Giúp trẻ trở thành người tốt, tránh thói ích kỷ

30/12/2020 06:29
Khánh Văn
GDVN- Hướng con trở thành người tốt, sống có trách nhiệm để trở thành một người tử tế đúng nghĩa trong tương lai là cả một chặng đường dài.

Thời hiện đại, nhiều khi cha mẹ bận rộn với quá nhiều công việc ngoài xã hội mà có lúc xao nhãng việc hỏi han, kèm cặp con em mình ở nhà. Trong khi, thế giới mạng mà hàng ngày các em đang tiếp cận có rất nhiều điều tiềm ẩn những nỗi lo.

Các em được xem nhiều phim ảnh, nhiều clip trên youtube, trong đó có nhiều sản phẩm cảnh bạo lực, ngôn từ tục tĩu, những hành động không trung thực…

Hướng con trở thành người tốt, sống có trách nhiệm, biết trân quý cuộc sống, biết yêu thương để trở thành một người tử tế đúng nghĩa trong tương lai là cả một chặng đường dài mà điều cốt yếu là cha mẹ biết lắng nghe và định hướng đúng cho con.

Hướng con trở thành người tốt, sống có trách nhiệm để trở thành một người tử tế đúng nghĩa trong tương lai là cả một chặng đường dài. (Ảnh minh họa: Thoidai.com.vn)

Hướng con trở thành người tốt, sống có trách nhiệm để trở thành một người tử tế đúng nghĩa trong tương lai là cả một chặng đường dài. (Ảnh minh họa: Thoidai.com.vn)

Chuyện những đứa trẻ ở nhà

Đi làm về đến nhà, anh Tuấn thấy hai đứa con trai của mình đang cãi nhau inh ỏi trong nhà bằng những lời lẽ rất khó nghe. Nhất là thằng em cứ "mày - tao" với anh và luôn cho mình là đúng.

Thấy bố về, hai đứa không cãi nhau nữa mà thằng em chạy lại mếu máo: Bố ơi, thằng Bo ở nhà không cho con xem ti vi mà còn đánh con, bố đánh nó nhé. Nó là anh mà không chịu nhường con.

Cu Bo cũng lên tiếng thanh minh với bố: Bố đừng nghe nó, con đang xem phim thì em chạy lại giành ti vi của con để chuyển sang kênh khác xem phim hoạt hình, con không chịu thì nó vùng vằng chửi và phá con từ nãy đến giờ.

Nghe chuyện của hai đứa con trai, anh không quát nạt hay chửi bới đứa nào cả mà bảo hai con ngồi xuống giải thích:

- Bố thấy hai con đều đúng là cũng đều sai, cái sai của hai con là gì, các con có biết không?

Anh nói với Bo: Con là anh, khi em giành mình xem ti vi đáng lẽ ra con nói với em là để anh xem hết bộ phim này rồi anh cho em xem. Khi thấy em hỗn với mình, thay vì đứng cãi nhau với em, con hãy ôn tồn nhẹ nhàng giải thích với em để em không còn có thái độ như vậy nữa.

- Còn cu Bi, con là em không có nghĩa là cái gì con muốn thì anh cũng phải chiều theo. Khi con thấy anh đang xem thì việc mình muốn xem phim khác phải hỏi xem anh có đồng ý không hoặc xin anh cho mình mượn ti vi chứ không phải thích là giành với anh.

Hơn nữa, con là em, sao lại gọi anh của mình là “mày” xưng “tao” vậy? Bố mẹ có dạy con như vậy đâu. Dù trong hoàn cảnh nào thì anh của con vẫn là anh, mình là em phải lễ phép khi xưng hô với anh chứ.

Đã là anh em một nhà thì cả hai con phải xưng hô anh - em trong mọi nơi, mọi lúc, không có chuyện "mày, tao, nó" ở đây nghe chưa các con!

Hai đứa dù còn ấm ức trong lòng nhưng khi nghe bố nói như vậy đều vâng dạ rồi vào phòng mình học bài không dám cự cãi, đôi co với nhau nữa.

Chuyện ở trường

Lần khác, khi cu Bi đi học về thấy tay trái cứ nâng lên khác thường, anh hỏi con tay bị sao vậy thì con trả lời là bạn xô ngã.

Rồi nước mắt cu Bi chảy ròng ròng nói trong mếu máo: Mai bố đến đánh nó nhé, nó làm con đau mà lại còn không xin lỗi nữa.

Nghe con nói xong anh khẽ nhẹ nhàng nói với con: Bố còn phải tìm hiểu xem nguyên nhân do con hay do bạn, bạn xô con có chủ ý hay là bạn đùa giỡn. Hơn nữa, trường học không phải là cái chợ con ạ, trường học còn có nhà trường, thầy cô giáo.

Nếu bạn sai, bạn sẽ xin lỗi con, nếu bố đánh bạn thì bố sẽ có lỗi với bạn con, với nhà trường mà lỗi của người lớn thì thường lớn hơn lỗi của các con nhiều.

Buổi chiều, thấy con vẫn kêu đau tay và đòi đi bệnh viện, anh hỏi lại con nếu đau sơ sơ thì thôi, nếu đau thật cả đi bệnh viện nhưng thằng con nhất quyết là kêu đau lắm phải đi chụp phim xem thế nào.

Vì thấy con nhăn mặt mà kêu đau nên anh đem con vào một bệnh viện tư để chụp phim, sau khi chụp xong thì bác sĩ nói tay cháu chỉ bị đau phần mềm, xương không có vấn đề gì cả.

Nghe bác sĩ nói vậy, cu Bi nhìn bố ngại ngùng bảo bây giờ con hết đau rồi bố ạ.

Về nhà, anh nhẹ nhàng nói với con: bố nhiều việc lắm, nhưng con đau thì bố sẽ bỏ tất cả để đem con đi bệnh viện. Tuy nhiên, con phải biết là làm việc gì cũng phải suy nghĩ cho kỹ lưỡng. Chuyện hôm nay, cho thấy con chưa trung thực.

Ở trường, các con đùa giỡn với nhau là rất bình thường, nếu có chuyện bất khả kháng xảy ra thì bố mẹ và thầy cô sẽ có hướng giải quyết chứ con đừng có tư tưởng thấy bạn sai với mình rồi về đòi bố vào trường đánh bạn.

Bố đánh bạn con thì dễ vô cùng nhưng đánh bạn con xong rồi bố sẽ là người có lỗi và không ai còn dám chơi với con nữa. Có những lúc mình tha thứ cho bạn, biết đâu có những lúc con lỡ tay thì bạn sẽ tha thứ lại cho mình.

Ở đời, “một điều nhịn là chín điều lành”, nên mình phải biết sẻ chia và tha thứ cho nhau để cuộc sống nhân lên những điều tốt đẹp con ạ.

Các con còn nhỏ, thường hay hiếu động và vẫn đùa nghịch với nhau nên chuyện va vấp hàng ngày là điều khó tránh khỏi nhưng cứ gặp như vậy mà bạn nào cũng về mách bố và đòi bố vào đánh bạn thì còn ra thể thống gì nữa.

Con hãy biết trân trọng tình bạn, sự yêu thương từ gia đình và nhà trường để nuôi dưỡng tâm hồn mình trong sáng, thánh thiện thì mới trở thành một người tốt sau này được.

Đừng chấp nhặt, đố kỵ những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống với nhau mà cuộc sống thêm nặng nề, thù hận.

Bi nghe bố nói xong thì im lặng và có lẽ biết mình đã có những hành vi ứng xử chưa phải. Cũng từ đó mà anh Tuấn ít còn nghe các con cãi vã nhau, không còn nghe con về mách chuyện cự cãi nhau với bạn bè ở nhà trường.

Suy cho cùng, chuyện dạy cho con trở thành người tốt, biết hòa nhã, biết cư xử với bạn bè có chừng mực là cả một quá trình nhẫn nại của bậc cha mẹ.

Điều cốt lõi là chúng ta biết định hướng, biết ghìm những cảm xúc của con khi nóng giận để các con biết vị tha và bồi dưỡng cho tâm hồn nhưng điều tốt đẹp.

Khánh Văn