi trước, đi tiên phong là dễ chết. Rủi ro khi cải cách giáo dục thể hiện rõ qua trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân”.
Phó giáo sư Trần Đình Thiên (đứng) khẳng định: “Ở Việt Nam, cải cách giáo dục đi liền với rủi ro, ai đi trước, đi tiên phong là chết". (ảnh: T.L) |
Do đó, theo Phó giáo sư Trần Đình Thiên, muốn tự chủ đại học được thì các trường phải được định hình bằng một hệ tiêu chuẩn chung chứ hiện nay hệ thống giáo dục đại học dường như được quy về thông qua bằng cấp và rất hình thức.
“Khi nào bỏ được chế độ tuyển dụng thông qua bằng cấp thì sẽ giải quyết được câu chuyện bằng giả, bằng thật và lúc đó hệ thống giáo dục tự ắt sẽ thay đổi căn bản, toàn diện”, Phó giáo sư Trần Đình Thiên nhận định.
Rõ ràng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách là khâu nền tảng rất quan trọng để tự chủ đại học phát triển, các quy định dưới luật phải chi tiết, rõ ràng và tạo điều kiện để các trường thực hiện nhưng khi luật pháp chưa đồng bộ thì Giáo sư Trình Quang Phú đề xuất: "Khi còn độ vênh giữa các luật về tự chủ đại học thì phải có tư duy đổi mới. Tư duy phải được phổ cập đồng bộ từ chuyên viên đến lãnh đạo. Nếu tư duy không đổi mới thì chỉ là "bình mới rượu cũ"".