Công khai danh tính người dùng bằng giả trường Đông Đô có vướng luật?

24/12/2020 06:18
Lại Cường
GDVN- Đối với người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh không hợp pháp của Đại học Đông Đô cần xử lý thận trọng, phù hợp với các quy định của pháp luật

Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định trả hồ sơ vụ án "giả mạo công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra bổ sung.

Trước đó, theo kết luận của cơ quan điều tra, đã có 60 người đã sử dụng bằng giả Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 55 trường hợp sử dụng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 01 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sỹ, 01 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 01 trường hợp thi tuyển công chức, 02 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ nhưng 01 trường hợp đã nghỉ việc, 01 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ.

Việc công khai danh tính những người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông đô đang có nhiều ý kiến.

Công khai và xử lý nghiêm với ai sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô

Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu, nguyên Ủy viên ban biên tập Tạp Chí Cộng Sản cho rằng, việc ai sai thế nào, sai đến đâu ở Trường Đại học Đông Đô sẽ được cơ quan chức năng giải quyết theo trình tự pháp luật.

Còn đối với người học, Phó Giáo sư Nguyễn Linh Khiếu cho rằng cần phải có cách ứng xử phù hợp với những người học thật, thi thật bởi họ có thể đã bị lừa.

Nói họ bị lừa bởi họ không biết rằng Trường Đại học Đông Đô không được phép tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh nhưng họ vẫn ghi danh, học tập như bình thường.

Bản thân họ sử dụng văn bằng 2 đó mà không biết được văn bằng đó vô giá trị nên không thể coi họ có lỗi trong vụ việc này được. Tuy nhiên, việc thu hồi văn bằng không hợp pháp là việc cần phải làm.

Với những người đã sử dụng văn bằng này mà học thật, thi thật thì có lẽ các cơ quan chủ quản cần có cách xử lý hợp lý hơn, giả sử cho họ thời gian để bổ sung lại bằng cấp tương đương trong một khoảng thời gian cụ thể. Việc cấp bằng, chứng chỉ tương đương do cơ quan có thẩm quyền, được phép cấp. Việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ này có giá trị phù hợp từng vị trí mà họ đã sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh của Đại học Đông Đô.

Còn đối với những người biết sai mà cố tình đồng lõa theo kiểu đánh trống ghi danh rồi dùng tiền mua bằng thì đích thị đó là bằng giả. Đây có thể coi là những người đồng lõa với cái sai. Những việc này cơ quan điều tra cần làm rõ và công khai xử lý nghiêm để có tính răn đe.

Việc công khai danh tính những người này, nếu cần thiết thì nên công khai nhưng cần phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm xử lý nghiêm những người học giả, sử dụng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia cho rằng:

“Trước hết, đối với những người đã sử dụng bằng giả tại Đại học Đông Đô, cơ quan chức năng cần công khai danh tính. Không có gì phải giấu đối với các trường hợp này cả.

Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến việc, có thể họ chỉ lấy cái bằng Tiến sĩ để tiến thân.

Đó là một việc càng nguy hiểm hơn. Do vậy trước hết cần công khai danh tính đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến xử lý những trường hợp nếu đã cấp bằng Tiến sĩ này.

Các cơ quan mà những người sử dụng bằng Tiến sĩ, cũng cần phải có hình thức xử lý.

Cần phải mạnh tay để làm gương cho những tiến sĩ “rởm” có ý định mua bán bằng với mục đích làm đẹp hồ sơ, tiến thân...

Làm sao có thể chấp nhận những kẻ dùng tiền để mua tri thức sau đó lại xếp ngang hàng với những trí thức thực thụ đổ mồ hôi, công sức trên giảng đường, trong các trung tâm nghiên cứu được.

Một lần làm triệt để sẽ có tính giáo dục, răn đe với những người có ý định mua bán bằng giả”, Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn chia sẻ.

Một văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh của đại học Đông Đô do Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký. Ảnh: VNE

Một văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh của đại học Đông Đô do Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký. Ảnh: VNE

Công khai danh tính những người sử dụng bằng giả có vướng luật?

Cũng có ý kiến cho rằng, việc công khai danh tính những người sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh của Đại học Đông Đô có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân nên việc công bố cần thận trong nếu không sẽ vướng luật.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng:

Về nguyên tắc theo quy định pháp luật thì bí mật đời tư cá nhân được pháp luật bảo vệ, nội dung này được Hiến pháp và Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể.

Cụ thể bộ luật dân sự quy định như sau:

Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài ra bộ luật dân sự cũng quy định về quyền tự do về hình ảnh như sau:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Sự việc tại Đại học Đông Đô đang thu hút sự chú ý của xã hội. Ảnh: Trung Dũng

Sự việc tại Đại học Đông Đô đang thu hút sự chú ý của xã hội. Ảnh: Trung Dũng

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì quyền tự do về nhân thân, về hình ảnh của con người được pháp luật ghi nhận bảo đảm và bảo vệ.

Tuy nhiên trong một số trường hợp thì cần phải công khai danh tính, thông tin, hình ảnh của công dân để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, của quốc gia.

Những trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội có thể đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng thì cần phải công khai danh tính để mọi người biết mà phòng tránh.

Còn các trường hợp khác mà chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án thì chưa được coi là có tội, việc sử dụng hình ảnh, thông tin của nghi phạm cần phải thận trọng, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Đối với những người vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý hình sự thì pháp luật chỉ cho phép công khai thông tin hình ảnh của những người phạm có khả năng gây mất an toàn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc phòng, trật tự công cộng.

Còn với các tội phạm thông thường thì không nhất thiết và không được phép được công bố thông tin, hình ảnh của họ.

Việc công bố phải với mục đích là để ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể tiếp tục xảy ra, giúp mọi người cảnh giác, giảm bớt những thiệt hại cho xã hội.

Việc thông tin về kết quả xử lý vi phạm do cơ quan có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở yêu cầu, báo cáo của các cơ quan chức năng, trong đó có thể là kết quả xác minh của cơ quan báo chí, quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường nêu.

Với những trường hợp vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính hoặc kỷ luật thì pháp luật hiện nay cũng không quy định chế tài hoặc biện pháp hành chính là công khai danh tính của người vi phạm.

Lại Cường