Năm cũ 2020 qua đi với những điều chưa hề có trong lịch sử, thế nhưng cả dân tộc đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã làm nên kì tích, khiến cả thế giới khâm phục trên mặt trận kinh tế, y tế và giáo dục.
Thế nhưng vẫn còn đó những điều mà giáo dục chưa làm được, vẫn còn đó nhưng mong mỏi của giáo viên muốn trở thành hiện thực trong năm mới.
1. Bộ đã cởi trói hồ sơ, cơ sở sẽ thực hiện
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước phấn khởi, vì từ nay không còn cảnh in giáo án nộp cho các cơ sở giáo dục để ... ký duyệt.
Thế nhưng, thực tế không như là mơ, trên cả nước các Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn sử dụng hồ sơ điện tử vẫn chưa như mong muốn của giáo viên.
Thực tế mới có Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Khánh Hòa ... có văn bản cho phép, quy định giáo viên sử dụng hồ sơ điện tử thay thế, có giá trị như hồ sơ giấy.
Vì vậy, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cho phép, thế nhưng việc giáo viên được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế, có giá trị như hồ sơ giấy vẫn là mong ước của giáo viên trong năm học mới.
(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến) |
2. Lời hứa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ được thực hiện
Ngày 30/12/2020, ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản để ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ thứ hai; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc. Dự kiến các thông tư này sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2021.
3. Có bộ sách giáo khoa lớp 6, lớp 2 không sạn
Vạn sự khởi đầu nan, với sạn trong tất cả các bộ sách lớp 1 đã và đang gây khó khăn cho giáo viên, học sinh, xã hội.
Hàng triệu bản sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 khó mà tái sử dụng cho năm học mới, một sự lãng phí đáng ra không xảy ra, thế nhưng vẫn chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt Tài liệu điều chỉnh sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Thế nhưng trong Tài liệu điều chỉnh thì kiến thức vướng sạn bị thay thế gần như nằm toàn bộ ở cuốn sách tiếng Việt lớp 1, chỉ có một bài duy nhất nằm ở sách học kỳ 2.
Sạn trong sách Tiếng Việt lớp 1 đã dạy gần hết, vậy mà tài liệu thay thế, bổ sung chỉ mới được duyệt, chuẩn bị phát hành, vì vậy việc phát hành Tài liệu điều chỉnh sách Tiếng Việt 1 trở nên vô tác dụng.
Vì vậy, giáo viên nói riêng, xã hội nói chung mong ước có bộ sách giáo khoa lớp 6, lớp 2 không sạn.
4. Giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên
Tình trạng giáo viên thiếu, giáo viên phải dạy và hưởng chế độ hợp đồng chưa tương xứng với công việc của mình cũng là một vấn đề trong giáo dục hiện nay.
Thừa giáo sinh, thiếu giáo viên là sự lãng phí nguồn lực của xã hội. Vì vậy, mong mỏi của giáo viên mong chấm dứt tình trạng này, đảm bảo giáo viên theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
5. Công nhận kết quả dạy trực tuyến và có chế độ cụ thể cho giáo viên
Năm 2020, vì đại dịch Covid-19 nhưng học trò chúng ta “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học” chính là nhờ giáo viên đã dạy trực tuyến. Thế nhưng vẫn còn đó những băn khoăn của giáo viên về chế độ cho hình thức giảng dạy mới này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có xây dựng dự thảo thông tư ban hành quản lý dạy trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2021.
Mong rằng thông tư ban hành quản lý dạy trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ đáp ứng được những nguyện vọng chính đáng của giáo viên.
Chúc toàn thể anh chị em công tác trong ngành Giáo dục có một năm mới thật hạnh phúc và thành công.