Bộ đã giảm áp lực thi-kiểm tra, chợ đề online vẫn tấp nập giáo viên mua bán

21/12/2020 05:57
KIM OANH
GDVN- Nếu giáo viên mua đề kiểm tra, đương nhiên nó sẽ dẫn đến tình trạng một là đề khó, hai là đề dễ nên sẽ rất khó phù hợp với tình hình thực tế học tập của học sinh.

So với các năm học trước đây, bắt đầu từ năm học 2020-2021 này thì Bộ đã ban hành Thông tư 26 nên các bài kiểm tra định kỳ các môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ còn có 1 bài kiểm tra giữa kỳ và 1 bài kiểm tra cuối kỳ.

Như vậy, những môn học nhiều tiết đã được giảm số lượng bài kiểm tra định kỳ rất nhiều so với trước đây, nhất là môn Ngữ văn lớp 9 giảm bớt 5 bài kiểm tra từ 1-2 tiết.

Một giáo viên đăng tin mua (xin) đề kiểm tra học kỳ (Ảnh chụp từ màn hình facebook của giáo viên).

Một giáo viên đăng tin mua (xin) đề kiểm tra học kỳ

(Ảnh chụp từ màn hình facebook của giáo viên).

Điều này có nghĩa là áp lực ra đề, chấm bài kiểm tra của giáo viên cũng đã được giảm bớt. Tuy nhiên, khi gần thời điểm kiểm tra học kỳ thì trên các trang tài khoản facebook giáo viên của nhiều môn học vẫn thấy xuất hiện tình trạng một số thầy cô giáo hỏi mua, bán bài kiểm tra học kỳ.

Vì sao lại giáo viên phải hỏi mua (xin) đề kiểm tra học kỳ?

Nhiều người xem chuyện giáo viên đang bán, mua giáo án trên mạng internet là một việc bình thường vì mua để “học hỏi kinh nghiệm” và điều cốt yếu là để đối phó khi bị Ban giám hiệu, tổ chuyên môn kiểm tra.

Thôi thì cứ cho là vậy đi nhưng ngay cả chuyện làm 1 cái đề kiểm tra học kỳ mà vẫn có hiện tượng giáo viên bán mua thì có còn xem là một chuyện bình thường được không?

Chúng tôi cho rằng việc giáo viên phải mở lời hỏi mua, phải bỏ tiền để mua đề kiểm tra học kỳ một cách công khai trên các trang facebook giáo viên là chuyện không hề bình thường và rất đáng buồn.

Thứ nhất: thông thường các lớp cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì Sở Giáo dục sẽ đảm nhận việc ra đề kiểm tra học kỳ đối với các môn học nhiều tiết để học sinh làm quen với các dạng bài thi tuyển sinh 10 và thi quốc gia sau này.

Các trường sẽ đảm nhận việc ra đề một số môn học còn lại của khối cuối cấp và các khối còn lại. Điều này có nghĩa các trường sẽ căn cứ vào tình hình của đơn vị mình để xây dựng kế hoạch và triển khai việc ra đề kiểm tra học kỳ cho học sinh.

Nếu trường có điều kiện, học sinh học tốt thì thông thường giáo viên sẽ ra đề có mức độ khó hơn, tăng câu hỏi vận dụng và giảm bớt câu hỏi đọc- hiểu hoặc tăng thêm mức độ khó hơn ở các phần của đề kiểm tra.

Những tin như thế này nhan nhản trên các nhóm facebook của giáo viên (Ảnh chụp từ màn hình).

Những tin như thế này nhan nhản trên các nhóm facebook của giáo viên

(Ảnh chụp từ màn hình).

Các trường mà còn khó khăn, học lực của học sinh không tốt thì ra đề kiểm tra ở mức thấp, nhẹ nhàng hơn để phù hợp với thực tế của đơn vị mình. Điều này đều được Sở, Phòng Giáo dục lập kế hoạch hướng dẫn và triển khai trước thời điểm các trường ra đề kiểm tra.

Nếu giáo viên mua đề kiểm tra, đương nhiên nó sẽ dẫn đến tình trạng một là đề khó, hai là đề dễ nên sẽ rất khó phù hợp với tình hình thực tế học tập của học sinh tại đơn vị.

Thứ hai: việc mua đề của giáo viên cũng là sự thừa nhận sự yếu kém về chuyên môn của chính mình nên mới phải phải bỏ tiền ra để mua đề.

Việc mua đề kiểm tra để nộp cho Ban giám hiệu cũng đồng nghĩa với việc giáo viên đó không biết ra một đề kiểm tra học kỳ ở môn học mà mình đang giảng dạy hàng ngày.

Trong khi, việc ra đề kiểm tra đã được ngành giáo dục tập huấn từ nhiều năm nay, đây là công việc thường niên chứ không hề mới mẻ hay quá khó khăn với người thầy.

Thứ ba: việc mua đề nếu là giáo viên có khả năng làm được nhưng bỏ tiền ra mua cho thấy giáo viên đó…quá lười, chưa có sự đầu tư nghiêm túc cho chuyên môn, nghề nghiệp của mình theo đuổi.

Những hệ lụy từ việc mua đề kiểm tra của giáo viên

Cách đây mấy ngày, chúng tôi có vào một trang facebook Ngữ văn và đọc được dòng trạng thái (status) của một giáo viên như sau: “Tưởng cái nhóm này lập ra để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy Ngữ văn. Hóa ra đây là cái chợ giáo án, sáng kiến kinh nghiệm…”. Đúng là một nhận xét chát chua nhưng… rất thật.

Có những giáo viên phải chua chát thốt lên như vậy khi vào trang facebook của đồng nghiệp (Ảnh chụp từ màn hình).

Có những giáo viên phải chua chát thốt lên như vậy khi vào trang facebook của đồng nghiệp

(Ảnh chụp từ màn hình).

Bây giờ những trang facebook của giáo viên các môn học phổ thông lập ra cũng có khi trao đổi kinh nghiệm nhưng có lẽ đúng hơn là để cho một số người mua bán các sản phẩm giáo dục.

Nhiều nhà giáo công khai bán và mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, đề kiểm tra một cách công khai, không hề e dè, ngại ngùng mà đáng lẽ ra đó là điều không đáng làm của người thầy đứng lớp.

Bởi, chẳng hạn như đề kiểm tra thường xuyên hay định kỳ thường phải căn cứ vào tình hình học lực của từng lớp mà mình dạy để giáo viên làm đề kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học trò.

Nhưng, bây giờ có một bộ phận giáo viên lại không làm như vậy mà bỏ tiền ra mua của đồng nghiệp để đối phó với tổ chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường…

Một khi giáo viên phải mua có nghĩa là giáo viên không căn cứ vào thực tế, nó sẽ dẫn đến tình trạng điểm kiểm tra của học trò có thể sẽ quá cao hoặc quá thấp bởi cho dù một môn học nhưng cách dạy của mỗi địa phương vẫn có sự định hướng khác nhau.

Đặc biệt là định hướng ra đề, thiết lập ma trận, đề kiểm tra, hướng dẫn chấm bài nhiều khi không đồng nhất nên khi mà Ban giám hiệu chọn những đề này cho kiểm tra thì đồng nghiệp trong tổ chuyên môn cũng khó khăn trong cách chấm.

Điều quan trọng không kém nữa là hình ảnh người thầy, hình ảnh nhà giáo cũng sẽ không còn đẹp trong mắt đồng nghiệp bởi khi mọi người nhìn thấy trong đơn vị mình có người đăng tin đi mua đề kiểm tra học kỳ như vậy thì kì lắm…!

KIM OANH