Vừa qua, tại tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp tổ chức, một trong những nội dung được Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần chấn chỉnh, xây dựng lại đó là quy chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017: “Các hợp đồng giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế”.
Tức là, hiện nay kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo cơ chế: đơn vị kiểm định A ký hợp đồng như một hợp đồng kinh tế với đơn vị được kiểm định B, sau đó đơn vị B có nghĩa vụ gửi tiền cho đơn vị A, còn đơn vị A phải trả kết quả kiểm định cho đơn vị B.
Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông (ảnh: T.L) |
Nhìn nhận từ điều này, Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng: “Cơ chế này không hợp lý, không ổn và tạo ra một quan hệ mà chúng ta khó tin cậy vào kết quả kiểm định”.
Do đó, Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất cần phải xây dựng lại, chấn chỉnh quy chế kiểm định.
“Nếu nói nước khác cũng làm theo cơ chế đó thì xin thưa hoàn cảnh của nước ta hoàn toàn khác bởi vì chúng ta có nhiều chuyện không thật thà như việc mua – bán bằng cấp… do đó cần làm thật sự nghiêm túc”, Giáo sư Trần Hồng Quân lý giải.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị, cần xây dựng Hội đồng quốc gia đánh giá về kiểm định và xây dựng quỹ quốc gia do Hội đồng đó điều hành.
Khi có Hội đồng đó rồi thì “đơn vị A kiểm định trường B thì Hội đồng đó sẽ chi trả kinh phí chứ không phải trường B nhưng trường B cũng như tất cả các trường đều phải có nghĩa vụ đóng góp quỹ chung của nhà nước. Tức là sẽ không còn mối quan hệ kinh tế trực tiếp giữa đơn vị kiểm định và đơn vị được kiểm định”, Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất.
Theo Giáo sư, cần có cơ chế tránh quan hệ “hợp đồng kinh tế” trực tiếp bởi vì chúng ta càng ngày càng tự chủ thì điều giúp chúng ta yên tâm về chất lượng đó chính là giám sát minh bạch.
Ngoài ra, về vấn đề quản lý nhà nước, Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng, hiện chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu do đó cần sớm xem xét lại vấn đề bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.
Bởi lẽ, theo thầy Quân: “Kinh nghiệm và thông lệ quốc tế thì giáo sư của trường đại học A không thể mặc nhiên trở thành giáo sư của trường đại học B nếu trường B không thừa nhận. Do đó card visit của họ đều ghi rất rõ giáo sư của trường nào đó chứ không phải giáo sư chung chung.
Vì vậy khi họ thôi làm việc ở trường A có nghĩa là không còn là giáo sư trường A nữa, lúc đó muốn đăng ký làm giáo sư trường B thì phải được hội đồng khoa học trường B bổ nhiệm nếu đủ trình độ.
Như vậy có nghĩa là từng trường họ có yêu cầu bổ nhiệm giáo sư để lãnh đạo một tập thể khoa học nào đó, còn chúng ta bổ nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư lại mà mang tính toàn quốc, gắn vĩnh viễn suốt đời là không hợp lý”.
Tại điều 39, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT nêu rõ: Hợp đồng thẩm định báo cáo tự đánh giá và đánh giá ngoài giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục:
1. Theo đề nghị của cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ký hợp đồng với cơ sở giáo dục để thẩm định báo cáo tự đánh giá. Cơ sở giáo dục gửi báo cáo tự đánh giá và các hồ sơ liên quan cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để thẩm định.
2. Trong thời gian 20 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định báo cáo tự đánh giá, trả kết quả thẩm định cho cơ sở giáo dục với các trường hợp sau:
a) Báo cáo tự đánh giá không đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung. Cơ sở giáo dục cần tiếp tục hoàn thiện;
b) Báo cáo tự đánh giá đã đáp ứng yêu cầu và có thể triển khai đánh giá ngoài.
3. Trong trường hợp báo cáo tự đánh giá đã đáp ứng yêu cầu, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cùng cơ sở giáo dục thoả thuận ký hợp đồng đánh giá ngoài.
4. Các hợp đồng giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.