Đề cương ôn tập, 1 chiếc gậy lùa học sinh đến lớp học thêm

05/01/2021 07:20
Đỗ Quyên
GDVN- Cho học sinh đề cương ôn tập vẫn coi trọng điểm số là đang đi ngược với mục tiêu trong chương trình mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Nhiều phụ huynh có con học lớp1 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát khóc khi nhìn tập đề cương lớp 1 cho con ôn tập để chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1 vào thời gian sắp tới.

Kiểm tra học kỳ 1 mà một học sinh lớp 12 phải học bấy nhiêu đề cương cho các môn học (Ảnh: Đỗ Quyên)

Kiểm tra học kỳ 1 mà một học sinh lớp 12 phải học bấy nhiêu đề cương cho các môn học (Ảnh: Đỗ Quyên)

Chị Nguyễn Hoàng Lan, có con học lớp 1 một trường tiểu học ở QuậnThủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Tôi đọc xong đề cương thấy rối mắt, chóng mặt và oải. Chương trình lớp 1 năm nay biết là mới, nhưng đề cương quá nhiều, quá nặng so với thực tế học lực của các bé tuổi lớp 1.

Con tôi đọc chưa thông, viết chưa thạo, chữ viết nguệch ngoạc, làm sao con có thể đảm bảo hết được những nội dung như thế"

Chị H.T.Mai có con học Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Quận 8 chia sẻ: "Tôi cảm thấy hơi rối với nội dung ôn tập mang tích chất "thử thách", "gài", vì bình thường mình có thể hỗ trợ, nhưng khi kiểm tra nghiêm túc, các con sẽ sai".

Học sinh học cả ngày cần đề cương làm gì?

Nhiều trường tiểu học hiện nay đang tổ chức dạy học cả ngày. Thường thì buổi sáng dạy học tiết chính khóa, buổi chiều giáo viên sẽ cho các em ôn tập lại những kiến thức đã học trước đó. Và như thế, không cần đến đề cương cho học sinh.

Thế nhưng trong thực tế, vì sao giáo viên vẫn phát đề cương về cho các em? Học cả ngày trên trường mang đề cương về sẽ học vào lúc nào?

Đề cương, chiếc gậy lùa học sinh đến lớp học thêm

Đề cương ôn tập không đơn giản chỉ là tờ giấy in những nội dung học sinh cần ôn tập. Đề cương được ví như “bùa điểm”, là chiếc cần lùa học sinh đến lớp học thêm.

Một phụ huynh kể lại khi nghe một cô giáo dạy tiếng Anh ở Quận 3 cứ nhắc đi nhắc lại với học sinh trong lớp học thêm: "Học kỹ từ vựng, nắm các thì cơ bản, nhớ làm đi làm lại những dạng đề như thế này nghe chưa".

Hay lời chia sẻ của một phụ huynh có con thường xuyên đi học thêm: “Xưa giờ con tôi chỉ học Anh văn lớp cô này. Khi làm bài tập ở lớp thì bài tô đen bôi đỏ sai quá trời. Tôi cho con nghỉ, đi học cô tổ trưởng tổ Anh ở trường. Một bữa ôn chất lượng như này mất gần 200.000 đồng. Có tốn tiền bạc, thời gian, tôi cũng ráng đưa con đi "bùa" trước kỳ thi mới yên tâm".

Có phụ huynh chia sẻ, nhìn đề cương của con chẳng biết giúp con ôn tập thế nào nên cách tốt nhất là gửi giáo viên ôn tập luôn.

Vì muốn yên tâm để con thi tốt, vì nhìn đề cương quá nặng nên người người đua nhau chở con đến lớp học thêm.

Đề cương ôn tập đang vô hiệu hóa mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực trong chương trình mới

Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định: "Kiểm tra, đánh giá là hoạt động không tách rời của hoạt động dạy học. Chúng ta đang tập trung đổi mới dạy học theo phát triển năng lực, phẩm chất người học thì kiểm tra, đánh giá cũng phải gắn như vậy.

Tuy vậy, một điều bất cập là hiện nay việc kiểm tra đánh giá vẫn coi trọng nhiều hơn đến điểm số. Trong khi đó, đánh giá năng lực lại coi trọng đánh giá định tính nhiều hơn".

Bởi thế, cho học sinh đề cương ôn tập đang đi ngược với mục tiêu trong chương trình mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Khác với nhiều trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường tiểu học tại Bình Thuận hiện không cho học sinh đề cương ôn tập. Học sinh sẽ được ôn tập thế nào?

Giáo viên sẽ vừa dạy vừa ôn tập cho học sinh trong các tiết học chính khóa. Với tiết ôn tập buổi chiều thì việc ôn tập sẽ kỹ hơn. Mỗi thầy cô giáo tự hệ thống những kiến thức mình cho là trọng tâm của học kỳ để ôn tập lại cho các em.

Sau đó, giáo viên tự ra đề để học sinh làm (xem như tự sát hạch) để thấy các em sai nhiều ở phần nào, kiến thức nào chưa nắm chắc thì tiếp tục rèn thêm.

Khi hỏi về việc ôn tập cho học sinh lớp 1 năm học này, cô Ngọc Minh, Tổ trưởng chuyên môn cho biết, việc lớp 1 thì đề cương làm gì, cũng chỉ là đọc và viết nên giáo viên tăng cường rèn đọc, rèn viết cho các em. Khi đã đọc thông viết thạo thì bài đọc, bài viết trong sách hay ngoài sách giáo khoa học sinh đều có thể đọc và viết được.

Đề kiểm tra là đề do nhà trường tự ra. Tuy thế, những kiến thức trong đề kiểm tra cũng không xa lạ gì với các em học sinh vì đó là những kiến thức cơ bản đã được học.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/lop-1-phat-sot-voi-on-thi-20201227204135774.htm

https://tuoitre.vn/can-ke-thi-hoc-ky-nhon-nhip-dua-con-di-bua-diem-20201219233227309.htm

Đỗ Quyên