Mây đen che phủ và Mặt trời tỏa nắng

06/01/2021 07:06
Xuân Dương
GDVN- Năm mới, vận hội mới vẫn là điều mong mỏi của những người Việt Nam, cầu mong sao cho “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn sẽ toả nắng ở Việt Nam".

Tính từ tháng 01/2011, khi ban lãnh đạo Đảng nhiệm kỳ 11 bắt đầu hoạt động đến cuối tháng 01/2021 khi ban lãnh đạo nhiệm kỳ 12 kết thúc hoạt động, thời gian kéo dài 10 năm.

Đến giữa nhiệm kỳ ban lãnh đạo khóa 11, ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ngày 06/10/2014 Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương (khóa 11) Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội đã nhấn mạnh “Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ”. [1]

Khó khăn trong hoạt động chống tham nhũng của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được ông Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đây là vấn đề lợi ích, cấu kết, móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm, ông mất chân giò, bà thò chai rượu... những quan hệ lằng nhằng với nhau”. [1]

Chính vì thế chiến lược chống tham nhũng được thực hiện theo phương châm “Phải bình tĩnh, tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định". [1]

(Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn)

(Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn)

Sau giai đoạn “Diệt chuột giữ bình”, trong nhiệm kỳ thứ 2 trên cương vị Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương, tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (diễn ra ngày 31/07/2017), ông Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đề cập đến chuyện “đốt lò”, nguyên văn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như sau:

“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. [2]

Theo số liệu công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020, thì thời gian qua “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý”. [3]

Kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chính thức hoạt động, bình quân mỗi năm có khoảng 16 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật.

Trong số hơn 110 người bị kỷ luật, có 27 người là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ba người là Ủy viên Bộ Chính trị và một người là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, ngoài ra còn hơn 30 tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang.

Riêng nhiệm kỳ 12, trong số 180 ủy viên chính thức, có 10 Ủy viên Trung ương bị kỷ luật gồm các ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Văn Bình, Tất Thành Cang, Nguyễn Đức Chung, Lê Viết Chữ, Trần Quốc Cường, Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Triệu Tài Vinh, trong số này có những người bị xử lý hình thức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng và nhận những bản án nghiêm khắc trước pháp luật.

Dù chiến dịch “Đốt lò” chính thức được phát động từ ngày 31/07/2017 nhưng trước đó từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, số “củi” bị cho vào lò nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sử 90 năm hoạt động của Đảng.

Nêu vài con số để thấy, vai trò của bộ tham mưu, của người đứng đầu quan trọng biết nhường nào trong cuộc chiến chống quốc nạn tham nhũng, lãng phí.

Một cách tự nhiên là qua “cuộc chiến” này, dân chúng nhìn thấy phần khuất của bức tranh đạo đức, tư cách của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vốn thường ngày bị che phủ rất kỹ càng.

Có thể thấy cho đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách mạnh mẽ, kiên quyết nhưng cũng xin nhắc lại ý kiến của ông Nguyễn Túc thời kỳ làm Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

“Đúng là hiện nay mặc dù Đảng đã làm được nhiều nhưng chưa được như yêu cầu, nên người dân có cảm giác như chưa làm được mấy”. [4]

Tại sao lại có ý kiến này?

Tám năm trước, ngày 11/09/2012, trong buổi Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói:

“Bây giờ người ta ăn của dân không từ một cái gì, từ tiền thương binh liệt sĩ, đến tiền của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghèo…, ăn hết”. [5]

Tám năm sau, vào năm 2020 này, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vẫn có những kẻ nâng khống giá thiết bị xét nghiệm virus để trục lợi như tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội hay vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai.

Báo chí đánh giá vụ này là “Ăn dày trên lưng bệnh nhân”.

Có một câu nói được lưu truyền rộng rãi: “Chỉ loài thú mới ngoảnh mặt với nỗi đau của đồng loại để lo liếm láp bộ lông của mình”, vậy thì những kẻ “ăn dày” trên nỗi đau của bệnh nhân là người hay thú?

Hồ Chủ tịch nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.

Vấn đề là ngày nay có cơ quan nào có thể tổng kết, đánh giá hoặc ít nhất cũng ước lượng một cách tương đối trong toàn bộ hệ thống chính trị “những con người xã hội chủ nghĩa” đúng nghĩa chiếm bao nhiêu phần trăm?

Phải dùng cụm từ “đúng nghĩa” bởi lẽ ngay trong trong bộ phận được sàng lọc kỹ càng nhất, gồm những thành viên được xem là ưu tú nhất đất nước là Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 12 (với 180 thành viên chính thức) có tới 10 người bị kỷ luật, tỷ lệ là 5,5%.

Vậy tại những nơi quy hoạch lỏng lẻo, con Bí thư tỉnh ủy mới 30 tuổi được đề bạt làm giám đốc sở hay “cử nhân cờ vua” là con Bí thư Tỉnh ủy được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy trực thuộc tỉnh thì tỷ lệ 5,5% thay đổi thế nào?

Tại sao Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Trịnh Xuân Thanh,… với chức vụ không mấy to tát lại có thể khuynh đảo cả từ địa phương đến cấp cao hơn?

Phải chăng những con người cụ thể này chỉ liên quan đến một thứ vô hình là “nhóm lợi ích” hay có gì nghiêm trọng hơn thế?

Một khi không ít cán bộ, đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì có hay không chuyện các “nhóm lợi ích” cũng “tự chuyển hóa” thành mafia kiểu mới, không phải là những băng nhóm “dao găm, mã tấu” mà là “cổ cồn, ca vát”, không phải trốn tránh pháp luật mà là “kề vai, sát cánh”?

Và liệu trong một tương lai không xa, đám “cổ cồn, ca vát” từ lĩnh vực kinh tế có thể tác động đến chuyện ban hành văn bản dựa trên “những quan hệ lằng nhằng với nhau” theo nguyên lý “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo?

Và lo ngại của một tác giả về những “ổ trứng mafia” liệu có phải là vô căn cứ?

Cuối năm 2019, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định về nền kinh tế Việt Nam như sau: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”.

Quả thật đất nước này, gần 100 triệu người Việt hôm nay có thể tự hào về những gì đã làm được trong năm 2020.

Bước sang năm mới, và cũng sắp bắt đầu nhiệm kỳ mới của Trung ương khóa 13, mong muốn của người viết là Ban lãnh đạo Hệ thống chính trị tập trung giả quyết tận gốc những tồn tại, yếu kém liên quan đến năm lĩnh vực: “An ninh quốc gia; Ổn định xã hội; Bảo vệ môi trường; Phát triển kinh tế; Cải cách giáo dục”.

Về an ninh quốc gia, việc Bộ Quốc phòng quyết định lắp camera dọc tuyến biên giới đất liền nhằm chống xâm nhập trái phép là hoạt động rất cần thiết tuy hơi muộn, vấn đề là làm sao để trên Biển Đông, mỗi con thuyền của ngư dân cũng có một camera như trên biên giới đất liền và nhờ đó có thể chỉ đích danh kẻ xâm nhập trái phép vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán của Việt Nam chứ không phải là “những con tàu lạ”?

Về ổn định xã hội, liệu nhiệm kỳ này có phải là thời cơ chín muồi để nhà nước trả lời người dân về những quyền cơ bản đã quy định trong Hiến pháp từ khi nền dân chủ cộng hòa được thành lập như quyền biểu tình, quyền lập hội?

Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định lập thành phố Thủ Đức và điều này có góp phần làm ổn định xã hội trên địa bàn?

Nêu câu hỏi này bởi tương lai cái tên Thủ Thiêm sẽ chỉ còn là dĩ vãng nhưng liệu người dân nơi đây có thực sự sẽ quên đi những gì đã xảy ra tại địa danh “Khu đô thị Thủ Thiêm” suốt hai chục năm qua?

Đặc biệt xin nói đôi chút về cải cách giáo dục, bảy năm trước, trong bài “Hoa thơm, mỗi bộ, ngành hưởng một tý” đăng trong chuyên mục Tuanvietnam/Vietnamnet.vn, người viết đã nêu một câu hỏi hơi gay gắt và cũng hơi chua chát:

“Phải chăng giáo dục là "hoa thơm" nên mỗi bộ, tỉnh phải được "ngửi" một tí?”. [6]

Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học cũng đã có các phát biểu về tình trạng manh mún của giáo dục Việt Nam, rằng chẳng có nơi nào trên thế giới lại quy hoạch giáo dục kỳ lạ như Việt Nam,…

Người viết trong suốt 07 năm đã liên tục đưa ra các ý kiến về vấn đề này và kết quả là không ai nghe.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, tân Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đầu năm 2021 này cũng nêu ý kiến tương tự. [7]

Ý kiến của ông giáo già sống ở nhà quê không ai nghe thì cũng chẳng có gì lạ bởi như lời một vị từng là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương “Có thể người nói chưa đủ giỏi và người nghe thì đã "giỏi" lắm rồi”. [7]

Một khi người nghe đã “giỏi lắm rồi” thì có lẽ điều họ cần là những lời êm ái, xuôi tai chứ không phải những nguyên lý khoa học hay triết học, càng không phải là “những điều vơ vẩn của thi sĩ”.

Vẫn biết trí thức không phải là thi sĩ, không thể “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, để tâm hồn treo ngược ở cành cây” nhưng liệu có nên nói chỉ để mình nghe?

Có cần thiết phải “treo ngược tư duy” để nói với bên dưới chứ đừng nói với bề trên?

Dẫu sao thì năm mới, vận hội mới vẫn là điều mong mỏi của những người Việt Nam bình thường nhất, cầu mong sao cho “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn sẽ toả nắng ở Việt Nam”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tong-bi-thu-diet-chuot-dung-de-vo-binh-200746.html

[2] https://vov.vn/chinh-tri/dang/tong-bi-thu-lo-nong-len-roi-thi-cui-tuoi-vao-cung-phai-chay-653960.vov

[3] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-giai-doan-2013-2020--627926/

[4] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/doithoai/toi-khong-tin-ky-luat-can-bo-roi-thi-lay-ai-lam-viec-342377.html

[5] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/10-phat-ngon-dang-suy-nghi-nam-2013-665409.tpo

[6] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/hoa-thom-moi-bo-nganh-huong-mot-ty-121955.html

[7] https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/nam-2021-chu-tich-hiep-hoi-gui-gam-3-ky-vong-doi-voi-giao-duc-dai-hoc-post214617.gd

Xuân Dương