Thù lao thấp có phải là nguyên nhân lọt sạn vào sách giáo khoa?

30/12/2020 09:23
Sơn Quang Huyến
GDVN- Có làm, có sai, nhưng sai ở mức độ cho phép, chúng ta cũng nên thông cảm. Nhưng với sách giáo khoa, tuyệt đối không nên có sai sót.

Vấn đề "sạn" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đã làm dư luận xôn xao trong thời gian qua. Nhiều người lo lắng cho tương lai của giáo dục nước nhà, khi thành công của chương trình mới phụ thuộc vào sách giáo khoa và giáo viên.

Với giáo viên, để đảm bảo đáp ứng ngay tất cả là điều khó làm với cơ quan quản lý. Còn với sách giáo khoa, nhiều người tin rằng, với các các "cây đa, cây đề" trong làng giáo đầy kinh nghiệm canh “cửa ải”, “sạn” không dễ gì lọt qua được.

Vì vậy, tìm ra nguyên nhân để lọt “sạn” vào sách giáo khoa là biện pháp căn cơ, đảm bảo trong thời gian tới, các bộ sách mới không còn “sạn” lọt vào.

Thù lao thấp có phải là nguyên nhân lọt “sạn” vào sách giáo khoa?

Theo Thông tư liên tịch số 21/2016/TTLT-BGDĐT-BTC do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính:

Về mức chi thù lao cho thành viên các Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa trong thời gian tham gia trại thẩm định, thông tư quy định: Chủ tịch Hội đồng tối đa là 200.000 đồng/buổi; Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên, thư ký tối đa 150.000 đồng/buổi.

Đối với việc đọc thẩm định, mức chi thù lao đọc thẩm định cho các thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa, Hội đồng thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình như sau: Đọc thẩm định chương trình: Tối đa 25.000 đồng/tiết/người; Đọc thẩm định sách giáo khoa: Tối đa 35.000 đồng/tiết/người; Đọc thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình: Tối đa 30.000 đồng/tiết/người.

Thầy giáo Ngô Trung ở Vũng Tàu cho rằng “Mức thù lao của Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên, thư ký như vậy là quá thấp, chưa tương xứng với trọng trách mà nhà nước giao cho họ.

Tôi không thể tin được, với vai trò, vị trí quan trọng như thế, cần đầu tư tâm lực, trí lực như thế mà chế độ quá thấp.

Ngay một người đi làm thợ hồ, đã có tiền công cao hơn cả Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên, thư ký Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa”.

Cần xem lại chế độ cho Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa. (Ảnh minh họa: Đức Hạnh/TTXVN)

Cần xem lại chế độ cho Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa. (Ảnh minh họa: Đức Hạnh/TTXVN)

Thầy giáo (xin được giấu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ “Đọc thẩm định sách giáo khoa 1 tiết vất vả, trách nhiệm nặng nề hơn hàng trăm lần dạy trên lớp.

Với giáo viên Tiểu học mới ra trường, tiền tăng giờ cũng đã 55.000 đồng/tiết, vậy mà 1 tiết đọc thẩm định sách giáo khoa tối đa 30.000 đồng, không tin được dù đó là sự thật.

Đọc thẩm định sách giáo khoa quốc gia phải là những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, có tuổi nghề, trả thù lao quá thấp làm sao đủ điều kiện để họ tái tạo sức lao động?

Có thể buổi đầu làm tốt, nhưng buổi sau không thể tốt như thế nữa.

Vì vậy, đọc lướt, đọc qua là điều dễ hiểu, “sạn” lọt vào là thường tình, không trách họ được. Nếu là em, em sẽ từ chối, không tham gia đọc thẩm định sách giáo khoa với mức thù lao như thế”.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính cần xem lại chế độ cho Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa trong thời gian tham gia trại thẩm định.

Đặc biệt phải tăng thù lao cho việc đọc thẩm định sách giáo khoa, đảm bảo công bằng cho họ, ít nhất phải tương đương chế độ làm thêm giờ của họ được lĩnh.

Có như thế mới hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ. Đầu tư cho đối tượng đọc thẩm định sách giáo khoa chính là cách đầu tư hiệu quả, đơn giản nhất, đảm bảo có nội dung sách giáo khoa sạch, không “sạn”.

Bên cạnh đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa, cũng cần quy định trách nhiệm cụ thể.

Nếu để xảy ra tình trạng “sạn” trong sách giáo khoa, ai, người nào, bộ phận nào phải chịu trách nhiệm. Nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì phải truy cứu hình sự, có như thế “tội phạm sạn” không thể lọt vào sách giáo khoa.

Có làm, có sai, nhưng sai ở mức độ cho phép, chúng ta cũng nên thông cảm. Nhưng với sách giáo khoa, tuyệt đối không nên có sai sót.

Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp ý sách giáo khoa lớp 6 mới như thế nào?

Nhận xét chung:

- Cấu trúc nội dung và hình thức sách giáo khoa lớp 6 các môn học của các bộ sách phù hợp với Khung chương trình giáo dục phổ thông của Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Nội dung kiến thức trong từng môn học thể hiện được mức độ phân hóa khả năng học tập của học sinh, thể hiện tính mở cho việc sáng tạo trong việc vận dụng nội dung sách.

- Hệ thống câu hỏi khá rõ ràng, có tính gợi mở, phù hợp với các đối tượng học sinh, giúp hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Sách giáo khoa ở các nước tiên tiến chỉ là một tài liệu tham khảo, không cần thẩm định của chính phủ, giáo viên và học sinh có quyền lựa chọn sách giáo khoa phù hợp cho mình.

Sách giáo khoa ở nước ta vẫn là tài liệu dạy học. Vì vậy vẫn cần có bộ sách giáo khoa thật tốt, không “sạn”, là ước mơ của giáo viên, học sinh và toàn xã hội.

Không để lặp lại sai sót như sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 vừa qua, vai trò quyết định vẫn thuộc về Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/tai-chinh/thong-tu-lien-tich-21-2016-ttlt-bgddt-btc-bo-giao-duc-va-dao-tao-109524-d1.html

http://bariavungtau.edu.vn/Default.aspx?sname=SoGDDT&sid=4&pageid=3048&p_steering=23356

Sơn Quang Huyến