Cha, mẹ làm gì để dạy con trở thành người tử tế?

05/01/2021 06:29
Phạm Minh
GDVN- Làm sao bố mẹ có thể dạy con những hành động đẹp, dạy con trở thành người tử tế nếu không cùng con thực hành những điều ấy hàng ngày?

Giáo dục hiện đại không chỉ chú trọng tới kiến thức mà còn chú trọng đến kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, nhân cách của trẻ, giáo dục con người phát triển một cách toàn diện.

Những năm qua, giáo dục tích cực đã được đưa vào trường học. Chúng ta bắt đầu áp dụng, thực hiện kỷ luật tích cực với học sinh, xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc.

Tuy nhiên, giáo dục và kỷ luật tích cực không nên chỉ dừng lại ở không gian của lớp học, trường học. Trong gia đình, trong cách ứng xử của bố mẹ với con cái cũng cần thiết áp dụng phương pháp giáo dục này.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành (chuyên ngành Tâm lý học Phát triển và Giáo dục, người sáng lập HEARY - Giáo dục tích cực tại Việt Nam) khẳng định: “Bố mẹ sẽ là những người ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nhân cách và hành vi của con trẻ, những đứa trẻ luôn đang quan sát chúng ta và sẵn sàng bắt chước cách mà ta ứng xử”.

Vai trò của gia đình trong giáo dục con trẻ

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành cho biết, trong tâm lý học phát triển, mô hình lý thuyết “Bioecological System Theory” (Lý thuyết hệ thống sinh thái) đã khẳng định, sự phát triển toàn vẹn của một cá nhân chịu sự tác động một phần ở môi trường nơi người đó đang tồn tại, trong đó gia đình là nhân tố tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Thành cho rằng, những đứa trẻ luôn đang quan sát chúng ta và sẵn sàng bắt chước cách mà ta ứng xử.(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Thành cho rằng, những đứa trẻ luôn đang quan sát chúng ta và sẵn sàng bắt chước cách mà ta ứng xử.(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành chia sẻ: "Trẻ em học được rất nhiều cách ứng xử trong bối cảnh gia đình và sử dụng lại nó để tương tác với bạn bè, thầy cô.

Ngày tôi còn đi dạy trẻ trực tiếp, có một bạn mới vào lớp rất hay đòi đồ chơi của các bạn khác, nếu bạn không đưa là liền lăn ra khóc.

Sau một thời gian tìm hiểu nguyên nhân để có thể tìm giải pháp cho con, thì bố của bạn có kể lại với giáo viên rằng, gia đình con ở cùng ông bà nội, ông bà rất chiều cháu, mỗi khi cháu đòi gì là đều được đáp ứng. Nếu bố mẹ can thiệp, phản đối cách làm đó thì ông bà sẽ quát cả bố mẹ.

Kết quả là, bé biết được điều đó nên ở nhà rất hay ăn vạ và không biết nhường nhịn ai cả, khi đến lớp, đến trường cũng duy trì thói quen, tính cách đó.

Khi tôi làm cố vấn về giáo dục tích cực ở trường học, các cô giáo dạy cho trẻ về “Điểm mạnh Tử Tế”.

Khi giáo viên vừa nói đến chữ “Tử Tế” thì một bạn học sinh đã giơ tay lên và nói rằng: Cô ơi, mẹ con bảo là phải biết chia sẻ đấy ạ. Như thế là em bé Tử Tế.

Qua hai câu chuyện trên, chúng ta có thể khẳng định, gia đình có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến trẻ, môi trường văn hóa ứng xử chính là người thầy thứ ba của trẻ".

Đó cũng là lý do mà phụ huynh cần phải nhận thức sâu sắc điều này, cần phải có thái độ, lời nói, hành vi ứng xử chuẩn mực, phù hợp nếu muốn giáo dục con trở thành người tốt.

Thời gian qua, có nhiều vụ việc như phụ huynh xông vào lớp học, sử dụng bạo lực đối với bạn học của con.

Ngày 21/12/2020, báo Vnexpress đưa tin "Phụ huynh đánh bạn học của con ngay trong lớp”.

Theo đó, vào tiết học cuối buổi sáng 9/12, em N.Q.H và T.L.N.M, học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Tân Bình (Điện Biên) phát sinh mâu thuẫn. Sau khi tan học, H đấm vào mặt M.

Biết con trai bị bạn đánh nên khoảng 13h45 cùng ngày, anh Triệu Ngọc Phương đến trường, xông vào lớp đánh vào đầu, sườn, đùi H. Anh Phương còn yêu cầu cháu H ra ngoài khu vực trường.(1)

Ngày 1/10/2020, báo Tuổi trẻ có bài viết "Con bị giành đồ chơi, bố xông vào lớp túm tóc, tát liên tục bé gái hai tuổi".

Theo nội dung bài báo, sự việc xảy ra tại một lớp học mầm non ở Trường mầm non Trumskids (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, Lào Cai): Thấy bé gái tranh đồ chơi và cắn vào tay con mình, người đàn ông đã xông vào lớp liên tục tát, đánh, túm tóc bé khiến bé hoảng sợ, sang chấn tâm lý. (2)

Luận bàn về những sự việc trên, Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành chia sẻ: "Chúng ta phải hiểu rằng, đối với giáo dục trẻ em thì không thể dùng bạo lực để giải quyết bạo lực. Đáng tiếc là hành vi bạo lực của người đàn ông này đã vô tình truyền đi cho đứa trẻ thông điệp rằng bạo lực là đúng đắn".

Có rất nhiều bố mẹ biện bạch rằng “Cần phải dạy trẻ biết cách sử dụng bạo lực đúng lúc”. Tuy nhiên, cần phân biệt cho rõ giữa tự vệ và bạo lực, ranh giới này rất mong manh".

Theo thầy Thành, đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ, việc sử dựng bạo lực để giải quyết vấn đề sẽ tạo ra thói quen cho con. Lần sau khi gặp vấn đề nhỏ hơn, liệu rằng trẻ có dừng lại để mà suy xét việc mình sử dụng bạo lực?

Phụ huynh cần phải cẩn trọng, vì đứa trẻ luôn đang quan sát bố mẹ, ông bà, người lớn và sẵn sàng bắt chước cách mà ta ứng xử.

Phương pháp quyết định kết quả giáo dục

Cha, mẹ đều mong sẽ nuôi dưỡng nên những đứa trẻ thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở việc “Liệu cách mà chúng ta vẫn quen làm có thực sự tạo nên được những em bé như vậy không?”.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành khẳng định, giáo dục nhân cách cần đưa ra đời sống để thực hành, để làm cho cuộc đời thêm phần tươi đẹp (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành khẳng định, giáo dục nhân cách cần đưa ra đời sống để thực hành, để làm cho cuộc đời thêm phần tươi đẹp (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành, có ba sai lầm chủ yếu của bố mẹ trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ.

Thứ nhất, bố mẹ bắt ép trẻ học tập một cách cực đoan, mặc dù mục đích ban đầu là giúp con trở thành người tử tế, dạy con những đức tính tốt đẹp.

"Nhưng việc chúng ta ép buộc, đe doạ trẻ có làm cho chúng “thực sự học” hay không? Hay chỉ là đối phó cho có? Và liệu như vậy có giúp trẻ trở nên tử tế hơn, tốt lên hơn như chúng ta muốn hay không?

Trong lý thuyết về Các kiểu làm cha mẹ của nhà tâm lý học Diana Baumrind thì những bậc cha mẹ này có vẻ như đang thiên về kiểu độc đoán", thầy Thành nhấn mạnh.

Thứ hai, một số phụ huynh lại “bỏ bê” trẻ, mặc kệ cho trẻ làm những gì mình muốn.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành phân tích: "Những bậc cha mẹ này khoác lên mình một “cái áo rất thời thượng”, không kỳ vọng vào trẻ, để trẻ tự nhiên như cây cỏ. Họ cho rằng mình đang không ép buộc trẻ.

Nhưng hãy nghĩ lại xem, có thực là như vậy? Việc chúng ta muốn trẻ phát triển tự nhiên, muốn trẻ trở thành em bé Tự do hay Hạnh phúc, bản thân nó chính đã là một kỳ vọng quá sức lớn lao rồi.

Nếu chúng ta cứ để trẻ tự vùng vẫy mà không hề trợ giúp, thì lúc ấy sẽ tạo cho các em một tâm thế bất lực, chán nản và có thể sẽ làm cho trẻ cảm thấy mình không thể làm được. Diana Baumrind gọi đây là “Cha mẹ thờ ơ” và trong nhiều trường hợp, nó gây hại cho trẻ em".

Thứ ba, một số cha mẹ rất tiêu cực trong việc ứng xử với hành vi của con trẻ. Họ vô tình đẩy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở thành “Đối đầu”, cho phép mình là một “lực lượng tối cao” có quyền trừng phạt trẻ bất kì lúc nào mà họ muốn.

Đến ngày nay, vẫn rất nhiều người nghĩ rằng “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là chính xác trong giáo dục trẻ em, và cái cớ là họ viện dẫn “Ngày xưa bố mẹ mình đánh mình có sao đâu. Mình vẫn lớn lên khoẻ mạnh mà”.

"Chúng ta không hề biết rằng việc trừng phạt trẻ em bằng những hình thức bạo hành thể chất, tinh thần sẽ mang đến những tổn thương lâu dài lên trẻ như suy giảm lòng tự tôn; Gia tăng các hành vi có vấn đề ở trẻ; Gia tăng áp lực, lo sợ, và thậm chí là triệu chứng trầm cảm ở trẻ nhỏ; Phá vỡ mối quan hệ giữa Cha mẹ và Con cái; Làm giảm sụt thành tích học tập của trẻ", thầy Thành phân tích.

Nguy hiểm hơn, các em sẽ lớn lên nhưng có khi không nhận ra chính những thương tổn của bản thân mình, hoặc phủ nhận nó. Điều đó đã ngăn cản các cá nhân đến với những sự trợ giúp cần thiết khi có vấn đề về sức khoẻ tâm thần khi trưởng thành.

Với kỷ luật tích cực, điều đầu tiên cần làn khi đối mặt với hành vi của trẻ em, đó là “hiểu được nguyên nhân của hành vi ấy” rồi sau đó là “Trợ giúp các em xử lý một cách có hiệu quả các vấn đề bên trong/ ngoài của hành vi” chứ không phải trừng phạt trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Thành, mỗi phụ huynh, mỗi thành viên trong gia đình hãy dùng chính mình để trải nghiệm và thực hành những điều mà chúng ta muốn giáo dục con trẻ.

Làm sao chúng ta có thể “dạy con trở thành người tử tế” trong khi chính bản thân mình không cùng con thực hành những điều ấy hàng ngày?

Giáo dục nhân cách không chỉ đơn giản là kiến thức về điểm mạnh nhân cách ấy, mà còn là việc mang nó ra ngoài đời sống để thực hành, để làm cho cuộc đời thêm phần tươi đẹp.

Muốn vậy, phụ huynh cần kết hợp giữa lượng kiến thức truyền đạt và hướng dẫn trẻ cách áp dụng trong cuộc sống; cần thực hành với trẻ, làm gương cho con những hành vi mà chúng ta mong muốn; Tạo ra những giáo dục, bài học phù hợp với lứa tuổi của trẻ kèm theo hướng dẫn thực hành chi tiết để trẻ có thể làm một cách độc lập theo cách của con.

Đơn giản, khi bố mẹ muốn con hiểu rằng, con cần phải có tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh. Ngoài việc chia sẻ với con thế nào là tình thương, đồng cảm, là giúp đỡ thì bố mẹ hãy thực hiện hành động ấy.

Bố mẹ có thể giúp đỡ người hàng xóm khi họ gặp khó khăn, các thành viên trong gia đình luôn chia sẻ hỗ trợ công việc với nhau... đó là những bài học thực tế giáo dục đạo đức, nhân cách cho trẻ.

Ngoài ra, bố mẹ hãy để trẻ tham gia vào việc “tự giáo dục” chính mình. Bố mẹ tránh thúc ép, bắt buộc, áp đặt trẻ phải làm theo ý mình.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Thành, muốn đạt được hiệu quả tốt nhất về giáo dục tích cực thì cả Nhà trường và Gia đình cần phải phối hợp với nhau để cùng áp dụng những nguyên tắc ấy trong việc giáo dục và tương tác với trẻ.

Nhà trường nên để cho phụ huynh biết trên trường mình giáo dục học sinh như thế nào để cha mẹ phối hợp và áp dụng trong gia đình, hoặc hỗ trợ thầy cô giáo khi cần.

Ngược lại, các bậc cha mẹ cũng nên làm gương cho con em của mình những hành vi phù hợp để trẻ có thể phát triển một cách tốt nhất cả ở trong môi trường gia đình, học đường, và bên ngoài xã hội.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/phu-huynh-danh-ban-hoc-cua-con-ngay-trong-lop-4209751.html

(2) https://tuoitre.vn/con-bi-gianh-do-choi-bo-xong-vao-lop-tum-toc-tat-lien-tuc-be-gai-2-tuoi-20201001111854474.htm

Phạm Minh