Buổi tọa đàm được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 30 trường thành viên thuộc Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu vấn đề:
"Trong bối cảnh yêu cầu cần huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học, cao đẳng, nhất là các trường ngoài công lập là rất lớn, việc huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính hướng tới phát triển nhanh, toàn diện, bền vững đã trở thành yêu cầu cấp thiết cho giáo dục đại học, cao đẳng, trong đó có các trường ngoài công lập.
Buổi tọa đàm là không gian kết nối để các trường để cùng bàn luận, góp ý về Dự thảo chính sách truy thuế các trường ngoài công lập của Bộ Tài chính".
Tọa đàm góp ý cho dự thảo Thông tư truy thuế thu nhập doanh nghiệp các trường ngoài công lập. được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 30 trường thành viên (Ảnh: chụp màn hình) |
Về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa, các đơn vị tham gia xã hội hóa sẽ được miễn thuế trong bốn năm đầu hoạt động và được giảm 50% số thuế trong năm năm tiếp theo.
Về nguyên tắc, điều kiện để các cơ sở thực hiện xã hội hóa được hưởng chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp là: cơ sở phải thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định và phải thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn đã được Thủ tướng Chính phủ quy định.
Theo đó có ba văn bản quy định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, bao gồm Quyết định số 1466/QĐ - TTg ngày 10/10/2008; Quyết định số 693/QĐ - TTg ngày 06/5/2013; Quyết định số 1470/QĐ - TTg ngày 22/07/2016.
Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, các tiêu chí được quy định còn nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Năm 2010, nhiều trường đại học, cao đẳng bị truy thu thuế những năm trước vì không đáp ứng được một số tiêu chí theo quy định của Chính phủ.
Với nhiều bất cập tồn tại, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2014 về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong đó có nội dung tạm ngưng truy thuế, sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa cho phù hợp với thực tế.
Tháng 8/2020, Nghị quyết số 118//NQ-CP của Chính phủ đã thống nhất dừng thực hiện giải pháp chưa truy thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa nêu tại Khoản 13, Mục I Nghị quyết số 63/NQ-CP.
Chính phủ giao cho Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Sau thời điểm thông tư có hiệu lực thi hành, cơ sở xã hội hóa nếu chậm nộp thu thuế thu nhập doanh nghiệp thì bị tính tiền chậm nộp và bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.
Tuy nhiên, cuối tháng 12/2020, Thông tư của Bộ Tài chính lại không nêu ra những danh mục mới mà áp dụng truy thu thuế theo những danh mục cũ thuộc quy định trước đây.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xã hội hóa của các cơ sở giáo dục, ảnh hưởng đến quyền lợi của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các trường thành viên đã nêu ý kiến chia sẻ về những bất cập liên quan đến việc truy thu thuế với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trong đó, có 3 bất cập chính liên quan đến Nghị quyết số 118/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ nhất, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về việc tạm dừng truy thu thuế để xem xét lại các danh mục mới nhưng hiện nay, khi chưa có danh mục mới đã tiến hành truy thu thuế là bất hợp lý.
Thứ hai, nếu khi có danh mục mới, thì phải áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho thời gian nợ thuế trước đây, không nên áp dụng vào thời điểm hiện tại.
Thứ ba, việc ưu đãi thuế đối với các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo lại đưa ra những tiêu chí, điều kiện là không phù hợp, khó khuyến khích được các trường phát triển. Bởi lẽ trong quá trình đăng ký thành lập trường, cấp phép hoạt động, xem xét chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô đội ngũ giảng viên, quy mô sàn xây dựng... đã có những tiêu chí rõ ràng, cụ thể, nếu các trường để xảy ra sai sót, vi phạm thì đã có chế tài xử phạt.
Đại diện các trường thành viên cũng cho rằng, một số tiêu chí trong danh mục quy định không hợp lý.
Ví dụ quy định các trường phải đảm bảo 55m2/sinh viên là yêu cầu phi thực tế trong khi nhiều trường đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc mua đất.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không gian học tập không còn bị giới hạn, vấn đề về diện tích đất không còn là rào cản đối với sự phát triển của các trường học hiện nay.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, giáo dục là lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư phát triển vì giáo dục quyết định đến sự phát triển của con người.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh: "Hệ thống các trường công lập và ngoài công lập dù sở hữu khác nhau nhưng đều cần hướng đến một sân chơi chung và cần một môi trường bình đẳng về góc độ tài chính.
Trong 25 năm nữa, cần phải có những thay đổi liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp của các trường ngoài công lập.
Đối với các trường phi lợi nhuận không nên tồn tại thuế này, với các trường phi lợi nhuận thì những khoản đầu tư ngược lại cho giáo dục cần phải không tính thuế".
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, để có được một môi trường bình đẳng, công bằng giữa hệ thống các trường công lập và ngoài công lập, việc đầu tư ngân sách nhà nước nên đầu tư cho sinh viên chứ không nên đầu tư cho trường.
Đối với chính sách đầu tư đất, cả hệ thống các trường công lập và ngoài công lập nếu được cấp đất hay phải thuê đất thì nên thực hiện như nhau.
Cần giải quyết vấn đề theo hướng bình đẳng, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, đều cần chính sách cho vay ưu đãi. Bởi lẽ, chúng ta đầu tư phát triển giáo dục đều cùng hướng tới mục tiêu chung là phát triển giáo dục quốc gia.