Tối ngày 12/11, tại sân trường Tiểu học Kim Bon, Phù Yên, Sơn La, mọi người trong đoàn công tác thiện nguyện của Báo Giáo dục Việt Nam và người dân địa phương đã có những giờ phút vui vẻ trong đên liên hoan văn nghệ “cây nhà lá vườn”.
Từ hơn 18 giờ, lượng người đổ về trung tâm xã ngày càng nhiều. Được biết, có người dân sống ở những bản xa xôi, cách trung tâm hơn 20 km đường rừng, khi biết tin có đoàn từ thiện ở Hà Nội về thăm đã rủ nhau đi đến từ rất sớm.
Các em học sinh đã đông đủ trước giờ khai mạc
19h30, chương trình văn nghệ được bắt đầu. Theo chính quyền địa phương, do chuyến đi của Báo Giáo dục Việt Nam gần với ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nên buổi giao lưu văn nghệ này được kết hợp như một món quà chào mừng đầy ý nghĩa.
Không giấu được niềm vui mừng, ông Vũ Tiến Đĩnh – Bí thư Đảng ủy xã Kim Bon chia sẻ niềm vui đang được cộng hưởng ở nơi đây. Chuyến đi của các nhà từ thiện trong những ngày cả nước náo nức kỷ niệm ngày 20/11 như một lời động viên tinh thần thầy cô giáo ở Kim Bon cố gắng hơn trong công tác, vượt qua mọi khó khăn trong sự nghiệp “trồng người” cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ông Vũ Tiến Đĩnh - Bí thư Đảng ủy xã Kim Bon chia sẻ niềm vui đang được cộng hưởng ở nơi đây
Cũng trong dịp này, báo GDVN cũng đã lần lượt trao tiền và hiện vật của các cá nhân, đơn vị hảo tâm tới 3 trường: Mầm non, tiểu học, THCS.
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trao tặng số tiền 22 triệu đồng giúp đỡ các em học sinh trường THCS Kim Bon
Cô giáo Anh Thơ thay mặt nhóm Bloger và độc giả báo GDVN trao tặng số tiền 12 triệu đồng giúp đỡ các em học sinh trường Tiểu học Kim Bon
Á hậu Thùy Trang thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền 3.800.000 đồng giúp đỡ các em học sinh Mầm non Kim Bon
Trước đó, đoàn cũng đã đến thăm trường Mầm non Kim Bon và đến điểm trường lẻ Đá Đỏ trao quà và những chiếc áo ấm cho em.
Những bài hát với nội dung xoay quanh chủ đề tình yêu đất nước, tình thầy trò, mái trường và những khát vọng tuổi trẻ đã “hâm nóng” mảnh đất Kim Bon giữa núi rừng heo hút.
Một tiết mục văn nghệ của các em học sinh
Nếu như các em học sinh trường tiểu học duyên dáng trong những bộ váy xúng xính của dân tộc Mông qua tiết mục múa ô thì các em đến từ trường THCS lại nhịp nhàng qua điệu múa Dao. Được biết, múa Dao là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao. Điệu múa này còn có tên là “lập tỉnh”, tức là đặt tên cho người con trai khi sinh ra. Các cô gái, chàng trai mặc trang phục của người Dao, tay lắc chuông, chân bước đều theo nhịp đàn có ý nghĩa cầu mong sự no ấm, hạnh phúc.
Khi biết tin đoàn từ thiện của báo Giáo dục Việt Nam lên thăm Kim Bon, các cô giáo cũng đã tập luyện một số bài hát như “cô giáo vùng cao”, “tình ta biển bạc đồng xanh”… Nghe những giọng hát đằm thắm trong những bộ váy áo của các dân tộc thiểu số, mọi người có cảm giác gần gũi, mến thương.
Các thầy, cô giáo của 3 trường biểu diễn chung một tiết mục
Những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục hàng ngày vẫn leo qua những đoạn đèo cao để mang cái chữ đến với con em dân bản. Đêm liên hoan văn nghệ như một dịp mọi người cùng cất cao tiếng hát ca ngợi công lao âm thầm của các thầy, các cô giáo vùng cao.
Không có những bó hoa tươi đắt tiền nhưng những tràng pháo tay giòn giã của các em học sinh và nhiều người dân đã mang lại những cảm xúc tuyệt vời.
Đoàn công tác giao lưu cùng chính quyền địa phương
Góp vui vào không khí ấy, đoàn công tác cùng nắm tay nhau hát Liên khúc về tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng.
Hơn 10h, đống lửa được thắp lên, những cánh tay nắm chặt xoay vòng quanh trong điệu nhạc của bài hát “Inh lả ơi”. Trong tiếng cười vang rộn ràng, mọi người như sát lại gần nhau hơn.
Bên ánh lửa cháy bập bùng, một chiếc cối giã bánh dày được bày ra. Tiếng chày nện đều xuống cối. Những miếng bột nếp trắng tinh, thơm tho ngày càng nhuyễn.
Trong một đêm hiếm hoi nơi núi rừng Tây Bắc, các thành viên trong đoàn đã có những phút giây trải nghiệm thú vị, thấu hiểu hơn cuộc sống khốn khó của đồng bào nơi đây.
Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới. Mọi sự ủng hộ xin gửi về: - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888 - Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy - Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn |
Ngọc Khánh